Sửa 5 luật thuế: “Cuộc cải cách nào cũng rất khó khăn”

13/09/2017 19:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Đề xuất sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính đang gặp nhiều dư luận trái chiều...

Đề xuất sửa đổi 5 luật thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên đang gặp nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt là đề xuất tăng mức thuế VAT phổ thông từ 10% lên 12% từ năm 2019 của Bộ Tài chính.

“Bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng rất khó khăn bởi sự tác động đến nhiều đối tượng và nhiều mặt kinh tế - xã hội. Cơ quan soạn thảo cũng rất trăn trở khi đưa ra các phương án. Để chính sách có thể ban hành và được thực thi, rất cần sự đồng thuận của người dân”, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công thuộc Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nói tại một cuộc toạ đàm về những điểm nhấn trong việc sửa đổi 5 luật thuế nói trên, diễn ra hôm 12/9.

Có tăng thì có giảm

Việc sửa đổi 5 luật thuế lần này cần phải nhìn tổng thể, bởi ngoài việc tăng thuế VAT thì cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giảm thuế thu nhập, bà Liên nói.

Về tác động của việc tăng thuế VAT với những người thu nhập thấp, bà Liên phân tích, nhóm 25 hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế VAT hiện tại được những người thu nhập thấp sử dụng nhiều nhất, nên việc điều chỉnh thuế lần này không tác động quá nhiều đến họ.

Mặt khác, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ liên quan tới những người thuộc nhóm thu nhập thấp như hỗ trợ tiền điện, học phí, bảo hiểm…

“Tại Việt Nam trong những năm qua, theo các cam kết quốc tế, chúng ta đã thực hiện giảm thuế rất nhiều, nên khoảng cách đó cần phải được bù đắp, trong khi nhu cầu chi của chúng ta vẫn cao”, bà Liên nói và nhấn mạnh, mục tiêu sửa đổi 5 luật thế là khá rõ ràng.

Thứ nhất, nhằm bảo đảm tăng trưởng nguồn thu ngân sách trong trung và dài hạn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tạo sự thống nhất với các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản.

Thứ ba, khắc phục những hạn chế của 5 luật thuế hiện tại.

Cuối cùng là để phù hợp với thông lệ và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh thời gian qua, để ứng phó với khủng hoảng kinh tế, nhiều nước đã áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập, tăng thuế tiêu dùng, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Điều chỉnh thuế VAT không ảnh hưởng doanh nghiệp

Bà Lê Thị Mai Liên cho rằng, mọi sự điều chỉnh về chính sách thuế trong đó có thuế VAT sẽ có nhiều sự tác động khác nhau đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào cách thức thiết kế của chính sách.

"Về bản chất, thuế VAT là đánh vào tiêu dùng cuối cùng của người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ. Như vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, bà Liên nói.

Đối với tác động chỉ số giá, bà Liên khẳng định, tăng thuế VAT có ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như nào còn phụ thuộc vào quy mô, khối lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.

Ngoài ra, điều này còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền hay lạm phát. Trong thời điểm hiện nay, theo dự báo, CPI đang ở mức thấp nên với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại thì lạm phát không phải là yếu tố ảnh hưởng quá lớn.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM