Sự trỗi dậy của ‘Zombie tiền số’: Chủ yếu để đầu cơ, ít người dùng nhưng vẫn sống tốt, tăng trưởng giao dịch nhanh hơn Bitcoin
Sự hưng phấn của thị trường kéo theo đà đi lên của các 'Zombie tiền số'.
Năm 2012, khi tạo ra Ripple Labs và đồng tiền điện tử mới XRP, những người đi tiên phong về Blockchain là Jed McCaleb, Arthur Britto và David Schwartz đã hình dung về một tiêu chuẩn tài chính toàn cầu mới cho phép các ngân hàng chuyển tiền nhanh chóng với mức phí tối thiểu. Trong thập kỷ đầu tiên, hàng chục tổ chức tài chính, bao gồm cả Bank of America và Banco Santander, đã đăng ký thử nghiệm mạng mới của Ripple.
Để tài trợ cho dự án đầy tham vọng, các giám đốc điều hành đã tạo ra 100 tỷ token XRP và bán ra công chúng với giá 1,4 tỷ USD. Đầu năm 2018, trong đỉnh cao làn sóng hưng phấn, XRP đã được giao dịch với giá trị thị trường 132 tỷ USD, qua đó mang lại cho đồng sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Chris Larsen khối tài sản ròng trị giá 8 tỷ USD.
Hiện tại, dù chưa thể hiện thực hóa tham vọng ban đầu, blockchain của Ripple, một sổ cái các giao dịch XRP, vẫn tiếp tục hoạt động. Token XRP, hiện có giá trị thị trường 36 tỷ USD, là đồng tiền số giá trị thứ sáu trên bảng xếp hạng trong khi Larsen vẫn là tỷ phú với tài sản ước tính khoảng 3,2 tỷ USD.
Theo Forbes, Ripple Labs là một zombie tiền số. Token XRP tiếp tục giao dịch tích cực, trị giá khoảng 2 tỷ USD mỗi ngày, song không nhằm mục đích nào khác ngoài đầu cơ.
Không dưới 50 blockchain đang được giao dịch với giá trị hơn 1 tỷ USD. 20 blockchain mà Forbes phân tích đều mang tham vọng viển vông, từ máy tính toàn cầu đến mạng thanh toán không thể truy vết, hiện có tổng giá trị thị trường là 116 tỷ USD. Hầu hết đều ít người dùng.
Tuy nhiên, đừng nghĩ chúng sẽ sớm ngừng hoạt động. Với hàng tỷ USD trong ‘kho bạc’, Ripple và những đồng tiền khác có thể tiếp tục tồn tại trong nhiều năm. Công ty đặt trụ sở tại San Francisco hiện có 900 nhân viên và sẽ tiếp tục phát hành các thông cáo báo chí. Chương trình tiền số thí điểm với một số ngân hàng trung ương vẫn đang được triển khai.
Ưu điểm là không có cổ đông hay cơ quan quản lý nào yêu cầu báo cáo tài chính và việc bán khống token. Miễn là có đủ nguồn cung để các nhà đầu cơ sẵn sàng giao dịch, các chuỗi khối zombie này sẽ tiếp tục sống sót.
Chuỗi khối zombie là sản phẩm phụ của các chuỗi khối trước đó, chẳng hạn như Bitcoin và Ethereum. Các zombie phụ (còn gọi là “hard fork”) bao gồm Bitcoin Cash, Litecoin, Monero, Bitcoin SV và Ethereum Classic. Năm blockchain này được giao dịch chung với mức định giá 23 tỷ USD, là kết quả của sự bất đồng quan điểm giữa các lập trình viên về cách vận hành Bitcoin hoặc Ethereum. Khi các lập trình viên không thể đi tới kết luận chung, một nhóm sẽ tách ra và tạo ra một mạng lưới mới (hard fork).
Litecoin là một hard fork. Nó ra mắt vào năm 2011 dưới dạng nhanh hơn, rẻ hơn, với khả năng tạo ra các khối nhanh hơn 4 lần so với Bitcoin. Hiện Litecoin có vốn hóa thị trường là 6,5 tỷ USD dù năm ngoái chỉ thu được 389.000 USD phí giao dịch so với 800 triệu USD của Bitcoin.
Theo Forbes, nhu cầu đối với các nền tảng như Litecoin không nhiều. Báo cáo nhà phát triển của Electric Capital cho thấy tính đến cuối năm 2023, chỉ có 74 nhà phát triển nguồn mở hoạt động hàng tháng hỗ trợ Litecoin, so với hơn 1.000 nhà phát triển ủng hộ Bitcoin và hơn 7.000 nhà phát triển ủng hộ Ethereum.
Bitcoin Cash, thậm chí giá trị hơn Litecoin với vốn hóa thị trường 7,9 tỷ USD, song chỉ có 30 nhà phát triển hoạt động hàng tháng hỗ trợ. Bitcoin Cash ra đời sau một cuộc tranh luận gay gắt vào năm 2017 rằng có nên tăng kích thước khối của Bitcoin hay không. Những người ủng hộ Bitcoin Cash cho rằng tiền số chỉ nên được coi như một phương tiện trao đổi, trong khi phần còn lại muốn ưu tiên chức năng lưu trữ giá trị để sử dụng trong tương lai.
Trong số các zombie blockchain, Ethereum Classic (ETC) đặc biệt nhất vì nó thực sự là chuỗi Ethereum ban đầu. Thứ được biết đến rộng rãi là Ethereum ngày nay trên thực tế là một nhánh của ETC, được tạo ra vào năm 2016 để thu hồi 60 triệu USD tiền ether bị đánh cắp. Ethereum Classic hiện có giá trị thị trường là 4,6 tỷ USD và vào năm 2023 chỉ tạo ra được mức phí dưới 41.000 USD.
Theo Forbes, không một chuyên gia hay công ty phân tích dữ liệu nào có thể trích dẫn bất kỳ mục đích sử dụng nghiêm túc đối với các zombie blockchain ngoại trừ việc đơn giản giao dịch mã thông báo. Ethereum Classic hiện đang được giao dịch nhiều hơn 31% so với một năm trước, so với mức tăng 77% của ether. Bitcoin Cash đã vượt qua Bitcoin, đạt mức cao kỷ lục vào giữa tháng 3 sau khi tăng 121% trong 12 tháng.
Theo các chuyên gia, việc Bitcoin tăng mạnh sau hơn 1 năm sóng gió chính là khởi đầu của một đợt tăng giá mới với ngày càng nhiều kỳ vọng rằng đồng tiền số lớn nhất thế giới sẽ chạm mốc 100.000 USD/BTC trong năm 2024. Sự lạc quan gián tiếp thúc đẩy các zombie blockchain và trong tương lai gần, chúng được cho là sẽ tiếp tục tồn tại với một sự hưng phấn nhất định.
“Thị trường đang có sự phản ứng tốt nhất với kỳ vọng về việc một quỹ ETF Bitcoin giao ngay sắp được phê chuẩn thành lập. Mọi người tin rằng một quỹ như vậy sẽ được phê chuẩn trong vòng 3 tháng tới, thậm chí sớm hơn”, ông Matthew Dibb, Quản lý cấp cao của công ty quản lý tài sản số Astronaut Capital, chia sẻ với hãng tin Reuters.
Theo: Forbes, Reuters