Startup xây ‘ATM nhiên liệu sạch’ bán kèm bếp nấu đặc biệt, giúp giảm tình trạng phá rừng ở châu Phi
Đến nay, Koko đã cung cấp cho hơn 675.000 hộ gia đình nhiên liệu sạch để đun nấu.
Theo Bloomberg, nhiên liệu nấu ăn được sử dụng trên khắp châu Phi hạ Sahara (các quốc gia châu Phi nằm một phần hay hoàn toàn ở phía nam Sahara) được đánh giá là “vấn đề kép” của sự nóng lên toàn cầu.
Rừng nhiệt đới và rừng xavan ở khuc vực này đang bị khai thác quá mức để cung cấp than và củi cho các hoạt động dùng đến lửa của người dân. Khói mù từ hàng triệu ngọn lửa tỏa ra từ các căn bếp đã gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, góp một phần vào sự nóng lên toàn cầu. Không những vậy, khí thải thải ra từ hoạt động này còn có thể gây bệnh cho hàng triệu người châu Phi.
Đây chính là “vấn đề kép” mà Greg Murray và ba nhà đồng sáng lập khác đặt ra để giải quyết khi họ thành lập Koko Networks Ltd. ở Nairobi, thủ đô của Kenya. Đến nay, công ty đã cung cấp cho hơn 675.000 hộ gia đình ethanol sạch. Nhiên liệu này được sử dụng trong loại bếp đặc dụng do Koko chế tạo và được bán thông qua ứng dụng.
Mặc dù vậy, việc khuyến khích các phương pháp sử dụng nguyên, nhiên liệu sách hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khiến Koko phải gánh chịu không ít chi phí. Để bù đắp cho chi phí hoạt động, Koko bán tín chỉ carbon (giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác).
Đối với khách hàng của Koko, một giải pháp thay thế củi phải chăng đang thay đổi cuộc sống của họ. Nhiên liệu của công ty hiện được bán ở các thành phố lớn nhất của Kenya và cứ 4 hộ gia đình ở Nairobi thì có 1 hộ nấu ăn bằng nhiêu liệu này.
Murray cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tìm ra cách để cung cấp ethanol – loại nhiên liệu không còn quá xa lạ với mọi người, trong khoảng cách một quãng đi bộ ngắn của mọi nhà với giá cả hợp lý. Tôi thực sự không thể nhấn mạnh đủ sự cần thiết của việc bảo tồn và giữ gìn các cánh rừng của châu Phi trong bối cảnh hiện tại. Koko là giải pháp góp phần vào mục tiêu lớn lao đó”.
Người tiêu dùng có thể mua hàng tại “ATM tiếp nhiên liệu” được đặt ở nhiều con phố. Một chiếc bếp Koko và chai đựng nhiên liệu ban đầu có giá khoảng 15 USD. Nhiên liệu có thể được mua với số lượng đủ để nấu ăn trong một ngày. Theo Bloomberg, Ethanol rẻ hơn và sạch hơn than củi đồng thời cạnh tranh về giá hơn so với dầu hỏa.
Bà Stella Maris (53 tuổi) - người điều hành một nhà hàng ở ngoại ô Nairobi, chia sẻ: “Tôi đã không bị ho kể từ khi bắt đầu sử dụng sản phẩm của Koko. Ngày trước, vìdùng củi để nấu ăn với số lượng lớn mỗi ngày, đường hô hấp của tôi thường xuyên gặp vấn đề”.
Ethanol của Koko được làm từ chất thải tại các nhà máy chế biến đường ở Đông Phi. Nguồn cung này đến từ Vivo Energy – công ty hoạt động theo giấy phép của tập đoàn năng lượng Shell. Koko sản xuất bếp tại một nhà máy mà họ sở hữu ở Ấn Độ.
Koko bắt đầu bán bếp và nhiên liệu vào cuối năm 2019. Số lượng hộ gia đình mà họ cung cấp nhiên liệu ở Kenya đã tăng hơn bốn lần vào năm ngoái. Đến thời điểm hiện tại, công ty có khoảng 1.500 nhân viên.
Theo Murray, có một thị trường khổng lồ đang chờ họ tấn công mạnh mẽ hơn: Doanh số bán nhiên liệu nấu ăn (trong đó gỗ và than là chủ yếu) trên toàn cầu trị giá 47 tỷ USD một năm.
Mục tiêu dài hạn hơn của Koko là tiếp cận khoảng 60 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên là Rwanda, nơi Murray cho biết chính phủ đã đồng ý miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu và bếp nấu để duy trì giá ổn định. Kenya cũng đã đồng ý loại bỏ thuế VAT tương tự.
Một cách khác mà Koko sử dụng để giữ mức giá cạnh tranh là thông qua việc bán tín chỉ carbon. Murray nói: “Phần lớn doanh thu từ tín chỉ carbon được sử dụng để tài trợ cho các khoản chiết khấu đối với phần cứng và nhiên liệu tiêu dùng của chúng tôi”.
Thị trường tín chỉ carbon đang tăng mạnh mặc dù việc sử dụng chúng vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù vậy, sự cần thiết phải ngăn chặn nạn phá rừng ở châu Phi là điều không thể bàn cãi. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, gần 4 triệu ha rừng châu Phi đã bị chặt phá hàng năm. Phần lớn trong số đó là để làm than.
Samaila Zubairu, giám đốc điều hành của Africa Finance - công ty đầu tư vào những dự án bao gồm các nhà máy năng lượng tái tạo, chia sẻ: “Bảo tồn rừng ở châu Phi nói riêng và toàn thế giới nói chung là việc vô cùng cấp thiết ở thời điểm hiện tại. Một trong những điều quan trọng mà chúng ta có thể làm để cải thiện tình trạng này là cung cấp giải pháp nấu ăn thay thế bằng nhiên liệu sạch cho các cộng đồng. Bên cạnh đó, nó còn giúp giảm thiểu một số bệnh liên quan đến đường hô hấp”.
Nguồn: Bloomberg, CNN