Sự bùng nổ của thương mại điện tử liệu có đưa review sản phẩm trở thành một nghề chính thức?
Công nghệ phát triển, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội và thói quen mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng tăng lên đáng kể đã tạo tiền đề cho một ngành nghề mới xuất hiện - KOC.
Chuyển đổi số và cú hích cho việc làm mới ra đời
Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm).
Theo tính toán của World Bank, số lượng các việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại, và một số lượng việc làm mới ít hơn trong lĩnh vực sản xuất.
Công nghệ phát triển, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội và thói quen mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng tăng lên đáng kể đã tạo tiền đề cho một ngành nghề mới xuất hiện - KOC.
KOC (Key Opinion Consumer) chính là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường. Mọi hành vi mua sắm, chọn lựa, trải nghiệm, đánh giá sản phẩm của họ không bị phụ thuộc vào bất kỳ kênh truyền thông hay bất cứ công ty nào. KOC sẽ chủ động lựa chọn sản phẩm, nhãn hàng và đưa ra những nhận xét chân thực nhất chứ không cần tuân theo một kịch bản có sẵn từ thương hiệu.
Tại Việt Nam sàn thương mại điện tử không còn xa lạ với người tiêu dùng. Sự tiện lợi từ bước đặt hàng cho đến khi sở hữu món hàng trên tay là một trải nghiệm mua sắm thú vị với khách hàng. Hơn nữa, mặt hàng vô cùng đa dạng, phân chia ngành hàng khoa học, phân cấp theo uy tín đã tiết kiệm thời gian của người mua rất nhiều. Đặc biệt, khách hàng khá thích thú với những review chân thực về món hàng và nhà cung cấp là một bước ngoặt trong trải nghiệm mua sắm mới.
Tại một báo cáo mới đây của Lazada về thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ trực tuyến này cũng nhận định nội dung cho người dùng sáng tạo sẽ trở nên "quyền lực" hơn bao giờ hết trong tương lai. Theo đó, bên cạnh hình thức bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp), dạng bài đánh giá, video ngắn review sản phẩm trên các trang mạng xã hội sẽ ngày càng phổ biến.
Liệu KOC có thể trở thành một nghề chính thức?
Với lợi thế thị trường mua sắm online đang rất phát triển, các sàn thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm chính và hầu hết mọi quyết định chi tiêu của người tiêu dùng phần lớn dựa trên các đánh giá, review của những người "đi trước". Do đó, KOC đã trở thành nghề nghiệp hái ra tiền trên thế giới.
Trên cơ sở nắm bắt sức hút từ thế hệ KOC trong kỷ nguyên mua sắm online, VCCorp cùng đơn vị đồng tổ chức Lazada Việt Nam đã tổ chức chương trình thực tế KOC VIETNAM 2022 - cuộc thi tìm kiếm, vinh danh, đào tạo và hỗ trợ thế hệ KOC chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam trong thời đại 4.0.
Với KOC VIETNAM 2022, VCCorp muốn thúc đẩy KOC thành một nghề nghiệp chính thức. Bởi lẽ, Việt Nam là quốc gia có lực lượng lao động trong độ tuổi "vàng", cho nên đảm bảo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng với mỗi quốc gia, nhất là đối với một nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.
Xét khía cạnh rộng hơn, chương trình cũng sẽ góp một phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế, từng bước tiến gần đến mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% vào năm 2030.
Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chương trình thực tế KOC VIETNAM 2022 sẽ đem tới một sân chơi nhằm tìm kiếm, vinh danh, đào tạo và hỗ trợ những người đam mê mua sắm, yêu thích sáng tạo, để từ đó tạo nên một thế hệ KOC chuyên nghiệp.
KOC nhận được sự quan tâm của nhiều nhãn hàng lớn. Đại diện Vietjet Air đang nhận xét phần thi của các thí sinh
Không chỉ đem lại cơ hội cho các thí sinh, chương trình cũng là một giải pháp đắc lực cho doanh nghiệp kinh doanh có sử dụng các kênh online và đang trong đà chuyển đổi số tổng thể. Theo đó, KOC sẽ giúp phát triển doanh nghiệp bằng cách định vị doanh nghiệp trở thành thương hiệu hướng đến người tiêu dùng. Với sự kết nối bằng trải nghiệm của KOC, người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn vào các sản phẩm của doanh nghiệp.
Mỗi thí sinh bước ra từ chương trình sẽ trở thành tiếng nói của những người mua sắm thông minh và có tầm ảnh hưởng; khẳng định sức sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của giới trẻ Việt chẳng hề thua kém mà còn có thể vươn xa tầm khu vực.
Có thể thấy, KOC là một nghề mới và cần một đơn vị định chuẩn để tạo động lực phát triển bền vững, lâu dài, mang lại những giá trị đích thực cho cộng đồng, xã hội và nền kinh tế, tránh biến tướng và hạn chế tối đa các tác động xấu cho tương lai.