Startup bằng tiền bảo hiểm đền bù cháy nhà, vị giáo sư triết học "đổi đời" nhờ sáng chế ra loại phụ kiện siêu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho smartphone

13/11/2018 08:15 AM | Kinh doanh

Popsocket đang được bán rộng rãi tại Amazon, Best Buy, Target, Walmart và hàng chục chuỗi bán lẻ khác. Doanh số tăng vọt từ 30.000 cái trong năm đầu tiên lên 35 triệu sản phẩm chỉ trong năm ngoái. Barnett đã thu về hơn 240.000 USD trong năm đầu kinh doanh và doanh số của công ty tăng liên tục… 800% mỗi năm.

PopSockets là một sản phẩm tuy đơn giản nhưng đem lại nhiều giá trị cho người dùng điện thoại. Thứ nhất là gia tăng khả năng cầm điện thoại bằng một tay, nhất là đối với những sản phẩm có màn hình to như hiện nay, một chiếc PopSockets có thể giúp người dùng dễ dàng selfie mà không sợ rớt "dế yêu". Ngoài ra thì PopSockets còn có thể làm giá đỡ và nơi để quấn tai nghe cực kỳ tiện lợi.

Startup bằng tiền bảo hiểm đền bù cháy nhà, vị giáo sư triết học đổi đời nhờ sáng chế ra loại phụ kiện siêu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho smartphone - Ảnh 1.

Không tốn một đồng quảng cáo nào, PopSockets đã trở thành một vật dụng không thể thiếu của nhiều người nổi tiếng như Joe Biden, Jared Leto, Michael Phelps, Nicole Williams và Serena Williams.

Không chỉ tiện dụng, PopSockets còn trở thành một "tuyên ngôn thời trang" của người sử dụng, với các hình ảnh như 12 chòm sao, Harry Potter, Pokémon, Transformers, Marvel …

Startup bằng tiền bảo hiểm đền bù cháy nhà, vị giáo sư triết học đổi đời nhờ sáng chế ra loại phụ kiện siêu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho smartphone - Ảnh 2.

Ngoài ra thì PopSockets còn phát triển thêm một giá đỡ có thể sử dụng trên xe hơi. Người dùng nay có thể dễ dàng tra bản đồ hoặc nghe nhạc một cách thoải mái khi đang tham gia giao thông.

Thiết kế thông minh, đầy đủ tiện ích, luôn mang lại thêm giá trị cũng như cập nhật mẫu mã để không bao giờ lỗi thời, ai cũng nghĩ PopSockets chắc hẳn là đứa con tinh thần của một nhóm khởi nghiệp trẻ hoặc ít nhất là một nhà thiết kế đại tài.

Nhưng không, PopSockets là sản phẩm của … một giáo sư triết học tên David Barnett.

Hành trình từ giáo sư thành doanh nhân

Startup bằng tiền bảo hiểm đền bù cháy nhà, vị giáo sư triết học đổi đời nhờ sáng chế ra loại phụ kiện siêu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho smartphone - Ảnh 3.

Giáo sư này đã nghĩ ra ý tưởng PopSocket như thế nào? Barnett chia sẻ rằng ông đã quá mệt mỏi vì tai nghe cứ rối tung mỗi khi lấy ra khỏi túi, nên ông quyết định tự giải quyết vấn đề này: "Tôi đã mua 2 cái khuy áo lớn và dán nó vào sau chiếc iPhone 3G để quấn tai nghe, và vấn đề lập tức được giải quyết."

"Nhưng tôi lại đối mặt với một vấn đề mới: cả gia đình và bạn bè đều chê giải pháp này quá "xấu xí". Vì thế, tôi đã dành nhiều tháng trời để tạo ra một sản phẩm vừa tiện lợi, vừa có tính thẩm mỹ cao, một PopSocket có thể xếp lại để bỏ vào túi hoặc bung ra để phục vụ các tiện ích như quấn tai nghe, cầm điện thoại, giá đỡ …"

Để thiết kế những mẫu PopSocket ban đầu, Barnett đã tự học phần mềm vẽ kỹ thuật 3D CAD nhằm trao đổi tốt hơn với các phân xưởng làm mẫu tại Trung Quốc. Trong vòng 15 tháng, vị giáo sư này đã thiết kế hơn 60 mẫu PopSocket khác nhau và quyết định đem sản phẩm của mình lên trang Kickstarter để gọi vốn vào năm 2012.

"Vì không giỏi kỹ thuật video và hình ảnh, nên tôi quyết định trình bày sản phẩm của mình qua một… vũ điệu sôi động, mẹ tôi đã cười phá lên khi xem đoạn clip đó."

Startup bằng tiền bảo hiểm đền bù cháy nhà, vị giáo sư triết học đổi đời nhờ sáng chế ra loại phụ kiện siêu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho smartphone - Ảnh 4.

Vào giữa năm 2012, gia đình Barnett mất đi căn nhà do vụ cháy kinh hoàng tại Colorado. Với số tiền bảo hiểm vừa nhận được, Barnett quyết tâm dồn tất cả vào đứa con tinh thần của mình: "Nghe có vẻ thật trùng hợp, tôi thề rằng mình không liên can gì tới vụ cháy hết, lửa đã thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà trong khu vực. Toàn bộ tiền bảo hiểm và vay từ người thân, tôi có tổng cộng gần 500.000 USD để bắt đầu sự nghiệp."

Sản phẩm… đổi đời?

Startup bằng tiền bảo hiểm đền bù cháy nhà, vị giáo sư triết học đổi đời nhờ sáng chế ra loại phụ kiện siêu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho smartphone - Ảnh 5.

Cho đến ngày nay, Popsocket đang được bán rộng rãi tại Amazon, Best Buy, Target, Walmart và hàng chục chuỗi bán lẻ khác. Doanh số tăng vọt từ 30.000 cái trong năm đầu tiên lên 35 triệu sản phẩm chỉ trong năm ngoái. Barnett đã thu về hơn 240.000 USD trong năm đầu kinh doanh và doanh số của công ty tăng liên tục… 800% mỗi năm.

Hiện PopSockets đang lên kế hoạch cho ra lò hơn 70 triệu sản phẩm mỗi năm. Từ một công ty chỉ có một nhân viên đồng thời là người sáng lập, PopSocket hiện nay đã có hơn 120 thành viên khắp nơi trên thế giới, từ Colorado, California cho đến Phần Lan và Singapore.

Khi được hỏi về những dấu mốc thành công của công ty, Barnett trả lời: "Bắt đầu là việc tìm ra thiết kế có khả năng thu gọn hoàn toàn, ký hợp đồng phân phối với T-Mobile vào năm 2015, ký hợp đồng quảng cáo với Jenna Marbles vào năm 2016, và mở rộng ra San Francisco, Phần Lan và Singapore vào năm 2017."

Nhưng đối với Barnett, thành công lớn nhất mà công ty nhận được là "hàng trăm thư từ người hâm mộ được gửi về mỗi tuần", từ những học sinh trung học bày tỏ thích thú với sản phẩm, cho đến những bệnh nhân Parkinson nay đã có thể giữ cố định điện thoại mà không cần sự trợ giúp.

Rất nhiều khách hàng của PopSocket gọi đây là một sản phẩm "đổi đời". Dù nhà sáng lập Barnett nhanh chóng phủ nhận biệt hiệu to tát này, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự ảnh hưởng to lớn của PopSocket lên cuộc sống hằng ngày. Vì thế, công ty quyết định đưa ra sứ mệnh của mình là: "Làm ra những vật tý hon có thể thay đổi cuộc sống."

Đơn giản nhưng thiết thực, giáo sư David Barnett đã tìm ra được sứ mệnh của đời mình một cách tình cờ như thế đấy.

Lê Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM