Làm công đức có cần khoe khoang?
Chính giữa câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng tại một đình làng ở Hà Nội là dòng chữ quốc ngữ ghi tên nhóm người công đức. “Đấy là sự phô trương”, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói.
Đừng khoe khoang với thần linh
Trong một trao đổi của nhóm Đình làng Việt về những hiện tượng di sản “ngược”, đã có người đề cử một câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng được treo trên cột đình làng Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Trên đó “ngang lưng” câu đối chữ Hán, ở vị trí vừa tầm mắt nhất có hàng chữ quốc ngữ: “Tập thể học sinh tiểu học niên khóa 1957 – 1962 cung tiến”.
Việc cung tiến và ghi danh cung tiến, TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, trước đây cũng có việc cung tiến và người cung tiến cũng được ghi danh. Chẳng hạn, trên câu đối thì có thể ghi tên người cung tiến ở phần lạc khoản (dòng chữ nhỏ để tên họ và ngày, tháng ở trên các bức họa hay các bức đối trướng).
Tuy nhiên, lạc khoản bằng chữ Hán Nôm sẽ hoàn toàn phù hợp với phần câu đối và phần họa về mặt văn tự cũng như tạo hình. “Viết bằng chữ quốc ngữ tên người cung tiến là có ý để ai cũng đọc được. Nhưng nó lại thành khập khiễng về mặt văn tự”, ông Dương nhấn mạnh.
Việc công đức có nhất thiết phải ghi tên vào lư hương?
GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nhận định: “Việc ghi công đức phô trương giờ đã nhiều đến mức thành quen mắt. Rất cần lên tiếng về điều này. Kiểu khoe khoang với thần linh như thế không ổn. Mà trưng ra khác gì quảng cáo!”.
TS Trần Trọng Dương cũng đồng tình với ý kiến của các nhà nghiên cứu. “Giờ là thời buổi thích cái gì cũng to, hoành tráng, việc công đức cần được chứng tỏ cho thiên hạ thấy. Thích phô trương mà. Thậm chí tại Quảng Ninh, gần nơi cụ Trương Hán Siêu đề thơ, có một bức chạm chữ khác của doanh nghiệp than còn to hơn cả thơ của “thần Siêu”, ông Dương cho biết thêm.
Bản thân GS Thịnh cũng không hề phản đối việc ghi công đức của người dân hay các tổ chức. Vị giáo sư này khẳng định, hàng nghìn đình, đền của nước ta là do dân công đức xây lên từ xưa. Khi nghiên cứu phát hiện được bia ghi công đức nhưng thường ở chỗ kín đáo. Hay nói cách khác, cách thức ghi phải có văn hóa, ghi ở chỗ kín đáo.
Việc ghi danh người công đức giờ đã trở nên quá phô trương
Cần phải đưa vào luật?
Không chỉ GS Thịnh, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng từng dở khóc dở cười vì ghi danh công đức.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết, dưới lư hương chùa Cầu Cá (quận Long Biên, Hà Nội) cũng có bia đá khắc tên một loạt phật tử công đức. Lư hương được đặt ngay trước chính điện, khi vào lễ mọi người sẽ đứng thắp hương cúi lạy tên cả nhà những phật tử này trước khi vào lễ Phật. “Thật là không thể hiểu nổi. Khác gì thắp hương người sống”, ông Bình cho hay.
Nhưng điều đáng nói là nếu ở các di tích đã xếp hạng, người ta có thể căn cứ vào Luật Di sản để rà soát các hiện vật đưa vào di tích thì ở các di tích chưa xếp hạng, việc này luật lại chưa quy định. Hơn nữa, cũng chưa có quy định cụ thể về việc hiện vật công đức phải ra sao, việc ghi danh như thế nào.
Chính vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, chỉ có thể vận động để người dân hiểu rõ hơn về việc cung tiến, ghi danh thế nào mà thôi. “Đấy là vấn đề dường như chưa có quy định chuẩn, nên khó có thể nói là sai luật được. Nhưng mình cung tiến cũng là lòng thành, đừng để chuyện cung tiến rồi bị đánh giá thấp văn hóa của chính mình”, một nhà nghiên cứu nói.