'Sức hấp dẫn không thể chối từ' của dầu Nga: Ấn Độ mua gấp 9 lần năm ngoái, tinh chế lại rồi xuất sang Mỹ

02/06/2022 21:15 PM | Xã hội

Dầu thô được bán với giá rẻ của Nga đang có một sức hút ngày càng lớn đối với Ấn Độ, mặc cho phương Tây tiếp tục áp lên Moscow những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ.

Theo ước tính của Refinitiv, dòng dầu thô Nga chảy sang Ấn Độ được dự báo đạt 3,36 triệu tấn trong tháng 5, tăng gấp gần 9 lần so với mức bình quân hàng tháng 382.500 tấn của năm 2021. Tổng cộng, Ấn Độ đã nhập khẩu 4,8 triệu tấn dầu từ Nga kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Dầu thô Urals của Nga hiện đang được giao dịch ở mức giá khoảng 95 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu thô toàn cầu - là hơn 115 USD/thùng.

Châu Âu càng cấm, Ấn Độ càng 'sáng cửa' mua dầu

Một phần nguyên nhân dẫn tới việc dầu thô Nga "đại hạ giá" là sự quay lưng của khách hàng phương Tây. Hôm thứ 2 (30/5), Liên minh châu Âu (EU) nhất trí đến cuối năm nay giảm 90% nhập khẩu dầu từ Nga. Khu vực này vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của năng lượng Nga. Biện pháp này nằm trong gói trừng phạt thứ 6 của châu Âu đối với Nga và vẫn đang chờ sự phê chuẩn chính thức của 27 quốc gia thành viên. Trước EU, các nước gồm Mỹ, Canada, Anh và Australia đều đã cấm vận dầu Nga.

Sức hấp dẫn không thể chối từ của dầu Nga: Ấn Độ mua gấp 9 lần năm ngoái, tinh chế lại rồi xuất sang Mỹ - Ảnh 1.

Phần lớn dầu Nga chảy sang châu Âu và Trung Quốc.

Lệnh cấm vận dầu Nga mà châu Âu đưa ra được cho là sẽ áp lực lớn lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, Moscow cũng đã tìm được những khách hàng khác ở khu vực châu Á để bù đắp.

Ấn Độ, quốc gia phải nhập khẩu 80% tổng lượng dầu tiêu thụ trong nước, vốn thường chỉ nhập 2-3% từ Nga. Tuy nhiên, với việc giá dầu thế giới tăng cao trong năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã đẩy mạnh mua dầu Nga, tranh thủ việc dầu Nga rẻ hơn nhiều so với mặt bằng giá của thị trường quốc tế.

Cũng theo dữ liệu của Refinitiv, lượng dầu của Nga xuất khẩu sang Ấn Độ có thể tăng mạnh lên 1,01 triệu tấn trong tháng 4, từ mức 430.000 tấn trong tháng 3.

Dầu thô giá rẻ của Nga đang thu hút những người mua nhạy cảm về giá của Ấn Độ đến mức Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ 4 cho Ấn Độ vào tháng 4, tăng từ vị trí thứ 10 trong tháng 3, theo dữ liệu theo dõi lô hàng do Reuters tổng hợp.

Hồi đầu tháng 5, Ấn Độ đưa ra những tuyên bố mang tính hạ thấp tầm quan trọng của việc nước này tăng mạnh nhập khẩu dầu từ Nga. Trong một tuyên bố, Bộ Xăng dầu và khí đốt Ấn Độ nói rằng nước này nhập khẩu dầu từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm khối lượng lớn từ Mỹ.

"Mặc cho những nỗ lực nhằm vẽ nên một bức tranh khác, nhập khẩu năng lượng từ Nga vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ. Các giao dịch năng lượng hợp pháp của Ấn Độ không nên bị chính trị hoá", tuyên bố viết.

Đến nay, Ấn Độ vẫn tránh đưa ra một lập trường cứng rắn nhằm vào Nga liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Nga và Ấn Độ là hai quốc gia có quan hệ thân thiện lâu năm từ thời Liên Xô cũ, khi Liên Xô đứng về phía Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan hồi năm 1971, theo CNN.

Ấn Độ không phải là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Á đang tăng mua dầu Nga. Trung Quốc, vốn đã là nước mua nhiều dầu Nga nhất, được dự báo sẽ ra sức gom dầu Nga hạ giá.

Sức hấp dẫn không thể chối từ của dầu Nga: Ấn Độ mua gấp 9 lần năm ngoái, tinh chế lại rồi xuất sang Mỹ - Ảnh 2.

OilX, công ty dữ liệu về ngành công nghiệp dầu lửa, phát hiện thấy nhập khẩu dầu Nga vào Trung Quốc qua đường ống và tàu chở dầu đã tăng thêm 175.000 thùng/ngày trong tháng 4, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy nhập khẩu dầu Nga qua đường biển vào Trung Quốc thậm chí còn tăng mạnh hơn trong tháng 5 vừa qua.

Nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, được dự báo sẽ tăng tốc mạnh trở lại khi nước này bắt đầu nới lỏng các quy định chống Covid tại các thành phố lớn. Từ ngày 1/6, trung tâm tài chính Thượng Hải bắt đầu mở cửa trở lại.

Giới phân tích cho rằng một khi lệnh cấm vận dầu Nga được EU chính thức thực thi, Nga sẽ tìm khách hàng mới một cách quyết liệt, nhưng đó sẽ không phải là một việc dễ dàng.

Một phần lớn dầu Nga xuất khẩu sang châu Âu được vận chuyển qua đường ống. Việc đưa dòng dầu này chuyển hướng sang châu Á sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới rất tốn kém và sẽ mất nhiều năm để xây dựng.

Dầu Nga thực chất vẫn chảy khắp nơi, thậm chí sang cả Mỹ

Các sản phẩm dầu của Nga vẫn đang tiếp cận thị trường Mỹ vì các thương nhân đang che giấu nguồn gốc xuất xứ của chúng bằng cách pha trộn dầu thô và tinh chế ở một nơi khác.

Wall Street Journal đưa tin hôm thứ 4 (1/6), nguồn cung được cho là có ít nhất một phần bao gồm dầu của Nga đã đến New York và New Jersey vào tháng trước. Những sản phẩm này có thể đến từ Ấn Độ - quốc gia đã mua rất nhiều dầu giảm giá của Nga trong nhiều tháng qua.

Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga từ tháng 3, bao gồm dầu và một số sản phẩm dầu mỏ, ngay sau khi Moscow tiến hành cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Và hôm thứ 3 (31/5), Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm hầu hết dầu của Nga cũng như bảo hiểm cho hàng hóa của Nga.

Sức hấp dẫn không thể chối từ của dầu Nga: Ấn Độ mua gấp 9 lần năm ngoái, tinh chế lại rồi xuất sang Mỹ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, các thương nhân dường như vẫn tiếp tục giữ cho dầu thô của Nga lưu thông trên thị trường, phối trộn với các loại nhiên liệu khác sau đó được tinh chế. Đồng thời, những người mua thận trọng đã cố gắng tránh sự liên kết với Nga bằng cách giao dịch với dầu Nga nhưng được đánh dấu là "điểm đến không xác định".

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, trả lời Insider: "Không thể loại bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga khỏi thị trường toàn cầu. Nếu Ấn Độ nhập dầu thô của Nga và trộn với các loại dầu thô khác rồi tinh chế thành xăng hoặc dầu diesel, không có cách nào để phân biệt đâu là sản phẩm làm từ dầu thô của Nga và đâu là sản phẩm không. Trên cơ sở này, bất kỳ sản phẩm nào được tinh chế ở Ấn Độ gửi đến Mỹ rất có thể mang nguồn gốc từ dầu thô của Nga. Điều đó thật không thể xác định rõ ràng được".

Tham khảo: CNN

Theo Khánh Vy

Cùng chuyên mục
XEM