Người có hình thức ưa nhìn dễ được coi là thông minh hơn
Tất cả chúng ta đều mắc một sai lầm mà ít ai chịu thừa nhận: đánh giá người khác dựa vào vẻ bề ngoài của họ.
Và khi các đánh giá này xảy ra trong môi trường công sở và trường học, chúng có thể tạo ra các hiệu ứng rất đáng kể.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng chúng ta có xu hướng đánh giá những người hấp dẫn là thông minh hơn, và điều này có thể ảnh hưởng đến cách đánh giá độ thích hợp của họ cho các nhiệm vụ được giao.
Nghiên cứu này được chủ trì bởi Sean Talamas tại Đại học St Andrews.
Nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành chụp ảnh của các sinh viên và ghép ảnh của họ với điểm số của họ ở trường đại học.
Sau đó, Talamas tạo ra một loạt các gương mặt “được chuẩn hóa” để giúp các bức ảnh trông có vẻ trung tính hơn, ví dụ không có lớp trang điểm hoặc đồ trang sức.
Tiếp đến mức điểm trung bình học lực (GPA) được tính ra cho mỗi bức ảnh.
Những người tham gia hầu hết đều khác nhau về ngành học và số lượng học phần phải hoàn thành theo mỗi năm học. Các số liệu cụ thể là 63 người học Khoa học tự nhiên, 37 người học ngành Nghệ thuật, trong đó 44 người là sinh viên năm đầu hoặc năm thứ 2, 39 người là sinh viên năm thứ 3 hoặc năm thứ 4, và 17 người là học viên sau đại học.
Bốn nhóm người riêng biệt được mời tham gia nghiên cứu để đưa ra mức điểm đánh giá độ hấp dẫn, trí thông minh, tính ngay thẳng, và kết quả học tập cho các bức hình.
Sau đó các nhà nghiên cứu so sánh những điểm số này với điểm GPA.
Và họ nhận thấy những khuôn mặt hấp dẫn hơn thì có nhiều khả năng được đánh giá là thông minh, chính trực và có kết quả học tập tốt.
Tuy nhiên, không hề có mối liên hệ thực tế nào giữa sự hấp dẫn và ‘kết quả học tập thực tế’. Điều này được gọi là ‘hào quang của sự hấp dẫn’.
Trong một thử nghiệm tiếp theo, các nhà nghiên cứu loại bỏ cái gọi là “hào quang” này bằng cách đưa ra mức điểm hấp dẫn như nhau cho mọi khuôn mặt, dựa vào điểm số ở bài thử nghiệm ban đầu và sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh.
Một khi vầng hào quang này đã được loại bỏ, chỉ có điểm số cho “tính chính trực” là yếu tố duy nhất còn tương quan với kết quả học tập thực tế.
Theo các nhà nghiên cứu, ‘Dù cho người ta vẫn khuyên rằng không nên “Trông mặt mà bắt hình dong”, nhưng các chi tiết trên khuôn mặt thường tạo ra các ấn tượng đầu tiên và, đến lượt mình, chúng định hướng quyết định của chúng ta’.
Các tài liệu cũng cho thấy có một số đặc điểm gương mặt giúp chúng ta phán đoán được sức khỏe hoặc trí thông minh của một người, nhưng những đặc điểm đó thường bị che khuất bởi “vầng hào quang hấp dẫn”, nhờ đó các thuộc tính tích cực thường được gán cho những người có vẻ ngoài hấp dẫn.
Như đã dự đoán, có một sự tương quan cao độ giữa nhận định về sự hấp dẫn với nhận định về trí thông minh, sự ngay thẳng và kết quả học tập, và điều này phản ánh rõ sức mạnh của “vầng hào quang hấp dẫn".
Các nhà nghiên cứu còn cho biết kết quả này nhấn mạnh vào hiệu ứng gây sai lạc của sự hấp dẫn lên tính chính xác của ấn tượng ban đầu, và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong môi trường giáo dục và quá trình tuyển dụng.