Startup 'quái vật' của Jack Ma: Được định giá gần 200 tỷ USD, lượng khách hàng chiếm 1/4 dân số thế giới, đạt lợi nhuận 2 tỷ USD/quý

05/08/2020 08:20 AM | Kinh doanh

Startup bí mật của Jack Ma là một tổ hợp kinh doanh khổng lồ, phục vụ lượng khách hàng chiếm 1/4 dân số thế giới.


Các nhà đầu tư đã phải chờ rất lâu trước khi Ant Group – gã khổng lồ công nghệ tài chính Trung Quốc – một chi nhánh của tập đoàn Alibaba tuyên bố kế hoạch IPO vào tháng trước – kích hoạt một trong những thương vụ lên sàn đáng mong chờ nhất thế giới.

Được định giá gần 200 tỷ USD, Ant – công ty mẹ của ứng dụng thanh toán Alipay hiện là startup công nghệ giá trị nhất thế giới. Kế hoạch niêm yết chéo của họ trên sàn Hong Kong và Thượng Hải có thể trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới trong năm nay. Vụ lên sàn lần này được cho là sẽ tạo ra động lực cho cả 2 thị trường chứng khoán kể trên vào thời điểm viễn cảnh trên toàn cầu đang ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các nhà đầu tư xem Ant như một cổ phiếu nặng ký với triển vọng đầu tư tốt nhờ hệ thống thanh toán nội địa, dịch vụ tài chính đa dạng, năng lực công nghệ tiên tiến và tiềm năng mở rộng toàn cầu của họ.

"Quái vật" mang tên Ant Group

Xuất phát từ Alipay - một nền tảng thanh toán của Alibaba được thành lập năm 2004, Ant đã phát triển thành một gã khổng lồ "to con", sở hữu dịch vụ thanh toán lớn nhất thế giới và điều hành quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới. Tổ hợp các dịch vụ tài chính trực tuyến của Ant gồm thanh toán, ngân hàng, bảo hiểm, tín dụng, quản lý tài sản, cho vay, tín dụng doanh nghiệp và huy động vốn cộng đồng.

Ant cũng nắm cổ phần tại nhiều doanh nghiệp từ bán lẻ, giải trí, bất động sản, logistic, du lịch và chăm sóc sức khỏe. Tất cả những sự kết hợp đó sẽ hình thành nên một tổ hợp kinh doanh đáp ứng mọi mặt nhu cầu của khách hàng với các dịch vụ hàng ngày.

Startup quái vật của Jack Ma: Được định giá gần 200 tỷ USD, lượng khách hàng chiếm 1/4 dân số thế giới, đạt lợi nhuận 2 tỷ USD/quý - Ảnh 1.

Tuy nhiên, việc công ty càng ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng của mình cũng khiến các nhà chức trách để mắt tới. Trong vòng ít hơn 2 thập kỷ, Ant và những công ty công nghệ tài chính mới nổi đã mang đến những thay đổi sâu sắc cho ngành công nghiệp tài chính của Trung Quốc, thúc đẩy những thay đổi về pháp luật.

Sự tiếp cận rộng lớn của họ với dữ liệu khách hàng và những công nghệ thay đổi nhanh chóng đã làm dấy lên lo ngại từ các nhà chức trách về rủi ro liên quan tới sự minh bạch, tính bảo mật và độc quyền trên thị trường.

Theo website của công ty, Ant chia doanh nghiệp của họ thành 4 lĩnh vực: Tài chính kỹ thuật số, bảo hiểm, doanh nghiệp quốc tế và công nghệ trí thông minh nhân tạo. Thông qua Alipay, Ant kiểm soát một lượng truy cập kỹ thuật số khổng lồ - cung cấp các dịch vụ tài chính trực tuyến của họ cho các khách hàng cá nhân cũng như dữ liệu và hỗ trợ công nghệ cho các khách hàng doanh nghiệp.

Tính tới cuối tháng 3, Alipay đã được sử dụng bởi 1,3 tỷ người trên toàn thế giới, gồm 900 triệu người dùng hoạt động. Yu’E Bao – quỹ tiền tệ của Ant có hơn 700 triệu nhà đầu tư. Dịch vụ tín dụng khách hàng Huabei của họ có 400 triệu người dùng. Tổng lượng tiền quản lý bởi nền tảng đầu tư của Ant đã vượt 4 nghìn tỷ NDT (574 tỷ USD).

Khi đạt được thành công ở Trung Quốc, Ant đang có ý định tiến ra toàn cầu. Bằng việc đầu tư vào mảng kinh doanh ví kỹ thuật số như Paytm của Ấn Độ, Ant đảm bảo tiếp cận hơn 2 tỷ khách hàng toàn cầu – tức là tương đương ¼ dân số toàn thế giới.

Kích thước của mảng kinh doanh tài chính của Ant vượt qua cả những ngân hàng lớn ở Trung Quốc trong khi đó sức ảnh hưởng công nghệ của công ty cũng đang dần mở rộng. Kể từ năm 2017, Ant đã quảng bá công nghệ của họ như blockchain, trí thông minh nhân tạo, bảo mật, IoT để thúc đẩy danh tiếng như một nhà cung cấp công nghệ tài chính cho các nhà buôn và tổ chức tài chính. Năm 2018, Ant cho ra mắt một nền tảng cung cấp công nghệ tài chính. Hơn 40 sản phẩm trả tiền đã được cho ra đời kể từ đó.

Tháng 6, Ant đã thay đổi tên tập đoàn thành Ant Group để phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh đa dạng của mình.

Dĩ nhiên, dịch vụ tài chính vẫn là xương sống của Ant và cũng vẫn sẽ là nguồn mang về doanh thu chủ yếu cho họ trong tương lai. Thanh toán, tín dụng, quản lý tài sản và bảo hiểm là những nguồn mang về lợi nhuận chính cho Ant mặc dù công ty đang nỗ lực tìm kiếm những mũi nhọn tăng trưởng khác từ dịch vụ công nghệ và hoạt động kinh doanh quốc tế.

Từ chú kiến bé nhỏ thành "người khổng lồ"

Không còn nghi ngờ gì về việc Alipay là cỗ máy tăng trưởng chủ đạo của Ant và đóng góp phần lớn cho mức định giá khổng lồ của họ. Khởi đầu từ 17 năm trước nhằm giải quyết những khó khăn trong thanh toán trên nền tảng Taobao của Alibaba, Alipay xuất hiện được ví như PayPal của Trung Quốc. Hiện tại, lượng người dùng hoạt động trên Alipay đã gấp 3 lần của PayPal.

Alipay vẫn là người đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Trung Quốc, dẫn đầu hầu hết các hoạt động kinh doanh mới từ thanh toán nhanh tới quản lý tài sản trực tuyến và tín dụng. Điều đó giúp họ thu hút được một lượng lớn người dùng. Dữ liệu tháng 9/2019 cho thấy 80% người dùng của Alipay dùng hơn 3 dịch vụ tài chính của họ trong khi đó 40% người sẽ dùng tất cả các dịch vụ.

Startup quái vật của Jack Ma: Được định giá gần 200 tỷ USD, lượng khách hàng chiếm 1/4 dân số thế giới, đạt lợi nhuận 2 tỷ USD/quý - Ảnh 2.

Giá trị của Ant ngày một phình to hơn qua các năm.

Tuy nhiên, Alipay không thể mãi bất bại. Kể từ năm 2014, sự nổi lên của WeChat Pay của Tencent đã tạo ra mối đe dọa đáng kể tới Alipay. Năm 2019, Alipay đã xử lý 630 triệu giao dịch mỗi ngày trong khi đó, con số tương tự của WeChat Pay là 1,51 triệu giao dịch. Tuy nhiên, lượng giao dịch trung bình trên WeChat Pay vẫn nhỏ hơn khá nhiều so với Alipay.

Kể từ năm 2018, 2 công ty này đã hình thành nên thế độc quyền trong thị trường thanh toán của Trung Quốc. Mặc dù Alipay vẫn thống trị nhưng WeChat Pay đã chiếm thị phần lớn hơn trong dịch vụ thanh toán di động với những nhà bán lẻ offline.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích nói rằng Alipay có thể tăng tốc nhờ những khoản đầu tư khổng lồ của Alibaba và Ant vào các nhà bán lẻ vật lý trong những năm qua.

Tháng 3, Alipay tiết lộ mục tiêu phát triển nền tảng dịch vụ địa phương kỹ thuật số lớn nhất thế giới, lên kế hoạch hợp tác với 50.000 nhà cung cấp dịch vụ và giúp 40 triệu nhà buôn nâng cấp năng lực công nghệ trong 3 năm.

Kể từ năm 2015, Ant đã tăng gấp đôi dịch vụ của mình bằng việc thâu tóm cổ phần của website giao đồ ăn Ele.me. Ele.me sau đó sáp nhập với Koubei – nền tảng dịch vụ địa phương được Alibaba mua vào năm 2006, để tạo thành một mảng dịch vụ mới.

Năm 2017, Ant một lần nữa hợp tác với Alibaba mua dịch vụ chia sẻ xe đạp HelloBike. Năm 2018, Alibaba cho ra mắt chuối siêu thị Hema.

Khi mở rộng lựa chọn dịch vụ, Ant cũng củng cố vai trò như một nhà cung cấp công nghệ, nhắm tới khách hàng tổ chức. Hiện tại, các tổ chức tài chính tỏ ra rất quan tâm tới những dịch vụ mà Alipay cung cấp.

Cỗ máy in tiền

Mặc dù Alipay đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Ant nhưng họ lại đang gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận cho mảng thanh toán. Tờ Caixin đã nhận ra rằng mảng thanh toán của Ant vẫn lỗ, phản ánh việc chi tiêu mạnh cho công nghệ và hỗ trợ khách hàng.

Ant hiện vẫn chưa công bố chi tiết tình hình tài chính nhưng Caixin tính toán dự trên báo cáo tài chính của Alibaba cho thấy rằng lợi nhuận trước thuế của Ant trong 3 quý đầu năm 2019 đạt 11,6 tỷ NDT, sau khi thua lỗ 1,9 tỷ NDT vào năm 2018 và đạt lợi nhuận ròng 13,2 tỷ NDT vào năm 2017. Đặc biệt, lợi nhuận trong quý cuối cùng của năm 2019 của Ant đạt mốc 2 tỷ USD, phần lớn là nhờ dịch vụ tín dụng trực tuyến.

Ant cho ra mắt dịch vụ vay tiêu dùng Huabei vào năm 2014, cung cấp những khoản tín dụng cho người mua trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba. Jeibei – một nhà cung cấp các khoản vay ra đời năm 2015. Cuối năm 2018, Jiebei công bố lợi nhuận ròng 3,5 tỷ NDT và Huabei đạt lợi nhuận ròng 370 triệu NDT.

Startup quái vật của Jack Ma: Được định giá gần 200 tỷ USD, lượng khách hàng chiếm 1/4 dân số thế giới, đạt lợi nhuận 2 tỷ USD/quý - Ảnh 3.

2 dịch vụ này đã bị nhà chức trách để mắt tới vào năm 2018 khi họ mở rộng các chiến dịch nhằm hạn chế rủi ro với ngành công nghiệp cho vay. Kể từ đó, Ant đã sắp xếp lại mảng kinh doanh tín dụng và chuyển Jeibei và Huabei thành nền tảng đa phương tiện giúp người dùng nhận các khoản vay ngân hàng. Cuối tháng 6/2019, Ant đã hợp tác với 400 ngân hàng để cung cấp các khoản vay.

Eric Jing – Chủ tịch Ant vào tháng 3 đã nói rằng tổng cộng 1,7 nghìn tỷ NDT giá trị các khoản vay đã được phát hành thông qua các nền tảng của Ant vào năm 2019, tăng 72% so với năm trước.

Ngoài dịch vụ tín dụng trực tuyến, dịch vụ tài chính của Ant như quản lý tài sản trực tuyến và bảo hiểm cũng vượt trội hơn hầu hết các đối thủ. Theo Citic Securities, doanh thu trên các nền tảng của Ant có thể đạt 100 tỷ NDT hàng năm. Năm 2020, doanh thu của Ant từ bảo hiểm có thể vượt 1 tỷ NDT so với mức 240 triệu NDT vào năm ngoái.

Với sức mạnh và sự thống trị như vậy, Ant không thể tránh được những sự soi xét kỹ lưỡng từ cơ quan chức năng.

Dòng tiền chảy tự do bên trong chuỗi các hoạt động kinh doanh của Ant đang ngày càng phình to mà không phải chịu bất kỳ sự giám sát nào bởi các nhà chức trách và ngân hàng. "Giới chức không kiểm soát cả Alipay và WeChat Pay".

"Với hơn 1 tỷ người dùng, Ant và Tencent đã phát triển thành những nền tảng dịch vụ tài chính siêu khổng lồ, có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ ngành tài chính. Tuy nhiên, sự giám sát từ các cơ quan chức năng lại chưa được sát sao".

Tháng 12, Cựu giám đốc Văn phòng điều tiết chứng khoán Trung Quốc Xiao Gang đã đề xuất bản thảo những quy định mới yêu cầu 2 công ty gồm Ant và Wechat phải mở dữ liệu cho phép những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn tiếp cận nhằm khuyến khích cạnh tranh và minh bạch.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia việc thắt chặt quản lý của cơ quan chức năng giúp kiểm soát rủi ro không phải là tin xấu với những công ty lớn như Ant. Với năng lực lớn hơn đầu tư vào công nghệ và quản lý, thị trường được kiểm soát tốt hơn có thể nâng cao vị thế của những người chơi lớn.

Vân Đàm

Từ khóa:  Alibaba , Ant
Cùng chuyên mục
XEM