Suốt 2 năm qua, 800 sản phẩm thủy sản kém chất lượng vẫn được lưu hành với chi phí chỉ 5 triệu đồng
Vụ việc liên quan đến hơn 800 sản phẩm thủy sản và xử lý môi trường được "cấp khống" có nguy cơ gây tổn hại lớn cho người dân và làm ô nhiễm hàng trăm năm sau nhưng phải đến hơn 1 năm, TCTS mới công bố thông tin cho báo chí và bà con nông dân được biết.
Ngày 20/7, một tin động trời từ Tổng cục Thủy sản (TCTS) sản tiết lộ, từ hơn hai năm qua, một số đối tượng tại văn phòng thuộc TCTS đã cấu kết để làm khống hồ sơ trong việc cấp phép thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Theo quy định, các sản phẩm trên trước khi bán ra thị trường phải được TCTS chấp nhận chất lượng và phải được TCTS cấp phép cho lưu hành. Tuy nhiên, thay vì làm hồ sơ theo quy định, hàng chục DN kinh doanh trong lĩnh vực này đã cắt ghép, đưa danh sách các sản phẩm không đủ chất lượng vào các phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành với chi phí chỉ 5 triệu đồng.
Với cách làm này, trong hai năm qua, các đối tượng thuộc văn phòng của Tổng cục Thủy sản đã đưa vào lưu hành cho 802 sản phẩm mà không hề bị cơ quan chức năng phát hiện. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, mà còn gây ô nhiễm môi trường và những hệ lụy về môi trường hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau.
Tuy nhiên, phải hơn 1 năm sau đó, vụ việc trên và danh sách vi phạm mới được tiết lộ.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (TCTS) sẽ giải đáp những thắc mắc này:
347/802 sản phẩm vi phạm đã lưu hành trên thị trường
- Thưa ông, xin ông cho biết vì sao việc cắt ghép danh mục của hơn 800 sản phẩm thủy sản đã được xử lý cách đây hơn 1 năm nhưng đến thời điểm này TCTS vẫn chưa công bố danh sách cụ thể cho người dân biết để phòng tránh?
- Như các bạn đã biết, ngày 17/6/2015, Tổng cục Thủy sản đã ban hành văn bản 1512. Theo nội dung văn bản, chúng tôi đã công bố đầy đủ danh sách của 96 doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi và công bố tên văn bản, phụ lục của 5 văn bản đã bị làm trái quy định của pháp luật. Trong đó, 802 sản phẩm đã được đưa vào phụ lục trái với quy định. Việc này chúng tôi đã công bố.
Thứ hai, như các bạn đã biết, việc rà soát tên văn bản, phụ lục văn bản, tên doanh nghiệp, tên sản phẩm thì cũng phải thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ, đòi hỏi mức độ chính xác cao.
Nếu chúng ta công bố mà chưa đúng, chưa cụ thể thì nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình sản xuất, nuôi trồng của bà con ngư dân cũng như tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi cần có thời gian. Thời điểm báo chí đề nghị TCTS công bố thì đúng vào thời điểm chúng tôi đang dần dần khép lại vụ việc. Đến hôm nay, chúng tôi đã hoàn chỉnh việc này.
- Nghĩa là cho đến thời điểm này, TCTS có thể cung cấp toàn bộ danh sách vi phạm?
- Ngay bây giờ chúng tôi có thể cung cấp cho các cơ quan báo chí về tên và danh mục của 5 văn bản đã ban hành, tên của 96 doanh nghiệp và đặc biệt tên của 802 sản phẩm.
Và cũng xin trao đổi thêm, TCTS đã đăng tải trên trang web của cục. Khi chúng tôi đăng tải thông tin này trên phương tiện thông tin đại chúng thì các doanh nghiệp, nhân dân có thể tra cứu được ngay.
- Là người nắm rõ tình hình, ông có thể cho biết cụ thể lượng sản phẩm thức ăn cho thủy sản, vật tư thủy sản cùng với lượng sản xuất trong nước cũng như nhập từ nước ngoài?
- Trong 802 sản phẩm đưa vào danh mục trái với quy định của pháp luật thì có 130 sản phẩm dùng làm thức ăn và 672 sản phẩm sử dụng làm chất cải tạo môi trường cho nuôi trồng thủy sản. 73 sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về và 729 sản phẩm sản xuất trong nước. Theo đó, những sản phẩm sản xuất trong nước chiếm vào khoảng trên 80%.
Thực tế, đối với cả sản phẩm nhập khẩu hay sản xuất trong nước, các doanh nghiệp đều yêu cầu các cơ quan cung cấp những kết quả kiểm tra chất lượng, cũng như đã được kiểm nghiệm và công bố chất lượng của sản phẩm.
- Vậy trong số 802 sản phẩm bị cắt ghép trái quy định, có bao nhiêu sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, thưa ông?
- Trong 802 sản phẩm có 374 sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu đã được lưu hành trên thị trường Việt Nam; 107 sản phẩm đang sản xuất thử và chưa sản xuất; 210 sản phẩm chưa nhập khẩu và chưa sản xuất trong nước.
Như đã trao đổi ở trên, chúng tôi làm rất kỹ, thống kê rất kỹ, rà soát rất kỹ nhưng hiện nay còn 88 sản phẩm chưa được xác định. Lý do các doanh nghiệp đã thay đổi địa chỉ, số điện thoại. Song cho đến thời điểm này và thời gian tới chúng tôi sẽ làm rõ 88 sản phẩm này.
Đuổi việc cá nhân vi phạm, phạt hơn 1 tỷ đồng
- Sau vụ việc, TCTS đã có những biện pháp xử lý như thế nào?
- Khi sự việc này xảy ra, TCTS đã triển khai rất quyết liệt nhằm ngăn chặn và không chế các sản phẩm đã được đưa vào các phụ lục ban hành như thông báo tới các đơn vị địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ, A86 – Bộ Công an để thông báo đầy đủ cho các cơ quan quản lý thủy sản địa phương, các doanh nghiệp biết sự việc này.
Ngoài ra, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan trên tổ chức kiểm tra thực tế tại địa phương như thanh tra, kiểm tra các sản phẩm đầu vào trong thủy sản tại TP HCM....Thêm nữa là kiểm điểm, xem xét lại toàn bộ quy trình đã được cấp phép từ trước đến nay.
- Đó là các giải pháp đối với các sản phẩm được lưu hành, còn về phía doanh nghiệp đã mua chuộc để có tên trong danh sách sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?
- Chúng tôi đã có thông báo tới các doanh nghiệp vụ việc trên. Theo đó, các sản phẩm thuộc 96 doanh nghiệp trái quy định của pháp luật tạm thời không được sản xuất; còn đã sản xuất rồi thì sẽ tiến hành niêm phong.
Với những sản phẩm chưa nhập khẩu thì tạm thời dừng nhập khẩu, các sản phẩm đã nhập khẩu rồi thì kịp thời báo cáo về tổng cục thủy sản để chúng tôi xem xét lại danh mục này.
Đối với các cá nhân vi phạm, riêng đối với đồng chí Giám đốc trung tâm đã kỷ luật về Đảng và kỷ luật về chính quyền. Sau thời điểm ông này về hưu, còn một cán bộ tại văn phòng có kết nối Trung tâm 3K để thực hiện hành vi vi phạm thì cũng kỷ luật về Đảng và cũng buộc thôi việc.
Ngoài ra, 5 cán bộ của Trung tâmđã bị kiểm điểm và buộc thôi việc. Số tiền mà các cá nhân này thu lợi bất chính từ phía doanh nghiệp cũng bị thu lại với giá trị khoảng hơn 1 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiến hành xử lý số tiền theo đúng quy định, tạm gửi vào tài khoản của thanh tra Bộ.
- Nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, vụ việc đã có những dấu hiệu, tính chất đủ để khởi tố một vụ án hình sự. Quan điểm của TCTS như thế nào?
- Cho đến thời điểm hiện nay, sau những việc xử lý tại tổng cục như kỷ luật đồng chí Giám đốc trung tâm, buộc thôi việc những cán bộ trong trung tâm; về phía lãnh đạo tổng cục và một số bộ phận có liên đới chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm và đến thời điểm hiện nay Thanh tra Bộ đang tiến hành thực hiện thanh tra lại vụ việc này.
Chúng tôi được biết, sau một thời gian Thanh tra Bộ vào làm việc, cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ và đề nghị Bộ Công an xem xét vụ việc này.
Xin cảm ơn ông!