Phụ huynh "trực thăng": Những người lúc nào cũng bao bọc con cái quá mức cần thiết

19/01/2016 14:00 PM | Sống

Típ bố mẹ trực thăng luôn luôn “lơ lửng” bên con cái để giải cứu chúng khỏi những rắc rối hay sự cố.

Thuật ngữ “phụ huynh trực thăng” được “lấy cảm hứng” từ những chiếc máy bay lên thẳng và bắt đầu được sử dụng từ đầu những năm 2000, xung quanh sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 và cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Theo một vài khảo sát và nghiên cứu, phương pháp nuôi dạy con theo kiểu “cha mẹ trực thăng” khá phổ biến ở Mỹ: khoảng 38% sinh viên tân đại học và 29% sinh viên khóa trên cho rằng bố mẹ họ thường xuyên hoặc đôi khi can thiệp hay nhân danh con cái mình để giải quyết các vấn đề cho chúng.

Một cuộc khảo sát khác vào năm 2013 (2013 Pew Research Survey) cho thấy, đa số phụ huynh trực thăng là những người có học thức ở tầng lớp trung lưu hoặc giàu có, họ có các nguồn lực về mặt xã hội và tài chính để chia sẻ cho con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành.

Sự hỗ trợ từ bố mẹ có thể giúp con cái phần nào vượt qua khó khăn để chín chắn, song nó cũng có thể phản tác dụng gây ra những tiêu cực. Họ quan tâm quá mức đến độ tham dự phỏng vấn xin việc cùng con cái hay gọi điện để tranh luận về điểm số của chúng với thầy cô giáo, nhưng lại quên mất việc trang bị cho các con những kỹ năng tối thiểu nhất để tự lập như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa hay giặt quần áo của mình…

Trăn trở với những vấn đề này, nhà tâm lí học lâm sàng Wendy Mogel, một chuyên gia về nuôi dạy con cái và tác giả của cuốn sách nổi tiếng The Blessing of a Skinned Knee and The Blessing of a B Minus, đã chỉ ra 5 biểu hiện cho thấy con cái đang được nuôi dạy bởi những phụ huynh trực thăng và cách để phá vỡ mô hình cứng nhắc có thể mang lại những ảnh hưởng xấu đến tương lai của con trẻ sau này.

1. Gọi điện hỏi bố mẹ mỗi khi phải đưa ra một quyết định

Khi bạn còn nhỏ, cha mẹ sẽ ngăn không để bạn chọc dĩa ăn vào ổ điện, giúp bạn điền đơn xin nhập học hay đưa ra một vài lời khuyên về công việc bạn mới nhận. Nhưng nếu sự can thiệp đó vẫn cứ tiếp diễn cho đến khi bạn trưởng thành, nó sẽ kìm hãm kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn và khi đó, không phải là bạn mà chính cha mẹ bạn là những người làm chủ cuộc sống của bạn.

Những lúc phải ra một quyết định nào đó, hãy dặn mình “ Đã đến lúc mắc sai lầm và học hỏi từ cha mẹ chứ không thể cứ mãi yên vị, phụ thuộc như thế này được. Hãy đặt điện thoại xuống dù có khó chịu hay bực bội và suy nghĩ về điều mình đang muốn làm hay đang cố gắng làm”

2. Trông chờ ở bố mẹ và một vài bạn thân

Hãy tìm những mối quan hệ mới. Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng hãy xem xét kết quả của một cuộc thăm dò được thực hiện bởi trường đại học Clark năm 2013. Hai phần ba các bà mẹ và hơn 50% các ông bố nói rằng họ vẫn liên lạc với con cái mỗi ngày bằng hình thức này hay hình thức khác.

“Một số bạn trẻ chỉ giới hạn mối quan hệ với rất ít người hoặc không có bạn bè thân thiết bởi họ dành nhiều thời gian cho những mối quan hệ không hứa hẹn trên mạng xã hội hơn là những mối quan hệ bè bạn thực sự.Ngoài các mối quan hệ ảo thì điều có thực trong cuộc sống đối với họ chỉ có cha mẹ mà thôi.

Điều đó giải thích tại sao họ lại quá gần gũi với bố mẹ như vậy. Đây chính là mảng khuất của thứ quan hệ bạn bè “thân thiết” mà giới trẻ và rất nhiều bậc phụ huynh ngày nay phải đối mặt, bà Wendy Mogel nói cùng với lời khuyên : “Hãy nuôi dưỡng tình bạn và những mối quan hệ thực sự”. Với nhiều người, đó có thể là việc nối lại liên lạc với những người bạn đã không liên lạc từ lâu. Hoặc bắt đầu một mối quan hệ hoàn toàn mới. Thử tham gia vào các câu lạc bộ, các đội thể thao, gặp gỡ những bạn bè mà chúng ta vốn vẫn chỉ nói chuyện qua internet để trải nghiệm tình bạn thực sự.”

3. Phát cáu với cha mẹ khi họ tặng quà hay trợ giúp

Chúng ta ngồi trên ghế nhà trường, bước vào giảng đường đại học giữa thời kỳ khủng hoảng tài chính, rồi ra trường. Tình hình kinh tế có khá hơn nhưng vẫn rất chậm chạp. Nhiều cử nhân dù đã tốt nghiệp những cũng không dễ để tìm được một việc làm toàn thời gian với những ngành học mà họ vốn được đào tạo để làm. Thêm vào đó, là gánh nặng từ những khoản vay từ thời còn sinh viên mà cho tới khi ra trường, chúng ta cũng chưa chắc đã trả hết ngoài việc ở nhà và dựa vào vài khoản tài chính hỗ trợ từ cha mẹ.

Rồi khi chúng ta không thực hiện được mục tiêu, phải dựa vào cha mẹ trong khoảng thời gian đầu không có việc làm và khi bắt đầu phải đương đầu với áp lực đời thực thì chúng ta trở nên bất mãn. Chúng ta thậm chí còn cáu gắt khi bố mẹ hỏi đến hay đề khi được nghị giúp đỡ, căm ghét bản thân vì không tự quyết định được cho cuộc sống của riêng mình….

Những thái độ trên có thể coi là một trong những tác động tiêu cực của một người con được nuôi bởi những bậc phụ huynh trực thăng. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ chìm đắm trong vòng tuyệt vọng.

Đã đến lúc để chúng ta tự vấn chính mình. Hãy tự đứng lên và làm những việc mà lẽ ra chúng ta đã có thể cố gắng làm thay vì dựa dẫm vào bố mẹ. Đừng ngại nếu bạn khởi đầu là một anh chạy bàn hay cô thu ngân siêu thị. Nghề nào cũng đáng quý cả. Bắt đầu từ những việc nhỏ để thu thập kinh nghiệm sống lại từ đầu và bạn sẽ thấy quý trọng lời đề nghị giúp đỡ từ cha mẹ. Thay vì cáu kỉnh, hãy nắm tay họ và nói “con tự làm được mà”.

4. Nỗi lo lắng thường trực

“Cha mẹ trực thăng thường nói với con cái rằng nếu không có sự hỗ trợ thường trực của họ, chúng sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm”, bà Mogel nói. Và chúng tin vào điều đó đến nỗi chúng cho rằng mình không thể làm tốt mọi việc nếu không có bố mẹ kề bên chỉ bảo.

Trong trường hợp này, thiền chánh niệm và liệu pháp tâm lí sẽ có ích cho bạn! Thiền chánh niệm là một phương pháp thiền nhấn mạnh những gì mà ta cảm nhận được trong hiện tại và chấp nhận bản ngã mà ta vốn mang từ khi được sinh ra. Thực hành chánh niệm là một cách để giúp chúng ta đối mặt được với những lo âu thường ngày và tăng cảm xúc tích cực. Bạn sẽ dần gạt bỏ được những ý niệm đã từng ám ảnh bạn về sự bao bọc của cha mẹ và thay vào đó là sự tự tin đứng vững trên đôi chân của chính mình.

5. Bạn cảm thấy mình đã quá hoàn hảo với đống bằng cấp

Bạn nghĩ rằng, trong thời buổi khó khăn, việc trang bị bên mình những kiến thức hay bằng cấp có thể sẽ làm bạn an lòng. Được nuôi dạy bởi những ông bố bà mẹ trực thăng, con cái dễ nghĩ rằng mỗi sự lựa chọn đều để làm hài lòng cha mẹ và thầy cô về nền giáo dục mà họ đã sắp đặt cho mình. Bạn tự làm cho mình trở nên mù quáng bằng việc chọn những thứ sẽ mang lại hạnh phúc và tương lai tươi sáng sau này. Nhưng hãy nhớ rằng, những ý tưởng đó cũng có thể “ xui khiến bạn nộp đơn vào trường luật dù bạn không muốn trở thành luật sư”, chuyên gia Mogel nói.

Hãy giải phóng mình khỏi những tư tưởng và định kiến cũ và dành lấy quyền quyết định cho tương lai của chính mình.

“Hãy chọn làm một điều gì đó mà bạn cảm thấy bạn được là chính mình, dù có những việc mà thậm chí có thể đi ngược lại với những gì mà gia đình bạn vẫn cho rằng chỉ có con đường họ chọn mới dẫn bạn đến với thành công”. “ cũng có thể công việc bạn chọn chỉ được trả công bằng một mức lương bèo bọt hay phải dành cả cuối tuần để học một kỹ năng mà nhiều khi còn chẳng có chút liên quan nào đến công việc…”

Chúng ta vẫn biết rằng, lí thuyết thì ai cũng có thể nghĩ ra được nhưng để hiện thực hoá nó thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng điều quan trọng nhất đó là “ bạn đã quyết định thay đổi hay chưa?”

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM