Sữa đậu nành đóng hộp - 'Ngách nhỏ' trong cuộc chiến giành thị phần của các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam

22/08/2022 11:34 AM | Kinh doanh

Trong khi Vinamilk, FrieslandCampina, TH True Milk, Dutch Lady hay Nutifood... cạnh tranh vô cùng quyết liệt để giành thị phần sữa nước, sữa bột, thì trong mảng sữa đậu nành (đóng hộp), đường Quảng Ngãi (QNS) lại 'ung dung' chiếm tới 90% thị phần tại Việt Nam với 2 thương hiệu là Fami và Vinasoy.

Cạnh tranh quyết liệt trong ngành sữa 

Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam đạt giá trị 135.000 tỷ đồng vào năm 2019, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc sữa chua và sữa uống. Các ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao bao gồm sữa nước (+10%), sữa chua (+12%), phomat(+11%), bơ (+10%) và các sản phẩm từ sữa khác (8%) trong khi sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị.

Sữa nước là phân khúc đóng góp giá trị lớn nhất trong ngành sữa, bao gồm các thương hiệu phổ biến như Vinamilk, Mộc Châu Milk, TH True Milk, Dutch Lady, Nutifood. Trong đó CTCP sữa Việt Nam (VNM) hiện đang chiếm thị phần lớn nhất với thương hiệu quen thuộc Vinamilk.

Sữa đậu nành đóng hộp - 'Ngách nhỏ' trong cuộc chiến giành thị phần của các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo công ty

Trong hai năm 2020 và 2021, mặc dù khó khăn vì dịch bệnh, nhưng là ngành thực phẩm thiết yếu nên doanh thu thị trường sữa Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, chủ yếu nhờ vào 2 mảng chính là sữa bột và sữa nước.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa nước của Việt Nam năm 2021 ước đạt 1.770,1 triệu lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính tới cuối năm 2020, Vinamilk vẫn chiếm thị phần cao nhất ngành sữa với 43,3%. Nếu tính thêm cả Mộc Châu Milk, 2 doanh nghiệp này chiếm hơn 45% thị trường. Đứng sau Vinamilk là FrieslandCampina với 15,8%, còn lại các doanh nghiệp khác giữ dưới 10% thị phần.

Sữa đậu nành đóng hộp - 'Ngách nhỏ' trong cuộc chiến giành thị phần của các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo công ty

Cạnh tranh của ngành sữa có xu hướng ngày càng gay gắt khi các công ty lớn mở rộng quy mô qua M&A và thị trường có thêm nhiều tay chơi mới gia nhập. Nhiều doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới, trong khi VitaDairy có vẻ đang phát triển nhanh trong phân khúc khúc sữa bột, đặc biệt sữa công thức cho trẻ em.

Theo các chuyên gia, mặc dù Vinamilk đang đứng đầu phân khúc sữa bột nhưng đã gặp không ít khó khăn do các đối thủ nhỏ hơn như Nutifood, Dutch Lady và TH true Milk, VitaDairy tung ra các sản phẩm mới.

Cụ thể, dù theo sau Vinamilk ở phân khúc sữa bột nhưng nhờ sản phẩm đặc thù, kết hợp với mức giá trung bình thấp hơn 10-15% so với đối thủ, NutiFood và VitaDairy đang dần có được thị phần tăng trưởng tốt trên thị trường sữa bột.

Bên cạnh đó, các hãng sữa quốc tế như Abbott, Friesland Campina, Mead Johnson, Nestle và nhiều hãng sữa nhỏ hơn khác đều có năng lực tốt về marketing và nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Sữa đậu nành đóng hộp - sân chơi "ung dung" chiếm lĩnh của Đường Quảng Ngãi

Trong khi cuộc đua thị phần trong mảng sữa nước, sữa bột, sữa chua luôn rất quyết liệt và căng thẳng thì ở 6,5% thị phần "khác" của ngành sữa, Đường Quảng Ngãi "ung dung" chiếm lĩnh mảng sữa đậu nành với 2 thương hiệu là Fami và Vinasoy.

Không quá lời khi nói sữa đậu nành là "sân chơi" gần như độc quyền của đường Quảng Ngãi. Theo AC Neilsen, đến tháng 12/2021 thị phần về sản lượng của Vinasoy đạt đến 90% thị phần sữa đậu nành bao bì hộp giấy tại Việt Nam. Trong khi 2 đối thủ chính là Vinamilk và NutiFood mỗi bên chỉ giành được cho mình vỏn vẹn 5% thị phần.

Sữa đậu nành đóng hộp - 'Ngách nhỏ' trong cuộc chiến giành thị phần của các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam - Ảnh 3.

Hình ảnh: Báo cáo thường niên QNS 2021

Nhiều năm qua, doanh thu của sữa đậu nành vẫn đóng vai trò trụ cột cho Đường Quảng Ngãi. Năm 2021, doanh thu từ sữa đậu nành đạt 4.090 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước đó và đóng góp khoảng 55,5% tổng doanh thu của QNS.

Bên cạnh sữa đậu nành, QNS còn sản xuất đường (An Khê), bánh kẹo (thương hiệu Biscafun), nước trái cây, nước khoáng (Thạch Bích), bia (Dung Quất), điện sinh khối.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của QNS lần lượt đạt 4.014,8 tỷ đồng (tăng 9,6% so với cùng kỳ) và 541 tỷ đồng (tăng 3,7% so với cùng kỳ). Tương đương bình quân mỗi ngày QNS lãi ròng 3 tỉ đồng.

Sữa đậu nành vẫn là "ngách" chủ lực của QNS, với doanh thu đạt 2.135 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 53,1% tổng doanh thu. Biên lãi gộp mảng kinh doanh này cũng rất ấn tượng, đạt 39,5%.

Năm 2022, Ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi đặt mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.008 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng gần 6% về doanh thu, nhưng giảm gần 20% về lợi nhuận so với 2021.

Chính hoạt động kinh doanh hiệu quả cũng như khả năng thống lĩnh sản phẩm "ngách" trong thị trường sữa Việt Nam khiến cho QNS được nhiều đại gia đưa vào tầm ngắm "thâu tóm".

Mới đây, sau nhiều đồn đoán, Nutifood đã chính thức lộ mặt trong giao dịch mua cổ phiếu QNS. Sau khi trở thành cổ đông lớn ngày 2/8, công ty con của CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood là CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương tiếp tục gom thêm 4 triệu cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi trong 2 ngày 5/8 và 10/8.

Trước giao dịch, Nutifood Bình Dương sở hữu 1,74% cổ phần tại Đường Quảng Ngãi, tương đương 6,2 triệu cổ phiếu QNS. Việc gom thêm 4 triệu cổ phiếu giúp công ty nâng tỷ lệ sở hữu lên 2,86%. Cộng thêm hơn 3,6% (12,8 triệu cổ phiếu) mà Nutifood - Công ty mẹ của Nutifood Bình Dương - đang sở hữu. Như vậy, đến nay tổng cộng nhóm cổ đông này nắm giữ 6,46% tại Đường Quảng Ngãi.

An Vũ

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM