Startup 'bếp ma' của nhà sáng lập Uber gặp khó khăn, sa thải nhân viên, đóng cửa loạt địa điểm
Sau khi bị buộc rời Uber, nhà sáng lập Travis Kalanick khởi nghiệp lại lần nữa nhưng dường như không suôn sẻ.
Theo nguồn tin của Financial Times, công ty khởi nghiệp CloudKitchens của Travis Kalanick – nhà sáng lập Uber đã sa thải nhân viên trong năm nay và đóng cửa một số địa điểm nhằm kiểm soát chi phí trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng thấp tại một số kho hàng của họ.
Động thái siết chặt chi phí kể trên của CloudKitchens làm nổi bật thách thức đối mặt với nhiều công ty khởi nghiệp sau khi lãi suất tăng đã đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ “tiền rẻ” vào năm ngoái, thúc đẩy sự thay đổi chiến lược đột ngột từ các công ty đã ưu tiên sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng tốn kém.
Tại cuối quý đầu tiên, các tòa nhà của CloundKitchens - công ty cho thuê không gian chuẩn bị thực phẩm cho nhà hàng chỉ được sử dụng khoảng 50% và nhiều nguồn tin cho biết công ty này đã không thể ký được nhiều hợp đồng với các chuỗi nhà hàng mà họ hy vọng sẽ đẩy mạnh doanh số bán hàng.
Công ty đã đóng một số tòa nhà mà họ đã mua, bao gồm tại New York và Tennessee. Họ cũng đã cắt giảm số lượng nhân viên, từng tăng lên hàng nghìn người.
Phù hợp với những biện pháp cắt giảm đó, CloudKitchens dường như đã giảm đáng kể việc mua tòa nhà mới, thường được thực hiện thông qua các công ty vỏ bọc. Một nguồn tin cho biết thêm, công ty cũng đã điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình, tập trung vào các kho hàng nhỏ hơn.
Một người thứ tư có thông tin về tình hình kinh doanh của công ty đã vẽ một bức tranh ít khó khăn hơn, nói rằng các con số sử dụng không tính đến các hợp đồng đã được ký nhưng một khách hàng mới vẫn chưa trả tiền thuê. Con số đó, được gọi là tỷ lệ bán, vào cuối quý đầu tiên là khoảng 73%.
Họ cũng cho biết công ty đã tập trung chủ yếu vào việc thêm những nhà hàng nhỏ hơn vào danh sách thuê của họ và rằng ngay cả khi đóng cửa địa điểm, họ sẽ mở thêm không gian bếp trong năm tới khi CloudKitchens đưa các tài sản đã mua trước đó vào cho thuê.
Những khó khăn mà CloudKitchens và Kalanick gặp phải là điển hình cho những rắc rối mà các công ty khởi nghiệp đang gặp phải trong năm nay khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu chậm lại sau khi lãi suất tăng lên mức cao nhất trong 22 năm. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang nhằm siết chặt nguồn cung tiền trong nền kinh tế đã thúc đẩy các công ty trên toàn nước Mỹ cắt giảm chi phí: Meta, chủ sở hữu Facebook, Alphabet, chủ sở hữu Google và Microsoft đều đã sa thải nhân viên.
Một cựu nhân viên của CloudKitchens nói về Kalanick: “Anh ấy có hàng tỷ USD và câu hỏi đặt ra chỉ là anh ấy muốn bỏ bao nhiêu vào lửa”.
Năm ngoái, CloudKitchens đã tái cấp vốn cho khoản nợ mà họ đã gánh vào năm 2021 từ quỹ phòng hộ King Street Capital, một động thái diễn ra trước vòng cấp vốn 850 triệu USD vào cuối năm đó từ các nhà đầu tư bao gồm cả Microsoft.
Một nguồn tin cho biết, cơ chế tín dụng mới hơn - từ một nhóm các ngân hàng lớn nhất của Phố Wall bao gồm Barclays, Goldman Sachs và JPMorgan Chase - đã mang lại cho công ty “nguồn tài chính rẻ hơn” so với những gì họ có được từ King Street. Việc này cũng giúp hợp nhất khoản nợ tồn đọng của CloudKitchens thành một khoản vay duy nhất và cơ sở tín dụng quay vòng.
Các ngân hàng đã tìm cách thiết lập mối quan hệ với CloudKitchens, hy vọng công ty này cuối cùng sẽ trở thành ứng cử viên IPO sáng giá giống như nỗ lực trước đây của Kalanick với Uber.
Kalanick và CloudKitchens từ chối bình luận về vấn đề này.
Kalanick vào năm 2018 đã đặt cược lớn vào ý tưởng biến bất động sản hạng hai và khó khăn thành không gian bếp cho các nhà hàng, nơi ngày càng bán nhiều bữa ăn thông qua các ứng dụng giao hàng như DoorDash, UberEats và Grubhub. Và anh đã đạt được một số thành công, thu hút các công ty bao gồm Starbucks và Chick-fil-A đến với các tòa nhà của mình.
Năm 2019, quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi đã đầu tư vào hoạt động kinh doanh của CloundKitchens.
Nhưng ngay cả khi dấu chân của CloudKitchens ngày càng tăng, các nguồn tin cho biết, họ vẫn phải vật lộn để thu hút được nhiều chuỗi nhà hàng quan tâm như mong đợi.
Người này cho biết thêm, trong một dấu hiệu cho thấy công ty đang gặp khó khăn, một cuộc thử nghiệm do Domino's thực hiện ở Las Vegas đã kết thúc với việc chuỗi cửa hàng pizza này phải rời bỏ không gian khi hợp đồng thuê hết hạn. Người phát ngôn của Domino xác nhận họ đã sử dụng CloudKitchens để “thử nghiệm sơ bộ” nhưng quyết định không tiếp tục hợp đồng.
Những người tham gia thảo luận cho biết CloudKitchens đã tìm cách thiết lập mối quan hệ với các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh khác như Wendy's. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Wendy’s đã chuyển hướng khỏi những căn bếp ma, thông báo trong năm nay rằng họ sẽ đóng cửa các địa điểm ở Mỹ đã mở với Reef, một đối thủ cạnh tranh với CloudKitchens.
Giám đốc điều hành của Wendy's cho biết trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng 3 rằng họ "không hình dung được rằng bếp giao hàng sẽ là một yếu tố quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của chúng tôi".
Các nhà điều hành ngành nhà hàng đã đưa ra những quan điểm trái chiều về những “căn bếp ma”, nơi thuê những nhà kho không có thương hiệu để thực hiện và xử lý các đơn đặt hàng giao hàng. Mặc dù việc mở các địa điểm rẻ hơn nhiều so với một nhà hàng chính thức nhưng chúng không phải lúc nào cũng ở những vị trí đắc địa.
Các nhà hàng nhỏ đấu tranh để có được khả năng hiển thị trên các ứng dụng giao hàng, nơi họ cạnh tranh với các nhà hàng đã có tên tuổi. Một cựu nhân viên của CloudKitchens đã mô tả đây là một “trò chơi tiếp thị trên mạng xã hội, rất khó khăn” đối với các nhà hàng nhỏ khởi nghiệp kinh doanh thông qua một căn bếp ma.
Nguồn: Financial Times