Những nghi thức xã giao nhất định phải biết dùng trong các bữa tiệc

15/06/2015 12:06 PM | Sống

Dù là chủ tiệc hay khách mời bạn cũng nên tuân thủ theo một số nghi thức xã giao cần thiết.

Trong cuộc sống hiện đại các nghi thức truyền thống trong các buổi tiệc dần được thay thế bằng những nghi lễ hiện đại và hợp thời thượng hơn. Những lễ tiết cầu kì kiểu hoàng gia đã không còn là điều cấp thiết nữa mà thay vào đó, với nhịp sống hối hả của thời buổi công nghệ con người cần phải làm mới mình để không bị lạc lõng trong những bữa tiệc.

Nhưng dù xã hội đã phát triển lên một tầm cao mới thì những nguyên tắc của chủ và khách vẫn có những điểm khác biệt và cần phải lưu ý. Những điều dưới đây phần nào giúp cho các bạn cảm thấy tự tin hơn khi làm chủ bữa tiệc cũng như khi đóng vai khách mời.

Đối với chủ bữa tiệc

A. Lời mời của chủ tiệc

Người Việt Nam có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” đó chính là quan điểm thể hiện sự quan trọng của lời mời dự tiệc. Vì vậy khi quyết định mời ai đó dự buổi tiệc của mình bạn phải thể hiện một thái độ trân trọng, thân mật nhưng không được quá suồng sã khiến cho người nhận lời mời cảm thấy mình không được tôn trọng.

Trong xã hội hiện đại bạn có thể gửi lời mời qua thư điện tử, hoặc qua điện thoại thay vì nhất thiết phải gặp trực tiếp và đưa giấy mời. Nhưng dù bằng phương tiện nào thì bạn vẫn nên ghi nhớ nguyên tắc chung là phải thể hiện được thái độ trân trọng với người được mời.

Ngoài ra bạn cũng nên để ý cung cấp thời gian, địa điểm nơi diễn ra buổi tiệc và nếu có thể bạn nên gửi cho người được mời một bản chỉ dẫn đường đi đến nơi tổ chức tiệc. Một yếu tố cần lưu ý nữa là bạn nên đưa ra lời mời sớm để khách có thời gian sắp xếp công việc của họ.

Một yếu tố nữa khiến bạn được đánh giá cao khi mời là trên giấy mời bạn nên ghi thêm lời mời người thân của khách vì trên thực tế không phải ai cũng muốn đi dự tiệc một mình.

Nếu bạn là chủ của buổi tiệc điều đầu tiên bạn phải làm là tập hợp danh sách số khách mời và chuẩn bị đồ ăn thức uống để đảm bảo khách của bạn không ra về với cái bụng đói và cổ họng khát cháy. Nếu bạn tổ chức tiệc tại nhà thì có lẽ bạn nên cần một vài sự trợ giúp để đảm bảo giảm thiểu những điều thiếu sót.

B. Chuẩn bị đồ ăn và đồ dùng đi kèm

Nếu bạn dự định tổ chức tiệc Buffet thì nên biết cần nên danh sách món, chuẩn bị đồ dùng cho khách như thế nào là hợp lý. Ví dụ như có món khai vị là súp thì phải chuẩn bị đủ số thìa, và bát nhỏ. Đồ biển thì nên có đồ chấm là gì, nếu là các món salad hay thịt xông khói thì phải dùng đồ nào để khách có thể dùng món một cách dễ dàng…

C. Chuẩn bị đồ uống

Trong bữa tiệc tất nhiên sẽ có nam giới, phụ nữ hay cả trẻ em vậy các đồ uống cũng cần phải phân loại một cách đa dạng. Hãy đặt tất cả các đồ uống tại những nơi dễ quan sát và nếu có thể hãy đánh dấu để khách có thể dễ dàng biết nó là loại đồ uống gì.

Đặc biệt nên để các đồ uống trong tình trạng dễ sử dụng nhất cho khách, đừng để khách phải khó xử khi không biết làm cách nào để mở nắp chai và rót cho mình. Bên cạnh đó mỗi đồ uống thường sử dụng một loại ly thích hơp, như ly uống rượu mạnh, ly rượu vang, cocktail…

D. Chuẩn bị nhà vệ sinh chu đáo

Nhu cầu vệ sinh cá nhân là nhu cầu thiết yếu của con người vì vậy trước các buổi tiệc bạn cần chú ý chuẩn bị đầy đủ vật dụng trong phòng vệ sinh như giấy, nước rửa tay, khăn… Hãy đảm bảo khách của bạn sẽ không phải rơi vào tình trạng khó xử với nhu cầu cá nhân của mình.

E. Nghi thức đón tiếp

Thể hiện người chủ của bữa tiệc với một trang phục phù hợp với tính chất của buổi tiệc, vì bạn sẽ là trung tâm của buổi tiệc nên bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người. Hãy tỏ ra mình là một chủ nhà hiếu khách và tôn trọng họ bắt đầu bằng với lối ăn mặc lịch sự của mình. Bên cạnh đó các khách mời đều muốn gặp mặt chủ tiệc đầu tiên khi họ đến, vì vậy bạn nên chọn cho mình vị trí để có thể quan sát mọi thứ và mọi người khách có thể nhìn thấy bạn.

Trong thời buổi công nghệ điện thoại di động là vật bất ly thân của nhiều người nhưng nếu bạn là chủ của buổi tiệc thì hãy hạn chế sử dụng nó trừ khi có việc khẩn cấp. Và trước khi sử dụng bạn cũng cần phải lịch sự xin phép để mọi người thông cảm.

Nếu bạn tổ chức tiệc Buffet thì vị trí ngồi của khách là không mấy quan trọng nhưng nếu bạn tổ chức tiệc ngồi thì nên lưu ý để đừng cố gắng gán ghép chỗ ngồi của khách mà hãy để họ tự chọn vị trí thoải mái nhất với mình.

Đối với khách mời

Khách mời là một phần không thể thiếu của mọi buổi tiệc và để không mất điểm trong mắt của chủ tiệc và những người khác bạn cũng nên trang bị cho mình những điều quan trọng sau.

A. Khi nhận được lời mời dự tiệc

Đối với người được mời khi nhận được lời mời hãy thể hiện mình là người lịch sự và hiểu biết nguyên tắc xã giao. Hãy đón nhận lời mời với thái độ vui vẻ và trân trọng, không nên có những hành động hay lời nói khiến người đi mời cảm thấy khó chịu.

Khi nhận lời mời bạn hãy xem xét khả năng bạn có thể có mặt hay không càng sớm tốt và thông báo cho chủ bữa tiệc thay vì ỉm đi và không đưa ra phản hồi gì. Bạn sẽ trở thành người bất lịch sự vì hành động như vậy.

B. Chọn người đi cùng

Nếu không có ghi chú đặc biệt trên giấy mời thì thường bạn có thể mang theo một người để cùng tham gia bữa tiệc. Hãy cân nhắc về người đi cùng mình xem người đó có phù hợp với tính chất buổi tiệc hay không. Đừng mang theo những rắc rối và khiến bạn phải lo lắng về vị khách đi kèm này.

C. Chọn trang phục và quà

Trang phục là thể hiện bộ mặt của bạn, với những tiệc ngoài trời thoải mái thì bạn có thể ăn mặc bụi bặm một chút nhưng cũng đừng quá lố lăng hay hở hang quá đà. Còn với những tiệc mang tính trang trọng hơn hãy chọn cho mình bộ vest hay đầm trang nhã và lịch thiệp.

Món quà đi kèm cũng là điều cần thiết nhưng cũng không nên cầu kì quá khiến cho chủ tiệc cảm thấy bối rối, hãy mang đến điều thoải mái nhất cho bữa tiệc như một lẵng hoa, giỏ quả hay đơn giản là một chai rượu.

D. Chọn thời điểm xuất hiện và lưu ý khi nhập tiệc

Bạn không nên đến quá sớm cũng như xuất hiện quá muộn thường là trong khoảng 15 phút trước khi buổi tiệc bắt đầu là tốt nhất. Khoảng thời gian đó để cho chủ tiệc có thể dành thời gian chào hỏi bạn, và bạn cũng có thể làm quen với những khách mời khác để khỏi cảm giác lạc lõng. Nếu bạn có ý giúp đỡ chủ tiệc thì hãy nên bắt đầu với câu nói “Tôi có thể làm gì để giúp đỡ?” thay vì nói “Tôi có thể giúp gì không?”.

Khi nhập tiệc chú ý quan sát hành động của chủ tiệc hay những người xung quanh, đừng tự biến mình thành trò cười trong buổi tiệc. Hãy để điện thoại của mình ở chế độ im lặng để không phá vỡ không khí buổi tiệc. Hãy cố gắng sử dụng đôi tay của mình khéo léo, tránh gây tiếng động mạnh và đặc biệt tránh làm đổ thức ăn hay đồ uống.

Hãy kiềm chế bản thân ở mức vừa phải nếu bạn không muốn mình ở trong trạng thái thiếu tỉnh táo khi kết thúc buổi tiệc. Trước khi ra về bạn đừng quên chào và cảm ơn chủ của bữa tiệc một cách trực tiếp, đừng để lại lời nhắn bằng giấy hay qua tin nhắn điện thoại điều này sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt chủ tiệc.

Trên đây là một số nguyên tắc cần thiết của chủ và khách trong các bữa tiệc bạn có thể tham khảo và hãy rút ra kinh nghiệm cho mình sau mỗi buổi tiệc để tự hoàn thiện bản thân. Nắm rõ những quy tắc sẽ giúp bạn thêm tự tin trong giao tiếp và cách hành xử nó góp phần làm nên nhân cách sống của bạn và phần nào đó giúp đỡ bạn đi đến những thành công và được tôn trọng trong cuộc sống xã hội.

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM