Tại sao áo nam có khuy bên phải còn áo nữ có khuy bên trái?

02/04/2015 15:36 PM | Sống

Trang phục nam và nữ rất khác nhau về kiểu dáng. Tuy nhiên, có một khác biệt nhỏ mà rất ít người để ý, đó là vị trí hàng khuy áo.

Nội dung nổi bật:

- Ít ai để ý sự khác biệt về vị trí hàng khuy áo của nam và nữ. Nhìn từ phía người mặc thì áo nam có khuy bên phải, trong khi áo nữ lại có khuy bên trái.

- Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân áo nam có khuy bên phải như: Trang phục thời xưa cho người giàu thường kèm theo vũ khí, do dấu tích chiến tranh hoặc vai trò săn bắn của đàn ông thời cổ.

- Trong khi đó, cũng có nhiều lời giải thích về hàng khuy áo bên trái của nữ giới: Để tiện chăm con, cưỡi ngựa, thể hiện sự phân biệt giới tính hay do phong cách thời trang một thời của giới nhà giàu.


Trang phục nam và nữ rất khác nhau về kiểu dáng. Tuy nhiên, có một khác biệt nhỏ mà rất ít người để ý, đó là vị trí hàng khuy áo. Nhìn từ phía người mặc thì áo nam có khuy bên phải, trong khi áo nữ lại có khuy bên trái. Đây không phải là vấn đề gì to tát, nhưng lại vô cùng kỳ quặc.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân của vấn đề này. Tuy nhiên, tất cả đều có thể tóm gọn lại như sau: Khác biệt về hàng khuy áo là tàn dư của một phong tục cổ mà chúng ta đã vô thức duy trì đến thời nay.

Trang phục nam có khuy bên phải, khuyết bên trái

Lời giải thích phổ biến nhất bắt nguồn từ việc trang phục cho những người đàn ông giàu có thường kèm theo vũ khí.

Vì phần lớn phái mạnh thường cầm kiếm bằng tay phải nên sẽ nhanh và tiện hơn nếu dùng tay trái để cởi khuy. Bạn có thể tìm thấy bằng chứng cho điều đó từ các bức chân dung thời xưa. Vào khoảng thế kỷ 19, kiểu vẽ nam giới đưa tay vào trong áo chẽn rất thịnh hành, đa phần là tay trái.

Kiểu tranh người đàn ông đưa tay vào áo chẽn rất phổ biến ở thế kỷ 19.

Bạn cũng có thể coi hàng khuy áo bên phải như một dấu tích chiến tranh. Cuốn “The Art of Chivalry: European Arms and Armor from the Metropolitan Museum of Art” có đoạn: “Để đảm bảo mũi giáo của kẻ thù không trượt vào khoảng trống giữa những chiếc khuy, họ cài áo từ trái sang phải, vì theo cách chiến đấu tiêu chuẩn, bên trái được khiên che chắn sẽ hướng về phía kẻ thù. Do đó, áo của đàn ông được cài khuy từ trái qua phải cho đến tận ngày nay”.

Bạn có thể mở rộng giả thuyết trên nếu nhìn xa hơn vào quá khứ. Tác giả Katherine Lester viết trong cuốn “Accessories of Dress” như sau: “Vai trò săn bắn của người đàn ông đòi hỏi anh ta phải rút vũ khí ra từ trái sang phải. Việc cài áo từ phải sang trái sẽ gây cản trở hoạt động”.

Trang phục nữ có khuy bên trái, khuyết bên phải

Giả thiết thứ nhất giải thích việc nữ giới có khuy áo bên trái là vì họ cần chăm sóc em bé. Thường thì họ thuận tay phải nên sẽ bế con bên trái, giúp tay phải tự do vận động. Vì vậy phần khuyết được đặt bên phải, giúp phụ nữ dễ cởi áo hơn khi cho con bú.

Khuy bên trái giúp phụ nữ dễ cởi áo bằng tay phải để cho con bú.

Một giả thuyết khác là việc cưỡi ngựa. Thời xưa, phụ nữ khi cưỡi ngựa sẽ đặt cả hai chân sang một bên, thường là bên phải. Vì vậy, đặt hàng khuy áo bên trái sẽ giúp họ giảm bớt lượng gió thổi vào trong áo khi ngựa chạy nước kiệu.

Khuy áo bên trái giúp giảm bớt gió lùa khi phụ nữ cưỡi ngựa.

Giả thiết thứ ba là về sự thù hằn. Thời kỳ đầu công nghiệp hóa - thời điểm quy trình sản xuất quần áo dần được chuẩn hóa - trùng với lúc phụ nữ bắt đầu đứng lên đòi quyền lợi. Một số người cho rằng các nhà sản xuất lợi dụng khác biệt nhỏ về khuy áo trong trang phục để nhấn mạnh khoảng cách lớn giữa hai giới.

Lại có ý kiến giải thích, phụ nữ thời Napoleon đã chế giễu hoàng đế bằng cách nhái lại kiểu chụp ảnh đưa tay vào trong áo của ông. Do đó, Napoleon ra lệnh làm khuy áo phụ nữ ở bên ngược lại để chấm dứt việc đem ông ra làm trò cười.

Giả thiết hợp lý nhất có lẽ liên quan đến việc các quy ước về trang phục dần được chuẩn hóa. Khi đó, nhiều phụ nữ không cần tự mình mặc quần áo, nhất là những ai dư dả. Và vì khuy áo rất đắt nên quy ước về chúng do giới nhà giàu đặt ra. Các quý bà thượng lưu thường yêu cầu người phục vụ giúp mặc và cởi những chiếc váy cài khuy cầu kỳ. Mà những người phục vụ này, như đa phần mọi người trên thế giới, thuận tay phải.

Sau đó, theo quy luật vận động của thời trang, khuy áo trái trở nên thông dụng và vẫn được duy trì dù mặc quần áo đã là việc cá nhân. Khi những chiếc khuy dễ sản xuất và dễ đính lên quần áo hơn, chúng được tiêu thụ đại trà. Tuy nhiên, khuy áo vẫn được đặt bên trái để người bình thường cũng có thể bắt chước phong cách của giới thượng lưu.

>> Cách lựa chọn cổ và tay áo sơ mi nam đúng điệu

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM