Stan Lee: Cha đẻ Do Thái của những vị anh hùng điện ảnh

02/04/2019 20:00 PM | Xã hội

Đỉnh cao danh vọng của Lee là khi hàng loạt những siêu phẩm anh hùng được đưa lên màn ảnh thập niên 2000 với các công nghệ tối tân, khiến bộ phim trở nên hấp dẫn người xem hơn bao giờ hết. Dị nhân (X Men) ra mắt năm 2000, Người nhện (Spiderman) ra mắt năm 2002, còn Người sắt (Iron Men) là năm 2008.

Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những vĩ nhân Do Thái nổi bật". Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những người nổi tiếng trên thế giới.


Đối với những người mê điện ảnh, chắc chắn không ai là không biết đến những siêu anh hùng như Người sắt (Iron Man), Người Nhện (Spider Man), Thần Sấm (Thor) hay nhiều nhân vật khác. Sự phát triển của công nghệ đã giúp các nhà làm phim đưa được hàng loạt siêu anh hùng trong truyện tranh lên thành phim.

Tuy nhiên, người đàn ông đã xây dựng nên những nhân vật này lại ít được mọi người quan tâm dù ông vẫn được tung hô là "vị thần" trong làng truyện tranh giả tưởng. Đó là Stan Lee.

Cùng với họa sĩ Jack Kirby, Lee đã giúp Marvel Comics trở thành "ông lớn" truyện tranh, đưa những câu chuyện xã hội vào trong từng trang truyện, kết nối với độc giả trẻ. Bắt đầu bằng Fantastic Four vào đầu những năm 1960, một biệt đội siêu anh hùng vô tình có được sức mạnh tập hợp lại với nhau, họ là một phần của thời đại Silver Age (tạm dịch: Thời đại Bạch kim) trong comic.

Stan Lee: Cha đẻ Do Thái của những vị anh hùng điện ảnh - Ảnh 2.

Stan Lee thời trẻ

Sau đó, các nhân vật quen thuộc khác mà Lee góp phần tạo nên còn có Spider-Man, Hulk, X-Men, Iron Man, Thor, Daredevil, Captain America và Avengers – tất cả đều đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình.

Lee rời Marvel sau nhiều thay đổi vào năm 1972, nhưng vẫn là chủ tịch danh dự của Marvel trong suốt cuộc đời ông. Mặc dù không còn hoạt động trực tiếp với công ty nhưng Lee vẫn nhận được nhắc tên trong việc sản xuất, cũng như có các vai cameo trong tất cả các phim live action chuyển thể từ truyện tranh Marvel. 

Ông quay các vai cameo trong các phim như Deadpool 2 và Guardians of the Galaxy 2 rất lâu trước khi phim phát hành, phòng trừ trường hợp ông không thể xuất hiện nữa. Ông cũng đóng vai chính mình trong một số series phim truyền hình khác như The Big Bang Theory.

Lee là một doanh nhân có tài, và đã trở thành đại sứ đầu tiên của ngành công nghiệp truyện tranh, kết nối với độc giả trẻ tại các trường đại học/cao đẳng thông qua việc xuất hiện và phỏng vấn. Lee vẫn là người hoạt động sáng tạo mạnh mẽ kể cả khi đã hơn 90 tuổi, tạo ra rất nhiều chủ đề mới cho các phim hoạt hình và TV.

Ly kỳ chuyện nghề

Stan Lee có tên thật là Stanley Martin Lieber, sinh năm 1922 tại thành phố New York-Mỹ. Bố mẹ ông là người Do Thái nhập cư và là những lao động nghèo. Trải qua giai đoạn Đại khủng hoảng kinh tế thập niên 1930, gia đình của Stan Lee rất khó khăn khi liên tục phải chuyển chỗ ở. Ông và người em Larry Bieber phải chia nhau phòng ngủ còn bố mẹ thì nằm trên những chiếc ghế sô pha do thiếu chỗ.

Ngay từ bé, Lee đã phải vất vả mưu sinh cùng gia đình. Ông làm thêm đủ mọi nghề để phụ giúp bố mẹ, từ giao hàng ăn nhanh cho đến bán báo rong. Tuy nhiên, niềm đam mê với truyện tranh đã nảy sinh từ bé khi ông thích được viết lách và sáng tác.

Ngay ở tuổi trẻ thơ, ông đã xin làm thêm việc viết quảng cáo tờ rơi cho những dịch vụ mới hay viết những mẩu tin cáo phó ngắn cho Trung tâm lao phổi quốc gia.

Đến năm 15 tuổi, Lee tham gia cuộc thi viết tiểu luận do tờ New York Herald Tribute tổ chức và giành quán quân 3 tuần liên tiếp. Vụ việc ầm ĩ đến nỗi tờ báo đã đề nghị Lê ngừng tham gia để người khác giành giải. Đổi lại, họ kiến nghị ông tham gia mảng viết lách chuyên nghiệp cũng như theo đuổi nghề sáng tác.

Stan Lee: Cha đẻ Do Thái của những vị anh hùng điện ảnh - Ảnh 3.

Năm 1939, thông qua chú của ông, em rể của nhà xuất bản truyện tranh Martin Goodman, Lee trở thành trợ lý của Timely Comics, sau này được biết đến dưới cái tên Marvel.

Ban đầu, Lee chỉ làm chân chạy vặt trong công ty với nhiệm vụ đổ đầy mực cho những họa sĩ sáng tác, mua đồ ăn cho họ, hay làm những công việc chẳng đáng quan trọng. Mãi đến tận năm 1941, Lee mới có được tác phẩm chuyện tranh đầu tay được in ấn. Bởi hồi đó còn là họa sĩ không tên tuổi nên ông chỉ dám lấy nghệ danh "Stan Lee" giống một thương hiệu bút chì chứ không dám đề tên thật.

Trớ trêu thay, đây lại là cái tên sau này được cả thế giới biết đến.

Ngay cả câu chuyện ông được chọn làm tác giả cho bộ truyện đầu tay cũng ly kỳ chẳng kém 1 bộ phim. Năm 1941, khi những họa sĩ chủ lực của Timely Comics như Jack Kirby rời đi vì bất đồng với ông chủ Martin Goodman, Lee đã được chọn vào làm biên tập viên khi mới chỉ là 1 thanh niên 19 tuổi chẳng có kinh nghiệm.

Dù gặt hái được bước ngoặt trong đời nhưng Lee lại phải gia nhập quân đội năm 1942. Dẫu vậy Timely Comics vẫn gửi thư và nhờ ông làm tác giả cho một số bộ truyện. Tuy nhiên Lee khá ghét chuyện này bởi ông thường xuyên bị ông chủ Goodman yêu cầu qua thư để viết các thể loại rùng rợn, tình cảm sến sẩm hay bất cứ thứ gì có thể bán được cho độc giả.

Đến giữa thập niên 1950, sau khi trở về từ quân đội, Stan Lee đã có 1 gia tài đồ sộ các loại truyện từ viễn tưởng, trinh thám cho đến các thể loại truyện khác. Lúc này ông đã quá chán công việc và định từ bỏ nghề này.

May mắn thay, 1 sự kiện đã giúp Stan Lee có được cơ hội để đời một lần nữa.

Stan Lee: Cha đẻ Do Thái của những vị anh hùng điện ảnh - Ảnh 4.

Các tác phẩm của Stan Lee là nguồn cảm hứng cho hàng loạt bộ phim siêu anh hùng ngày nay

Khi anh hùng cũng biết ốm bệnh

Cuối thập niên 1950, ông lớn ngành truyện tranh thời đó là DC Comics có được những nhân vật vô cùng nổi tiếng như Siêu nhân (Superman), Người dơi (Batman)... Chủ biên Julius Schwartz thời kỳ đó có ý định tập hợp các anh hùng thành đội Liên minh công lý (Justice League) để ra mắt một phiên bản truyện tranh mới.

Nóng mắt trước đối thủ, ông chủ Goodman của Timely, nay đã đổi tên thành Atlas Comics, quyết định để Stan Lee sáng tác một loạt những nhân vật siêu anh hùng mới làm đối trọng.

Quá chán nản với công việc Stan Lee chẳng còn gì để mất. Ông đã định từ chối dự án xong người vợ lại khuyên ông nên thử sức lần cuối cùng.

Với tâm trạng chả có gì phải sợ, Lee quyết định sáng tạo các anh hùng dựa trên nguồn cảm hứng từ chính cuộc đời mình. Tại thời điểm đó, những anh hùng thường được lý tưởng hóa, không có nhiều điểm yếu hay những vấn đề gần gũi với cuộc sống nên dễ gây nhàm chán.

Bởi vậy, khi Stan Lee cho ra đời những vị anh hùng mang hơi thở cuộc sống, các độc giả đã nhanh chóng bị cuốn hút. Các anh hùng giờ đây cũng có tình cảm như người thường, họ bị nóng giận, mất lý trí, cũng có thể đau khổ vì bị từ chối tình yêu, cãi nhau với bạn gái hoặc lo lắng những điều đơn giản như hóa đơn tiền điện. Thậm chí họ cũng có thể bị bệnh, ốm đâu cùng nhiều thứ khác giống như con người.

Có thể nói, Stan Lee đã đi 1 nước cờ mạo hiểm khi làm thay đổi hoàn toàn hình tượng siêu anh hùng trong truyện tranh thời đó nhưng chính chúng lại cuốn hút khán giả vì những điều mới mẻ mà gần gũi. Những nhân vật đầu tiên của thể loại anh hùng này là Bộ tứ siêu đẳng (Fantastic Four).

Bộ truyện nhanh chóng thành công đến nỗi Lee nhanh chóng tạo ra hàng loạt các siêu anh hùng khác như Người khổng lồ xanh (Hulk), Thần sấm (Thor), Người sắt (Iron Man) hay những Dị nhân (X Men).

Stan Lee: Cha đẻ Do Thái của những vị anh hùng điện ảnh - Ảnh 5.

Marvel và DC hiện là 2 ông lớn trong ngành sản xuất siêu anh hùng

Công việc nhiều đến nỗi Lee không theo kịp được tiến độ và chỉ chịu trách nhiệm lên nội dung chuyện và sáng tác, còn phần vẽ tranh sẽ do các họa sĩ khác đảm nhiệm. Nhờ đó, độc giả có thể thưởng thức những bộ chuyện tranh lôi cuốn với lối vẽ hút mắt, trong khi Marvel vẫn có thể cho ra lượng lớn các nhân vật cũng như tập truyện.

Bên cạnh đó, Stan Lee rất biết cách chiều độc giả khi tôn trọng họ, luôn thực hiện những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa khi sáng tác các bộ truyện, qua đó tạo nên 1 cộng đồng người hâm mộ Marvel hùng mạnh.

Tuy nhiên hạnh phúc chẳng dài lâu khi Lee và họa sĩ hợp tác Kirby có bất đồng. Bản thân Kirby cho rằng Lee đã lấy hết hào quang của ông và bỏ sang đối thủ DC vào năm 1970, tạo nên cuộc chiến giữa các anh hùng điện ảnh ngày nay giữa Marvel và DC.

Dẫu vậy, trong khi Kirby không để lại được nhiều dấu ấn thì Stan Lee tiếp tục là 1 tượng đài trong làng siêu anh hùng giả tưởng.

Đỉnh cao danh vọng của Lee là khi hàng loạt những siêu phẩm anh hùng được đưa lên màn ảnh thập niên 2000 với các công nghệ tối tân, khiến bộ phim trở nên hấp dẫn người xem hơn bao giờ hết. Dị nhân (X Men) ra mắt năm 2000, Người nhện (Spiderman) ra mắt năm 2002, còn Người sắt (Iron Men) là năm 2008.

Thành công hàng loạt của các bộ phim khiến cả thế giới biết đến tên Stan Lee, đem về cho ông nhiều triệu USD tiền bản quyền. Ông cũng được coi là vị cha già khai sinh ra những nhân vật siêu anh hùng được cả thế giới biết đến hiện nay.

Tháng 12/2018, Stan Lee qua đời ở California, hưởng thọ 95 tuổi.

Stan Lee: Cha đẻ Do Thái của những vị anh hùng điện ảnh - Ảnh 6.

Stan Lee ra đi để lại di sản đồ sộ gồm hàng loạt siêu anh hùng

AB

Cùng chuyên mục
XEM