Những người truyền lửa
Người phương Tây có câu: “Người già nói hoài về quá khứ, người trẻ chẳng có gì để nói. Hai bên đều chán nhau”. “Cái sự chán” này có thể diễn ra trong cuộc sống thường nhật của một gia đình bình thường, đa thế hệ.
Ở thương trường, thế hệ doanh nhân trẻ, những người mới bắt đầu khởi nghiệp luôn mong muốn được lớp người đi trước sẻ chia kinh nghiệm.
Bởi họ là những doanh nhân từng trải trên thương trường, từng sống và làm việc giữa hai thời kỳ khác nhau của nền kinh tế, từ lúc kinh tế Việt Nam còn bao cấp cho đến những ngày đất nước mới mở cửa, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường. Và giờ đây họ sẽ tiếp tục chắp cánh cho những thế hệ doanh nhân kế tục mở cánh cửa hội nhập.
Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, Báo Doanh Nhân Sài Gòn ghi nhận những tâm sự của thế hệ doanh nhân thời kỳ đổi mới muốn gửi gắm đến thế hệ quản lý trẻ, những người mới khởi sự kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng, Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế: “Tôi chỉ định hướng, chọn nghề là quyết định của các con!”
Dù không còn trực tiếp điều hành kinh doanh Sơn Kim Group nhiều năm nay nhưng bà Nguyễn Thị Sơn, được biết đến như “cây đa, cây đề” của ngành thời trang Việt Nam, vẫn đóng vai trò cố vấn cho các con. Sơn Kim Group từng nằm trong “Top 10 gia đình kinh doanh thành công tại Việt Nam”, do Tạp chí Forbes bình chọn.
Lúc còn trẻ, bà không nghĩ mình sẽ kế nghiệp kinh doanh của bố mẹ. Gia đình mong muốn bà và em trai sau này trở thành giáo sư hay luật sư vì nhìn thấy năng khiếu suy luận, hùng biện nơi các con.
Nhưng như bà Sơn từng chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây gần 7 năm, cuộc đời mỗi con người đều có sự sắp đặt của thượng đế, mọi thứ đến và đi đều xuất phát bởi căn duyên.
Từ một gợi ý của khách hàng đến tiệm vải của gia đình năm 1968, bà đã bắt tay thử nghiệm thiết kế các mẫu quần áo, bày bán ở cửa hàng. Để rồi sau đó, bà dấn vào nghiệp kinh doanh bằng cả lòng đam mê, trải nghiệm đủ mọi cảm giác mà bà ví von là “đỉnh cao và vực sâu”.
Sau này, người con gái thứ tư của bà là Nguyễn Thị Hồng Trang, dù được mẹ chăm chút và hướng theo nghiệp sư phạm nhưng cũng xuất phát từ chữ “duyên” mà tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, quản lý chuỗi thương hiệu thời trang Vera, Wow, Jockey...
Nguyễn Thị Hồng Vân, con gái lớn của bà nối nghiệp mẹ từ những ngày đầu khởi nghiệp, thành lập Công ty TNHH Hồng Vân, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Khi thành đạt rồi, tích lũy được vốn mới cùng chồng là anh Hồ Nhân phát triển Công ty Sinh hóa dược Nanogen tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Bà Sơn nói nửa đùa nửa thật: “Nuôi dạy con gái thường dễ hơn con trai. Hai cô con gái của tôi hồi nhỏ rất ngoan hiền, biết nghe lời mẹ, còn 3 cậu con trai thì cá tính mạnh, lúc đi học thuộc loại học sinh cá biệt”. Để thay đổi con trai, bà Sơn noi theo cách người xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” nên luôn tìm môi trường học tập tốt cho con.
Cả 3 con trai của bà đều du học ở Úc, Mỹ và hiện tại đều có sự nghiệp riêng. Trong đó, con trai trưởng Nguyễn Hoàng Tuấn có cá tính giống mẹ, lúc nào cũng hăng hái tiến về phía trước và hiện đang đảm trách vai trò đầu tàu của Sơn Kim Group.
Để gắn kết các con, bà thường dùng tình yêu thương của người mẹ nhưng đôi khi cũng phải sử dụng uy lực. “Uy lực hiệu quả nhất của tôi là “mẹ góa” đã hy sinh cả đời cho các con. Nhưng đấy là quan hệ gia đình, còn việc kinh doanh phải bằng lý trí”, bà chia sẻ.
Các con bà Sơn mỗi người một sự nghiệp riêng, không lệ thuộc nhau về tài chính nên mâu thuẫn trong chiến lược kinh doanh ít xảy ra. Ngay cả bản thân bà cũng thừa nhận không tạo ảnh hưởng đến tài chính của các con. Nhưng bà không phải mẫu người quá cứng nhắc, hà khắc vì khi con thành lập công ty, bà sẵn sàng cấp một khoản vốn ban đầu, sau đó lời thì các con hưởng, lỗ ráng chịu, để có động cơ phấn đấu, làm giàu cho bản thân.
Bà cho rằng, sự định hướng của mình đối với các con có hiệu quả nhất định. Tuổi trẻ có nhiều hoài bão nên phải để họ thi thố tài năng khi khởi nghiệp. Có thể thất bại nhưng họ phải tự đứng dậy trên chính đôi chân của họ, gia đình chỉ là chỗ dựa khi cần thiết.
Nếu giao ngay cơ ngơi có sẵn của gia đình cho họ, họ không thấy cái khó vì mọi thứ đã có ban bệ, tổ chức chuyên môn giải quyết. Họ không phải động não trước các tình huống kinh doanh, dễ sinh ra tự mãn, tự cho mình là đại gia, thiếu gia rồi chi tiêu bừa bãi, có thể dẫn đến phá tán sự nghiệp của gia đình.
Cũng giống bao gia đình có truyền thống kinh doanh khác, bà Sơn muốn cho thế hệ con cháu được học tập ở môi trường tốt, nhưng với bà, việc lớp trẻ có quay về nắm giữ công ty của gia đình hay không lại là chuyện khác, hãy để họ độc lập lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Ông Trần Hữu Chinh, phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp VN (VACD): “Đạo đức kinh doanh quan trọng hơn cả tài chính”
Hơn 30 năm theo nghiệp kinh doanh, kể từ khi nền kinh tế mới bắt đầu mở cửa, đến khi đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Trần Hữu Chinh được xem là một trong những thế hệ doanh nhân đầu tiên chứng kiến những đổi thay của kinh tế Việt Nam qua từng thời kỳ. Ông cho rằng, để phát triển vững mạnh, nhà điều hành cần phải xây dựng nền tảng đạo đức cho doanh nghiệp.
Gặp lại ông Trần Hữu Chinh tại buổi chia sẻ kinh nghiệm điều hành với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2015, vẫn thấy nơi ông sự năng động của một nhà kinh doanh dù đã ngót nghét thất thập. Sau khi nghỉ hưu, ông Chinh có nhiều thời gian hơn để làm những việc theo dự định.
Ngoài tham gia các công ty chuyên về xuất khẩu thủy sản, lương thực, ông còn đảm trách vị trí Phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và là người sáng lập Mái ấm Mây Ngàn tại Gò Dầu, Tây Ninh - nơi nuôi dưỡng hơn 200 cụ già không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, khuyết tật.
Ông quan niệm nghỉ hưu không đồng nghĩa với chuyện dừng hẳn mọi việc và chỉ lo hưởng thụ. Nói theo nhà triết học Heraclitus là “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, cuộc sống mỗi người như một dòng chảy, luôn vận động. Tuy nhiên, cái quan trọng là chúng ta biết chấp nhận và xem đó như một quy luật thường tình.
“Đối với một nhà quản trị, tư tưởng phải thoáng, có tính khoa học và không tự mãn”, ông Chinh nói. Với ông, lợi thế của những nhà doanh nghiệp trẻ là không sợ rủi ro, chính điều đó đã tạo cho họ tư thế luôn tiến về phía trước. Nhưng táo bạo không đồng nghĩa với “liều mạng”, nghĩa là vẫn phải dự báo được những rủi ro có thể xảy đến cũng như cách ứng phó.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thể nghiệm cơ chế thị trường nên còn những điểm chưa hoàn thiện, cần khắc phục, điển hình như vấn đề cạnh tranh, đôi khi vì lợi nhuận mà vi phạm đạo đức kinh doanh. Cho nên, trong phần chia sẻ và gửi gắm quan điểm đến giới trẻ đã, đang và sẽ bước vào thương trường, ông Chinh chỉ mong rằng, trước hết, những doanh nhân trẻ phải xây dựng nền tảng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp mình, kế đến là chữ tín, phải thực hiện bằng được điều mình cam kết, và trung thực trong đàm phán với đối tác.
Ông bày tỏ, mọi quyết định của nhà lãnh đạo đều phải dựa trên lợi ích của các bên, không nên vì lợi ích trước mắt mà sa vào tình trạng gian lận thương mại. “Những doanh nhân trẻ hãy vươn lên bằng chính khả năng, sự trung thực, uy tín và đạo đức kinh doanh thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững”, ông Chinh nhấn mạnh.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC): “Lớp doanh nhân trẻ cần có sự định hướng”
Không chỉ nổi bật trong vai bạn đời của doanh nhân Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc còn được giới truyền thông gọi bằng danh hiệu “Nữ hoàng mía đường”. Hơn 35 năm gắn bó với ngành mía đường, bà Ngọc là người có công lớn trong việc đưa TTC từ một cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường có quy mô nhỏ ở Chợ Lớn thành Tập đoàn có tổng tài sản lên đến 23.000 tỷ đồng.
Với hoài bão phát triển thế mạnh của người Việt là nông nghiệp, thế hệ doanh nhân dày dạn kinh nghiệm như ông Thành - bà Ngọc đang từng bước xây dựng thế hệ kế thừa và đầu tư cho doanh nghiệp theo chiều sâu để có đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Cặp vợ chồng doanh nhân này cùng hai người con lớn là Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My đang gắn bó với các hoạt động của TTC. Ức My, cô con gái duy nhất của ông Thành - bà Ngọc, là người có gương mặt giống mẹ và luôn sát cánh với bà tại TTC. Ức My chia sẻ, ngay từ nhỏ, cô đã thích làm nghề “gõ đầu trẻ”, khi học lên cấp 3, cô vẫn nuôi nguyện vọng thi vào sư phạm.
Bà Ngọc không phản đối lựa chọn của con gái nhưng trong suy nghĩ vẫn muốn các con tiếp nối sự nghiệp mà bà và ông Thành đã gầy dựng suốt mấy chục năm qua. Ông bà đã trực tiếp nói chuyện với con gái về điều này.
Theo lời Ức My, ba mẹ cô không gây áp lực nhưng họ chỉ nói rằng, sư phạm là một nghề cao quý, đóng góp nhiều cho xã hội, làm doanh nghiệp cũng thế, cùng với việc tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, vẫn có thể đóng góp cho cộng đồng từ phần lợi nhuận có được. Đây chính là ngọn nguồn để cô quyết định đi theo nghiệp của cha mẹ.
Bà Ngọc cho biết, cả bà và ông Thành đều rất muốn sớm chuyển giao quyền điều hành TTC cho thế hệ kế cận. Đây là điều mà bất kỳ công ty gia đình nào trên thế giới cũng trải qua nhưng cần có thời gian. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, hơn nữa, nếu so với cách đây 35 năm, TTC đã lớn mạnh cả về vốn lẫn quy mô nên lớp trẻ cần thêm thời gian để học hỏi kinh nghiệm điều hành, làm quen với thương trường và trau dồi những kỹ năng ứng xử.
Ngay như Ức My, khi mới gia nhập TTC cũng phải kinh qua nhiều vị trí để hiểu về quy trình, hoạt động của TTC và hòa nhập với đội ngũ nhân sự thuộc nhiều thế hệ tại Công ty. “Ở đây, không riêng gì các thành viên trong gia đình, tôi và anh Thành đang nhắm đến việc đào tạo đội ngũ trẻ có “tâm - tầm - tài” cho TTC. Chúng tôi chọn giải pháp vừa giao quyền nhưng cũng phải kèm cặp vì đây là giai đoạn quan trọng, cần tập trung đẩy mạnh nội lực trước khi Việt Nam gia nhập hoàn toàn vào AFTA”, nữ tướng của TTC bày tỏ.
Thực tế, tại TTC hiện nay, ngoài các con của vợ chồng doanh nhân Thành - Ngọc, người ta có thể nhìn thấy những cái tên nổi bật trong ngành mía đường, như Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC, thuộc TTC), Trần Quế Trang, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của TTC, Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mía đường TTC... Họ là những nhà quản lý trẻ, thuộc thế hệ 7X, 8X, nhưng đã có thời gian dài gắn bó với TTC.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với các nhà quản lý trẻ của TTC, hầu hết họ đều thể hiện niềm đam mê nông nghiệp, dù đó là một kỹ sư trẻ, trực tiếp ra đồng ruộng làm việc với nông dân, hay một nhà quản lý về tài chính, ngồi tại văn phòng.
Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mía đường TTC, vẫn luôn tâm đắc những điều mà ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC, thường nói với nhân viên: “Dù cho nhà máy có hiện đại, dù cánh đồng có bất tận nhưng quản lý yếu kém thì trước sau doanh nghiệp cũng đối diện với thất bại”. Đối với doanh nghiệp, dù quy mô nhỏ hay lớn thì đội ngũ nhân sự vẫn là “linh hồn” và động lực để phát triển.
Còn bà Ngọc, với phong cách giản dị của người Nam bộ, bà là lãnh đạo luôn gần gũi và thân thiện với nông dân. Trong buổi trò chuyện tại văn phòng, bà giở cho chúng tôi xem từng tấm ảnh chụp với nông dân trồng mía, lưu giữ gần 20 năm nay. Bà cho rằng, ngành nghề truyền thống của TTC gắn bó với nông dân, nếu người lãnh đạo không hiểu họ thì khó nói được nhân viên và không “truyền lửa” được cho thế hệ quản lý trẻ.
Theo NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU