Lâu nay, nhà tù Kerobokan trên đảo Bali luôn được mệnh danh là thiên đường của tội phạm. Đây là nhà tù lớn nhất nằm trên hòn đảo du lịch Bali. Cụm từ thiên đường có thể khiến người ta hình dung đến hình ảnh các tù nhân nam hát vang bài Thánh ca sám hối, một số khác đang chơi quần vợt trong khu vườn xinh đẹp trong nhà tù. Tuy nhiên, cụm từ thiên đường ở đây là dành cho giới tội phạm.
Nhà tù Kerobokan trên đảo Bali
Những gì tệ nạn nhất của xã hội đều tập trung ở cái nhà tù khét tiếng ô hợp của Indonesia. Một tù nhân Australia cho biết, nhà tù Kerobokan đích thực là một ổ hối lộ, ma túy và tình dục công khai. Bất chấp những nỗ lực thay đổi nhà tù của các nhà chức trách, Kerobokan vẫn ngang nhiên hoạt động.
Tất cả tù nhân giàu sang ở Kerobokan đều coi nhà tù này là thiên đường. Ở nơi được gọi là thiên đường này, sức mạnh của đồng tiền thật sự rất lớn và cũng là thứ duy nhất có tiếng nói.
Tù nhân này thản nhiên nói: "Bạn sẽ có tất cả, miễn là có tiền. Thiên đường ư? Đối với tù nhân chúng tôi, đây còn sướng hơn thiên đường. Từ trước đến nay nhà tù vẫn vậy, không gì có thể thay đổi được”.
Thật vậy, ở Kerobokan, nếu có tiền, tù nhân có thể mua đủ thứ, từ những đồ thiết yếu như đồ ăn, xà phòng, sữa tắm, dầu gộåi, giấy vệ sinh đến ti vi, dụng cụ nhà bếp, đèn giường ngủ riêng. Không chỉ vậy, tù nhân còn có thể thoải mái trao đổi ma túy, mua bán dâm mà không phải lén lút hay sợ cảnh sát sờ gáy.
Chủ tịch Hiệp hội tù nhân Indonesia, Ida Ayu Made Gayatri cho biết: "Việc mua bán ma túy là hoạt động thường ngày ở nhà tù. Nhiều tù nhân thản nhiên kể cho chúng tôi về cách thức hoạt động bất hợp pháp này. Địa điểm mua bán ma túy diễn ra ở nhà thờ, trên sân quần vợt.
Thậm chí, có những người còn ném ma túy qua các bức tường nhà tù, một số người còn đi với lính gác qua cổng chính một cách đàng hoàng. Các lính gác nhà tù còn nhận tiền để cung cấp dịch vụ tình dục tại các nhà vệ sinh, nhằm thỏa mãn những tù nhân có tiền và địa vị.
Nếu may mắn, người ta sẽ được thấy cảnh ba trong số những kẻ đánh bom Bali năm 2002 đang ngồi nhấm nháp những trái cây nhiệt đới với những tên buôn lậu heroin người Australia đằng sau song sắt. Tất nhiên, để có được điều này những tên tội phạm phải chi một khoản tiền đáng kể.
Nhà tù Kerobokan là thiên đường của những tù nhân có tiền, sống cuộc sống vương giả, ngược lại đây chính là một địa ngục của những tù nhân nghèo khổ. Chủ tịch Gayatri nhấn mạnh, tình trạng bạo lực xảy ra tại nhà tù như cơm bữa, những nhóm đối địch nhau đều xoay quanh vấn đề tiền bạc và đánh nhau chỉ vì tiền bảo kê. Nhà tù Keborokan là một bức tranh rõ nét về việc phân biệt địa vị.
Những tù nhân nghèo thì sống trong cảnh bần cùng, đói rách, những tù nhân có tiền thì được hưởng một cuộc sống như đại gia, có cả người hầu kẻ hạ. Hơn nữa, hành động hối lộ còn diễn ra một cách công khai. Những người tới thăm phạm phải trả tiền mới được vào và tù nhân sẽ trả cho lính gác để được thực hiện các hoạt động bất hợp pháp một cách tự do.
Mặc dù lãnh đạo mới của nhà tù đã đưa ra nhiều quy định mới để cải thiện phần nào tình trạng hối lộ, ma túy, mại dâm tại nhà tù nhưng dường như mọi cố gắng chỉ là vô ích. Một nữ phạm nhân bị kết tội tàng trữ ma túy tiết lộ, cô vẫn phải trả tiền cho lính gác nếu muốn tới nhà thờ. Những người bị giam ở khu W vẫn thường nhận 1-2 USD để giặt giũ quần áo cho mọi người.
Schapelle Corby tận hưởng cuộc sống vương giả trong nhà tù
Nữ tù nhân nói: "Những nữ phạm nhân nấu ăn và nhận tiền từ lính gác sẽ bán lại thức ăn cho tù nhân để kiếm lời. Chỉ có làm như vậy chúng tôi mới có thể sống ở nơi đồng tiền làm chủ này. Ở Kerobokan, có tiền còn đồng nghĩa với đặc ân và những đặc quyền khác người. Nếu bỏ tiền đúng chỗ, một tù nhân có thể ra ngoài mua sắm, ăn tối tại những nhà hàng hảo hạng hoặc đi dạo trên bãi biển.
Để hợp pháp hóa việc đi lại, tù nhân sẽ giả vờ bị bệnh như đau răng hay đau bụng. Sau đó, họ phàn nàn về việc nhà tù thiếu thốn, không có bác sĩ giỏi rồi đút lót cho bảo vệ nhà tù. Lúc này, họ sẽ được sắp xếp đi gặp bác sĩ ở bên ngoài. Khi đã ra ngoài, họ tha hồ đi đây, đi đó và tận hưởng cuộc sống tự do”.
Schapelle Corby, một nữ phạm nhân đang thụ án 20 năm vì buôn lậu 4kg cần sa chất lượng cao vào Bali. Corby là nữ tù nhân điển hình trong thế giới giàu sang của nhà tù. Cô ta đi tù như thể đi nghỉ mát ở khu nghỉ dưỡng và được các bạn tù đặt cho cái tên mỹ miều Ganja Queen (nữ hoàng Ganja). Corby có một bể nước nhỏ bên ngoài xà lim để ngâm mình trong những buổi chiều nóng bức.
Thậm chí, nữ hoàng Ganja còn được phép nuôi một con chó nhỏ và trả tiền cho các bạn tù dắt nó đi dạo. Trong thời gian hưởng thụ cuộc sống xa hoa tại Keborokan, Corby đã thực hiện rất nhiều chuyến đi dạo bên ngoài nhà tù. Tuy nhiên, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, hành động của Corby đã bị các tù nhân khác phát hiện. Một làn sóng phản đối Corby dấy lên trong một lần Corby giả vờ bị suy sụp thần kinh và được đưa tới một bệnh viện địa phương để điều trị.
Theo những gì các tù nhân khác thuật lại, người nhà của họ đã thấy Corby ngồi ô tô nhãn hiệu Mercedes tới thẩm mỹ viện và các nhà hàng sang trọng nhất Bali. Chính việc này khiến các tù nhân có tiền ghen tị và muốn được hưởng chế độ đặc biệt như Corby.
"Hôm nay anh muốn ăn gì?"
Đó là câu hỏi thường ngày của Christine Puspayanti vào mỗi buổi sáng gọi cho chồng là tù nhân ở Keborokan trước khi vào thăm phạm nhân. Một giọng nói trầm vang lên trong điện thoại trả lời Christine: "Có thịt lợn xông khói và trứng không em?", kèm theo đó là giọng một người bạn tù của chồng cô: "Anh thích bánh mỳ nướng với mứt cam và cà phê nữa được không?”. Nhẹ nhàng dập máy, Christine nhanh chóng đóng gói các món ăn vào chiếc hộp giống của những người đưa bánh pizza thường dùng rồi cùng con gái Laura phóng xe máy đến nhà tù.
Nhà tù Kerobokan cho phép mọi người vào thăm tù nhân từ 9h sáng. Ngày nào cũng vậy, cứ vào buổi sáng, Christine lại vào thăm chồng và tiếp tế đồ ăn cho chồng và bạn tù của anh ta. Công việc này ban đầu chỉ xuất phát từ tình cảm cá nhân nhưng khi biết các tù nhân khác cũng có nhu cầu về thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, Christine đã mở rộng kinh doanh, phục vụ những kẻ tội phạm đầy nguy hiểm của xã hội. Tuy nhiên, mấy món đồ ăn đó chỉ là một phần của cuộc sống trong nhà tù này.
Nhiều người nhà của tù nhân còn đút lót cho bảo vệ và lính canh để được công khai buôn bán các loại hàng hóa, kể cả ma túy và các mặt hàng cấm. Nếu có vợ vào thăm, tù nhân hoặc người nhà tù nhân phải trả 10USD, họ sẽ được tới phòng tình yêu tù nhân để ôn lại những thời khắc ngọt ngào.
Hay khi tù nhân muốn uống bia, họ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ để được giải khát. Giá của một lon bia ở đây chỉ đắt hơn giá tại quán bar địa phương một chút. Muốn hút thuốc, nghe nhạc hay làm bất kỳ thứ gì trong nhà tù, một quy tắc bất di bất dịch là hãy trả tiền, đừng trả bằng thuốc lá như cách thường thấy ở các nhà tù khác của phương Tây.
Bởi vậy, cờ bạc, rượu chè, hút chích và các bữa tiệc tình dục là hình ảnh thường thấy ở nhà tù nổi tiếng trên hòn đảo du lịch Bali. Tất cả tù nhân giàu sang ở Kerobokan đều coi nhà tù này là thiên đường. Ở nơi được gọi là thiên đường này, sức mạnh của đồng tiền thật sự rất lớn và cũng là thứ duy nhất có tiếng nói.
Nổi loạn tại nhà tù “thiên đường” Hồi tháng 2/2012, tù nhân tại nhà tù Kerobokan đã có cuộc nổi loạn quy mô lớn, buộc chính quyền phải điều động hàng trăm cảnh sát và quân đội Indonesia để kiểm soát tình hình. Sau sự cố này, có 3 người bị thương, số lượng bảo vệ tại nhà tù cũng được tăng cường. Nguyên nhân vụ nổi loạn là do những vụ hiềm khích giữa các tù nhân dẫn đến việc các nhóm trả đũa lẫn nhau. Đây không phải lần đầu tiên tù nhân nổi loạn ở Kerobokan dù rằng nơi đây là thiên đường đối với bọn tội phạm. Nhà tù Kerobokan giam đến hơn 1.000 người, trong đó có 12 người Úc bị bắt về tội buôn ma túy, gồm hai người bị kết án tử hình. |
Theo Người đưa tin