MACBETH – Quyền lực chết: Bi kịch của lòng tham

13/12/2015 10:47 AM | Sống

Nếu bạn đã từng thổn thức với mối tính ngang trái bi kịch của Romeo và Juliet, đã từng thương cảm số phận của hoàng tử bạc mệnh Hamlet thì bạn không nên bỏ qua bộ phim Macbeth (2015) của đạo diễn Justin Kurzel.

Thông tin bộ phim

Tên phim: Macbeth – Quyền lực chết

Đạo diễn: Justin Kurzel

Biên kịch: Jacob Koskoff, Michael Lesslie

Diễn viên chính: Michael Fassbender, Marion Cotillard, Jack Madigan

Nội dung bộ phim

Bộ phim xoay quanh vết trượt dài của Macbeth, từ một vị tướng tài, kiêu hùng nơi chiến trường vì niềm tin mù quáng và tham vọng quyền lực dần dần rơi vào bi kịch của sự dằn vặt, ăn năn và sợ hãi.

Nếu nhìn vào nội dung giới thiệu mà bạn bỏ qua bộ phim này thì sẽ là một điều hết sức đáng tiếc bởi nội hàm của bộ phim cũng như thông điệp mà nó truyền tải sâu sắc và rất đáng xem.

Đây không phải là lần đầu tiên Macbeth được đưa lên màn ảnh rộng nhưng là lần đầu tiên cốt truyện và thoại được giữ sát đến vậy. Câu chuyện của Macbeth có lịch sử hơn 400 năm trước đã một lần nữa được đạo diễn Justin Kurzel dựng lại đầy ám ảnh.

Bộ phim mở đầu bằng cảnh Macbeth và vợ hỏa táng cho đứa con nhỏ vừa chết vì bệnh dịch. Nam tước Macbeth xứ Glamis (Michael Fassbender) vốn là một vị tướng tài phụng sự Quốc vương Duncan xứ Scotland. Tình cờ ông gặp gỡ 3 nữ phù thủy trong một trận chiến và nhận được lời tiên tri về tương lai trở thành vua của Scotland. Lời tiên tri ma mị đó cộng với những lời xúi giục của người vợ đã châm ngòi cho một tấn bi kịch của Macbeth sau này khi ông không thể thắng được tham vọng về quyền lực để từ một vị tướng trung thành trở thành kẻ phản bội, giết vua và cướp ngai vàng.

Phật đã dạy, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính bản thân mình. Macbeth đã không thể thắng chính mặt u tối trong tâm hồn, để lòng tham che mờ lý trí và rồi những chuỗi ngày sau đó với ông là bi kịch. Về bản chất, Macbeth không xấu. Nếu là người sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích thì ông đã không bị bủa vây trong ác mộng hàng đêm. Thần thái ông không suy sụp, hỉ nộ bất thường, hoang tưởng và điên loạn.

Có thể nói tài tử Michael Fassbender thể hiện xuất thần hình ảnh vị bạo chúa luôn bị nỗi ám ảnh bủa vây đến mất trí. Với lối diễn có chiều sâu, đôi mắt xanh đầy xúc cảm, Fassbender đã làm sống lại nhân vật Macbeth trong kịch của Shakepears không thể xuất sắc hơn. Có thể nói anh sinh ra để hóa thân vào Macbeth.

Nếu nói diễn xuất của Michael Fassbender là xuất sắc thì vai diễn phu nhân Macbeth của Marion Cotillard là hoàn hảo. Cô đã hoàn thành xuất sắc 3 vai trò: một kẻ tham lam bị quyền lực làm mờ mắt, một người vợ thủy chung, một người mẹ đau lòng vì con. Cả Michael Fassbender và Marion Cotillard đã hóa thân thành những nhân vật tham lam mà cũng đáng thương nhất trong kịch của Shakepears một cách chân thực và ám ảnh nhất.

Tuy nhiên, lời thoại kịch được giữ lại hầu như nguyên vẹn khiến cho khán giả, đặc biệt là những người chưa đọc truyện Shakepears khó để cảm nhận được nỗi bi thương của hai nhân vật chính trong phim. Lời thoại dài, mang tính kịch và rất hoa mỹ, đậm chất thơ nhưng lại là một điểm trừ vì trở thành rào cản cảm nhận của khán giả.

Dù là một bộ phim sử thi mang tính bi tráng nhưng lại khá ít phân cảnh về chiến trận. Thay vào đó, thiên nhiên tươi đẹp của xứ Scotland lại được sử dụng như một phông nền tuyệt đẹp, tạo nên sự tương phản rõ nét giữa những mảng màu u tối trong cung điện và sự thanh bình của cuộc sống.

Một điểm cộng khác của bộ phim ngoài diễn xuất tuyệt vời của diễn viên, phong cảnh thiên nhiên đó là phần hậu kỳ với cách cắt và dựng ánh sáng duy mỹ và giàu hình tượng. Nhờ cách dựng đó mà khán giả được chìm đắm trong những khung hình có chiều sâu cùng độ tương phản tuyệt đẹp. Ví như hình ảnh cung điện nắng xuyên qua tranh kính, đan vào nhau như một tấm lưới vây lấy ngai vàng của Macbeth. Lại ví như, hình ảnh chiến trường mờ sương khói, bóng người xa gần như những bóng ma, còn vị tướng kiêu hùng kia thì cô độc vừa gợi liên tưởng vừa đầy ám ảnh người xem.

Một câu chuyện 400 năm tuổi, được chuyển thể tới 12 lần. Những thông tin trên có khiến bạn tự hỏi tại sao Macbeth lại có sức sống đến vậy? Là bởi vì thông điệp nội hàm của cốt truyện. Macbeth và vợ vừa đáng thương vừa đáng trách. Chỉ vì tham vọng chiếm những thứ không thuộc về mình mà trở thành bi kịch. Nội tâm không thanh thản, dù trong đỉnh cao quyền lực, sống trong nhung lụa cũng chỉ là tồn tại mà thôi.

Có thể nói Macbeth trừ phần thoại dài và đòi hòi người xem phải có kiến thức nhất định về kịch Shakepears thì xứng đáng là một kiệt tác điện ảnh vừa đẹp về nội dung, vừa tuyệt vời về hình thức.

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM