Lễ chùa đầu năm - Nét đẹp văn hóa của người Việt xa Tổ quốc
Với đông đảo cộng đồng kiều bào sinh sống, làm ăn ở Vương quốc Anh, Chùa Linh Sơn ở thủ đô London từ lâu đã trở thành một địa chỉ tín ngưỡng thân thuộc để bà con tìm thấy sự bình an trong tâm khảm và hồn khí quê hương.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngôi chùa này lại thêm tấp nập chào đón những người con dù ở xa Tổ quốc vẫn giữ phong tục đi lễ chùa đầu xuân.
Từ 8 giờ tối 30 Tết Ất Mùi, nhiều bà con đã tập trung tại điện chính để chuẩn bị cho khóa lễ sám hối khép lại năm cũ và chào đón năm mới. Ai nấy đều tự động lấy quyển kinh được xếp ở bên cửa vào rồi nhanh chóng ngồi vào hàng để làm lễ.
Nhiều em bé được bố mẹ diện trang phục dân tộc đi lễ chùa. Các em ngồi ngoan ngoãn chăm chú nghe tiếng kinh tiếng mõ. Cũng có cả những cô gái Việt đưa bạn trai hay chồng là người nước ngoài đến lễ chùa để giới thiệu về nét văn hóa dân tộc Việt.
Sống ở Anh nhiều chục năm nay, Phật tử Giác Kim cho biết bà và gia đình vẫn thường xuyên đi lễ chùa và giữ truyền thống ăn Tết cổ truyền. Phật tử tâm sự: "Dù sống xa xứ nhưng mình là người Việt thì vẫn phải giữ truyền thống của quê hương mình. Đó là truyền thống của cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại thì mình phải giữ để các thế hệ tương lai, con cháu biết đến và duy trì. Tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng dù mình sống ở xứ người nhưng không được quên nguồn cội Việt Nam của mình."
Sinh viên Nguyễn Mai Xuyên đang theo học năm thứ nhất Đại học Hertfordshire cho biết đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của em và đến chùa cho em cảm giác bớt nhớ nhà hơn. "Vì ở Anh người ta không tổ chức Tết âm lịch nên em lên đây để có không khí Tết hơn," Mai Xuyên chia sẻ. Em cho biết: "Còn đang đi học nên năm mới em chỉ cầu cho mình học tốt hơn và bố mẹ em thì luôn được mạnh khỏe."
Khóa lễ đón năm mới Ất Mùi ở Chùa Linh Sơn thêm phần rộn ràng trong tiếng pháo giao thừa và màn múa lân truyền thống. Không khí Tết dân tộc lan tỏa từ khói hương trầm thơm ngát tới vẻ xúc động xen lẫn hân hoan của các Phật tử khi được nhận lộc mừng tuổi lấy may từ các vị trụ trì.
Ra về, hầu như ai cũng nhớ mua một lọ muối nhỏ theo đúng truyền thống "Đầu năm mua muối" với ước muốn cuộc sống cả năm được mặn mà, đầm ấm.
Các khóa lễ cầu an còn được tổ chức từ nay cho đến rằm Tháng Giêng để mọi Phật tử gần xa đều có cơ hội đến hành lễ, nguyện cầu cho bản thân và gia đình trong năm mới được mạnh khỏe, bình an.
Sáng 19/2 (mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Mùi), tại chùa Ladakh-BudVihar ở thủ đô New Delhi, đại diện tăng ni sinh và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức lễ cầu an đầu xuân, cầu mong một năm mạnh khỏe, sung túc và mưa thuận gió hòa.
Tham dự buổi lễ có Đại đức Thích Hạnh Chánh, Chủ tịch Ban Đại diện tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ, các tăng ni sinh, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện cùng sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Ấn Độ.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Hạnh Chánh đã đọc thư chúc Tết của Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, đồng thời gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể bà con, Phật tử Việt Nam nhân dịp năm mới Ất Mùi 2015.
Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã chúc các vị tăng ni sinh sức khỏe, an lạc, tu tập tốt và luôn hướng về Tổ quốc. Đại sứ cũng thông báo những thành tựu đất nước đã đạt được trong năm qua, đồng thời bày tỏ hy vọng cộng đồng tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đại đức Thích Hạnh Chánh cho biết các tăng ni sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu về Phật giáo tại Ấn Độ đều có tư chất, đạo đức tốt, luôn hướng về quê hương và mong muốn đóng góp công sức cho sự phát triển đất nước.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Hạnh Chánh cùng các tăng ni sinh, Phật tử và những người tham dự buổi lễ đã tụng kinh, cầu nguyện cho quốc thái, dân an và những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với tất cả mọi người trong Năm mới.
Sau lễ cầu an, các tăng ni sinh tổ chức phát lộc và chúc mừng năm mới những Phật tử tới tham dự buổi lễ trong không khí sắc xuân rộn ràng và đầm ấm.
>> Năm Ất Mùi 2015: Con Dê gần gũi với đời sống người Việt
Theo Đỗ Sinh