Dạy con kiểu Việt Nam: hoạt bát, lễ phép đã là đủ?
Hôm rồi ở Paris, đến thăm nhà một người bạn, thấy cậu bé nhà ấy ăn nói lanh lẹ, chào hỏi lễ phép, tôi thích quá. Trẻ con cỡ tuổi tiểu học mà nói năng hoạt bát như vậy không nhiều. Nhưng câu chuyện của mẹ cậu kể với nỗi lo, làm tôi nhiều suy ngẫm.
Cậu bé đến trường lần đầu khi đã 5 tuổi. Trong mấy năm đầu, lời phê của giáo viên đều nhấn mạnh cậu không thân thiện, đối xử với các bạn gái cộc cằn, thiếu lịch sự.
Cả gia đình cứ bò ra cười vì lời phê ấy là "chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ” và không chú ý lắm. Nhưng cuối cùng vào năm lớp 2, giáo viên đã đề nghị gặp phụ huynh.
Thì ra ở lớp cậu vẫn hành xử kiểu giật tóc bạn, không biết nhường lối đi cho bạn gái, không hỏi thăm sức khỏe các giáo viên, và hàng trăm vấn đề cần rèn luyện để trở thành một người bình thường. Chỉ là tiêu chí người bình thường, không phải thần đồng nhưng vẫn quan trọng đối với một nền giáo dục Pháp.
Bạn tôi lúc ấy mới thấy lo. Là nỗi lo sợ con không hòa nhập được trong môi trường lớp học. Nhưng suy nghĩ thật kỹ, chị mới nhận ra rằng, lâu nay đã phó mặc con cho nhà trường giáo dục, mà quên bổn phận giáo dục từ gia đình mới là nền tảng quan trọng để tiếp thu kiến thức của xã hội.
Trong gia đình, mọi người cũng chỉ bảo ban lễ phép chào hỏi, kính hiếu kiểu truyền thống Việt Nam, và thấy yên tâm khi cháu biết thực hiện đúng như vậy. Nhưng hóa ra chưa đủ.
Những biểu hiện rất bình thường của một đứa trẻ theo lối giáo dục gia đình Việt vẫn là rất thiếu so với một xã hội phương Tây có kỷ luật, để trong cuộc sống sinh hoạt có cường độ cao, mọi hành xử không bị rối loạn, không thiếu tính nhân văn, giữ gìn được tình cảm con người mà công việc hiệu quả.
Con của chị ở trong nhà chưa biết tự chăm sóc bản thân, đòi bố mẹ mua chim kiểng nhưng lại không tập thói quen chăm sóc vật nuôi. Ngay truyền thống tôn trọng phụ nữ phải được rèn luyện từ nhỏ, từ biết nhặt giúp bạn một cuốn vở đến nhường bạn trong lúc xếp hàng, lấy thức ăn hay mở cửa.
Những giờ học thủ công ở tiểu học của Pháp thường kết hợp giữa thực hành vọc đất trong lớp và tham quan bảo tàng gốm sứ dân gian. Dù không bắt buộc, nhưng các bậc cha mẹ Pháp đều biết cần đưa con đến các bảo tàng chuyên đề để củng cố kiến thức khô cứng của lớp học, tạo cho con có kiến thức, biết yêu văn hóa nghệ thuật và có vốn hiểu biết nền tảng.
Rèn con từ thuở còn thơ mới mong tạo ra một con người thích ứng tốt trong xã hội nhiều áp lực. Các phương pháp tư duy logic nhận thức xã hội đều dạy từ các bậc học thấp nhất, phát triển dần lên các bậc học cao hơn, để tốt nghiệp phổ thông đã trưởng thành về mặt tư duy, sẵn sàng cho việc học tiếp một nghề nghiệp sẽ theo đuổi trong đời.
Tôi bỗng nhớ những bà mẹ vui sướng vì đứa con trai lớn ngồng của mình ra nước ngoài một, hai năm trở về biết giúp mẹ cầm cái túi xách nặng, biết mở cửa nhường đường và cho rằng mọi điều tốt đẹp của một nền văn hóa tiên tiến đã ngấm.
Nhưng cuộc trải nghiệm về các bậc tiểu học ở Pháp đã cho tôi thấy, như trường hợp cụ thể con trai bạn tôi giáo dục trong gia đình hoàn toàn theo lối Việt để lại nhiều lỗ hổng nhằm hoàn thiện con người. Điều quan trọng thứ hai là rèn luyện khả năng tư duy phải từ nhỏ, nếu đã kết thúc bậc phổ thông rồi thì rất khó bắt đầu.
Chính những lỗ hổng đó làm phần lớn du học sinh Việt khi ra nước ngoài không hòa nhập được với sinh viên quốc tế. Có em than phiền sau 5 năm đại học ở Anh, em vẫn không hề có một người thân thiết người bản xứ. Điều đó là một áp lực khi một mình sống và học hành ở xứ người.
Tôi biết GS. Hồ Ngọc Đại, người đã bỏ 40 năm để nghiên cứu và chờ đợi Bộ Giáo dục - Đào tạo áp dụng công nghệ giáo dục đối với bậc tiểu học. Đó là tổ chức giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm. Giáo viên thiết kế, học sinh thi công, thầy tổ chức, trò hoạt động thay cho giáo viên giảng giải, học sinh nhắc lại.
Phương pháp giáo dục là phương pháp để trẻ em chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh đối tượng khoa học, đi lại con đường nhà bác học đã đi, người nghệ sĩ đã đi, không buộc trẻ tiếp nhận chân lý có sẵn. Công nghệ này muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thầy đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu.
Vâng, có niềm hy vọng nào không khi con em chúng ta luyện giải bài mẫu suốt 12 năm rồi bỗng nhiên thay đổi phương pháp tư duy hoàn toàn khi ra nước ngoài học tập?
>> Dạy con như giáo sư Ngô Bảo Châu
Theo ĐOÀN HỒNG LÊ