Sự bá đạo của ChatGPT: Vượt qua kỳ thi MBA của Ivy League, được sinh viên Stanford 'nhờ' thi hộ, viết bài luận
Việc đưa các công nghệ trí tuệ nhân tạo, điển hình là ChatGPT, vào trường học đang gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội.
Vào tháng 12, Christian Terwiesch, giáo sư Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, quyết định để ChatGPT, một chatbot được hỗ trợ bởi các thuật toán trí tuệ nhân tạo, thực hiện bài kiểm tra trong khóa học quản trị. Kết quả, chatbot đã làm tốt trên mức trung bình với điểm B.
Thắc mắc rằng đây có phải dấu hiệu cho thấy công nghệ đang xâm chiếm thế giới, phóng viên tờ Bloomberg quyết định liên hệ với Terwiesch để làm rõ. Vị giáo sư này cũng rất muốn thảo luận về bản nghiên cứu ChatGPT cũng như cách vận dụng công nghệ này trong tương lai. Dưới đây là chi tiết bài phỏng vấn:
Chào giáo sư. Kết quả bài kiểm tra với ChatGPT đang gây ra nhiều tranh cãi. Có thực là chúng ta nên sợ chatbot không?
Hoảng loạn đan xen phấn khích là tốt, nhưng nếu chỉ độc sự sợ hãi thì đây có thể sẽ trở thành vấn đề lớn. Trong một bài báo do chính mình viết, tôi đã đặt tiêu đề như sau: “Liệu ChatGPT có lấy được bằng MBA của Wharton hay không?”. Đa số sau khi đọc đều có xu hướng đặt ra nhiều câu hỏi phản hồi.
Thời điểm cụ thể giáo sư thực hiện bài kiểm tra là khi nào?
Tôi bắt đầu thực hiện bài kiểm tra trong kỳ nghỉ đông gần đây. Hai cậu con trai tôi, một người là dân thiết kế, đã sử dụng Midjourney, một chương trình máy tính dựa trên AI. Cậu còn lại là nhà phát triển phần mềm tương lai, sinh viên năm cuối đại học và cũng từng sử dụng ChatGPT rồi. Chúng thắc mắc là liệu chatbot này có thể vượt qua bài kiểm tra của tôi hay không.
Sau đó, tôi quyết định thử thách ChatGPT. Kết quả thật bất ngờ. Nó không chỉ trả lời đúng mà còn được diễn đạt ý rất rõ ràng, rành mạch. Tôi thực sự không nghĩ điều này sẽ xảy ra.
Giáo sư có thể nói qua về bài kiểm tra này không? Phản ứng của giáo sư sau khi ChatGPT hoàn thành bài kiểm tra là gì?
Câu hỏi đầu tiên xoay quanh việc tìm kiếm nút thắt cho một quy trình. Câu hỏi tiếp theo về vốn lưu động nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. ChatGPT trả lời rất tốt. Sau đó, tôi ra câu hỏi khó hơn. Kết quả, ChatGPT làm sai.
Tôi đưa ra gợi ý, giống cách tôi làm với một học sinh. ChatGPT hiểu và nó tiếp thu các gợi ý đó. Điều này làm tôi khá ngạc nhiên và thấy thật thú vị. Câu trả lời của ChatGPT sau đó tốt hơn khá nhiều. Tôi và ChatGPT giống như đang hợp tác với nhau vậy.
Tuy nhiên, ChatGPT thực sự kém toán. Nó mắc một loạt những lỗi mà ngay cả một học sinh lớp sáu cũng không phạm phải. Đúng là nó rất giỏi áp dụng logic và có khả năng lập luận, hiểu khái niệm, song với toán thì không.
Thí nghiệm này nói lên điều gì thưa giáo sư?
Có ba loại câu hỏi kiểm tra mà chúng tôi, với tư cách là giáo sư, hay hỏi các sinh viên của mình, trong đó có câu chứng nhận kỹ năng. Ví dụ, sinh viên cần những gì để trở thành CPA hoặc luật sư,... Không phải ChatGPT, chính sinh viên mới là người cần được kiểm tra. Không thể có bất kỳ sự trợ giúp nào từ AI trong các bài thi thử nghiệm đó.
Nhiệm vụ của tôi là tạo ra một môi trường học tập an toàn - nơi GPT không có chỗ đứng. Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi sinh viên đến thư viện và tự nhủ ‘Mình sẽ đi đường tắt nhờ ChatGPT’. Nếu đúng là như vậy thì quả là đáng tiếc.
Vậy một cách cụ thể, giáo sư sẽ sử dụng ChatGPT như thế nào?
Tôi có thể để chatbot này đóng vai một triết gia người Pháp, gặp gỡ sinh viên và trò chuyện với họ bằng tiếng Pháp. Sinh viên sau đó sẽ phỏng vấn chatbot này trong 1 giờ như một cách để học tập. Chúng tôi, với tư cách là các giáo viên và giáo sư, sẽ phải tạo ra được những trải nghiệm học tập thú vị. Tôi nghĩ đây sẽ là một công cụ tuyệt vời và điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực kinh doanh.
Giáo sư từng khẳng định ChatGPT sẽ không thể khiến con người mất việc làm. Tuy nhiên, một lần nữa, nỗi sợ đó đang hiện hữu.
Tôi đã dạy một khóa học trực tuyến đại trà trên Coursera vào năm 2012. Thời điểm đó, rất nhiều người cho rằng việc học trực tuyến sẽ khiến các giáo viên có thể mất việc. Tôi tin rằng tất cả công việc hiện nay đều chỉ đơn thuần là sự đánh đổi về chi phí/chất lượng. Bạn có thể chi tiêu ít, nhận kết quả kém, hoặc bạn chi tiêu nhiều, nhận kết quả tốt hơn.
Giờ đây, bạn có thứ công nghệ mới giúp bản thân làm việc hiệu quả hơn. Điều này đồng nghĩa với việc một nửa số giáo viên có thể bị sa thải, hoặc sinh viên của họ có cơ hội thông minh gấp đôi. Rất hy vọng ChatGPT giúp ích và phục vụ sinh viên hiệu quả.
Bác sĩ và y tá đang làm việc quá sức, thậm chí khủng hoảng sức khỏe tâm thần. ChatGPT có thể giúp chúng tôi tăng năng suất. Chúng ta, với tư cách là những người dân sống trong cùng một xã hội, phải tìm ra việc cần làm với công nghệ mới này!
Dẫu vậy, theo Forbes, ChatGPT hiện vẫn chỉ là công cụ giúp các lập trình viên làm việc dễ dàng hơn và chưa đủ khả năng thay thế hoàn toàn bộ não con người. Nhiều yêu cầu khó đến mức chính chatbot này cũng thừa nhận nó không thể hiểu, không thể làm, hoặc có làm mà bị sai.
“ChatGPT vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng lại khiến mọi người cho rằng nó hoàn hảo. Chúng ta không nên phụ thuộc vào chatbot này đối với những vấn đề quan trọng”, CEO Sam Altman của Open AI chia sẻ.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh ChatGPT, rằng phải mất bao lâu, công nghệ này mới có thể hoạt động mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Gian lận trong thi cử cũng khiến ChatGPT vấp phải nhiều chỉ trích.
“Học sinh sẽ lạm dụng chatbot của OpenAI vì cho rằng nó biết mọi thứ. Công nghệ này được giới thiệu như thể rất uy tín, khiến mọi người dễ dàng hiểu lầm”, Austin Ambrose, giáo viên tại một trường trung học ở Idaho (Mỹ), nói.
“Việc đưa các công nghệ trí tuệ nhân tạo mới vào trường học đang cho phép học sinh tự động tạo các bài luận. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ giáo trình của chúng tôi”, Peter Laffin, người sáng lập Crush the College Essay chia sẻ với Fox News. “Việc học sinh nhỏ tuổi tiếp cận ChatGPT từ sớm sẽ càng nảy sinh nhiều vấn đề”.
Bằng chứng là mới đây, các sinh viên và giáo sư đại học Stanford đã phải vật lộn với sự phát triển của ChatGPT. Khảo sát do The Daily thực hiện cho thấy, khoảng 17% sinh viên đã sử dụng trí tuệ nhân tạo này trong các kỳ thi cuối kỳ. Phần lớn sinh viên sử dụng để tìm và phác thảo ý tưởng, trong khi 5% thiểu số thừa nhận đã nhờ công cụ này làm hộ bài tập 100%. Họ chỉ xem và chỉnh sửa rất ít.
Theo: Bloomberg, Forbes