Sự thăng trầm của 'người Hoa giàu nhất thế giới'
Từ khi lập ra sàn giao dịch tiền điện tử Binance đến khi trở thành người Hoa giàu nhất thế giới, Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao) chỉ cần 5 năm, nhưng gần đây với sự sụt giá thê thảm của Bitcoin, chỉ trong nửa năm tài sản của ông đã bốc hơi hơn 80 tỷ USD và Binance còn đối mặt với nguy cơ bị quản chế…
Tháng trước, Triệu Trường Bằng (sau đây gọi tắt là Triệu), từng trở thành “người Hoa giàu nhất thế giới” với tiền điện tử, đã viết tweet chỉ ra rằng đồng Luna (Luna coin), từng có giá trị thị trường là 1,3 tỷ USD, chỉ còn lại 2.000 USD sau vài ngày, gần như không còn giá trị.
Vào ngày 9/11/2021, đồng Bitcoin đạt mức cao lịch sử 69.000 USD và ông Triệu, người nắm giữ nhiều loại tiền điện tử và kiểm soát Binance, có giá trị tài sản ròng đạt tới 95,8 tỷ USD (khoảng 640 tỷ nhân dân tệ), trở thành “người Hoa giàu nhất thế giới”. Vào thời điểm đó, khối tài sản của Triệu đã bỏ xa Lý Gia Thành (Li Ka-shing), Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) và các đại gia người Hoa khác.
Triệu Trường Bằng lên trang bìa Forbes |
Chỉ trong nửa năm, theo báo China Fund News, tính đến ngày 13/6/2022, giá trị tài sản ròng của ông Triệu chỉ còn 10,2 tỷ USD, đã bốc hơi 85,6 tỷ USD (tương đương khoảng 570 tỷ NDT), giảm 89,3% so với lúc đạt đỉnh. Và Chung Thiểm Thiểm lại leo lên đỉnh cao. Chiếc ghế của “người giàu nhất thế giới người Hoa” Triệu Trường Bằng ngồi chưa ấm chỗ đã bị soán chỗ. Từ vô danh trở thành “người Hoa giàu nhất thế giới”, rồi đến giá trị ròng sụt giảm, đằng sau câu chuyện huyền ảo của ông Triệu là sự tan vỡ của huyền thoại làm giàu bằng tiền điện tử.
Triệu Trường Bằng sinh năm 1977 tại Giang Tô (Trung Quốc) và cùng gia đình nhập cư Vancouver, Canada khi còn là một thiếu niên, hiện mang quốc tịch Canada. Năm 2017, Triệu đã thành lập Sàn giao dịch Binance ở Trung Quốc; đến năm 2021, Binance đã trở thành sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất trên thế giới. Sàn giao dịch có 90 triệu người dùng, niêm yết hơn 600 loại tiền kỹ thuật số và cung cấp giao dịch liên tục suốt 24 giờ mỗi ngày. Lượng giao dịch hàng ngày của Binance lên tới 76 tỷ USD. Bằng cách thu phí thủ tục, phí niêm yết, phí dịch vụ… Binance kiếm được rất nhiều tiền. Theo quy mô này, giá trị thị trường của nó đạt tới 300 tỷ USD. Theo tính toán của Forbes, ông Triệu, người nắm giữ 30% cổ phần của Binance, có giá trị tài sản ròng 95,8 tỷ USD và đã trở thành “người Hoa giàu nhất”.
Nhưng thị trường tiền điện tử thể hiện sự giàu có với sự rất không chắc chắn. Từ cơn bão đồng Luna gần đây, có thể thấy khối tài sản của Triệu tăng lên nhanh chóng và cũng “nghèo khó trở lại trong một sớm một chiều” như thế nào. Vào năm 2018, Binance đã chi 3 triệu USD để mua 15 triệu đồng Luna. Vào thời kỳ đỉnh cao, chúng được định giá 1,3 tỷ USD, Binance đã kiếm được lợi nhuận gấp 450 lần trên giấy tờ.
Nhưng vào đầu tháng 5/2022, đồng Luna sụp đổ, chỉ trong vài ngày, giá giảm từ gần 90 USD một đồng xuống còn dưới 0.00015 USD, và tài sản hàng trăm triệu USD biến mất trong nháy mắt. Từ 3 triệu USD đến 1,3 tỷ USD rồi đến 2 ngàn USD. Sự thăng trầm của đồng Luna đã trở thành một mô hình thu nhỏ về sự biến đổi khối tài sản của Triệu Trường Bằng.
Bà Kristalina Georgieva, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nói rằng đồng tiền không có tài sản hỗ trợ là một “trò lừa đảo kim tự tháp”, ám chỉ đến sự sụp đổ gần đây của đồng Luna và các sự cố khác đã tác động đến thị trường tiền điện tử. Không ngờ, tác động đã sớm ứng nghiệm. Từ năm 2022, Mỹ đã bắt đầu thắt chặt thanh khoản tiền tệ, các quốc gia ngày càng giám sát chặt chẽ hơn, thị trường tiền mã hóa do Bitcoin dẫn đầu đã phải hứng chịu hàng loạt đòn giáng nặng nề. Đồng Bitcoin cũng trượt từ mức 69.000 USD vào tháng 11/2021 xuống còn 22.000 USD vào ngày 16/6/2022, mức giảm gần 70%. Giá trị tài sản ròng của Triệu Trường Bằng cũng đã giảm gần 90% chỉ trong nửa năm qua.
Một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng: “Bản chất của tiền điện tử chỉ là một loại tài sản rủi ro và động lực chính là tính thanh khoản của tiền tệ. Tại thời điểm này, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang chuyển sang thắt chặt và sự thoái trào của tiền điện tử đã là xu thế tất yếu”.
Giá trị tài sản bị thu hẹp chỉ là một trong những nỗi lo của Triệu và số phận của Binance cũng khiến ông mất ăn mất ngủ. Năm 2017, sau khi Triệu thành lập Binance, ngay trong tháng 9 năm đó, bảy bộ và ủy ban của Trung Quốc đã ngừng tài trợ cho việc phát hành token tiền điện tử. Triệu Trường Bằng và Binance, mới thành lập được ba tháng, đã phải chạy ra nước ngoài. Một câu chuyện về “lang thang trên Trái đất” bắt đầu.
Điểm dừng chân đầu tiên của Triệu là Nhật Bản. Năm 2018, BộTài chính Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo với lý do Binance chưa được đăng ký tại Nhật Bản có thể gây tổn thất cho các nhà đầu tư. Binance không thể cung cấp dịch vụ giao dịch cho công chúng vì không có giấy phép chính thức. Tan vỡ ở Nhật Bản, Triệu đến Anh. Cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh cho rằng “sự phân bố theo địa lý quá rộng” của Binance khiến họ không thể giám sát được. Hành vi không đặt trụ sở để hoạt động trong khu vực có quy định lỏng lẻo của Binance không được nhiều cơ quan quản lý dung túng. Trong hai năm sau đó, Triệu lại chuyển đến Mỹ và Singapore, nhưng đều bị “tiễn khách”.
Trong quá trình này, việc không đặt trụ sở chính được các cơ quan quản lý nhiều quốc gia coi là rủi ro, nhưng được Binance giải thích là “kiểu làm việc phi trung tâm”. Tính năng cốt lõi của “phi trung tâm hóa” tiền điện tử đã được Binance trực tiếp nắm lấy và được sử dụng như một lá chắn cho sự di chuyển cưỡng bức khắp nơi.