5 bí mật ít người biết về các Em bé Hoàng gia Anh
Hoàng tử William là người thừa kế ngai vàng đầu tiên được sinh ra trong bệnh viện vào năm 1982. Em bé Hoàng gia - con trai của William và Kate, cũng vừa mới chào đời tại chính bệnh viện đó.
Người dân xứ sở sương mù đang hân hoan ăn mừng và đón chào 'Hoàng tử nhỏ' vừa mới chào đời của Hoàng gia ngay bên ngoài điện Buckingham và trên khắp cả nước.
Hoàng gia Anh cho biết, cậu bé Hoàng gia đã chào đời lúc 16h24 giờ Anh (15h24 GMT), nặng 3,8 kg. Cả Công nương Kate và cậu bé đều trong tình trạng sức khỏe tốt.
Sự ra đời của những em bé Hoàng gia của nước Anh chứa đựng một số bí mật mà không phải ai cũng biết đến.
Một bộ trưởng sẽ có mặt tại nơi em bé Hoàng gia được sinh ra để chắc chắn em bé không bị chuyển đi
Việc này được cho là bắt đầu từ năm 1688, khi có hàng chục quan chức theo dõi phu nhân của Hoàng tử Jame II là Công nương Mary of Modena sinh hạ một bé trai, nhằm đập tan tin đồn về việc Mary không hề mang thai và em bé được lén đặt vào giường trong phòng hộ sinh.
Truyền thống này đã tiếp tục được duy trì trong thế kỷ 20. Sự ra đời của các thành viên Hoàng gia đều được chứng kiến bởi một bộ trưởng. Những em bé Hoàng gia cuối cùng được áp dụng truyền thống này là Công chúa Alexandra sinh năm 1936, em họ của Nữ hoàng Elizabeth II, và thực tế chỉ chính thức dừng lại ngay trước khi Hoàng tử Charles ra đời năm 1948.
Những người chồng Hoàng gia không phải lúc nào cũng chứng kiến việc con cái họ ra đời
Nữ hoàng Elizabeth II đã không phải chịu sự giám sát của vị bộ trưởng nào khi sinh con, nhưng bà lại không có chồng ở bên hỗ trợ vào thời điểm vượt cạn đầy khó khăn.
Khi bà sinh hạ Hoàng tử Charles thì chồng bà là Hoàng tử Philip, Công tước xứ Edinburgh đang bận... chơi bóng quần.
Tuy nhiên, khi Công nương Diana sinh hạ Hoàng tử William, chồng của Diana là Hoàng tử Charles đã có mặt ở bên bà.
Vào những ngày tháng 7/2013 khi Công nương Kate cận kề thời điểm lâm bồn, nhiều thông tin lo ngại rằng Hoàng tử William sẽ không kịp có mặt đúng giờ nếu anh đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, Hoàng tử William đã được nghỉ 2 tuần và tạm dừng công việc tìm kiếm và cứu hộ trên máy bay, để hỗ trợ Kate đón chào đứa con đầu lòng của cả hai.
Nữ hoàng Victoria là người đầu tiên trong Hoàng gia Anh sử dụng thuốc gây mê khi sinh con
Nữ hoàng Victoria là mẹ của 9 người con. Bà đã bắt đầu sử dụng thuốc giảm đau khi sinh 2 người con út là Hoàng tử Leopord (sinh năm 1853) và Công chúa Beatrice (sinh năm 1857).
Quyết định lựa chọn thuốc gây mê của Nữ hoàng đã giúp phổ biến rộng rãi việc dùng thuốc giảm đau như một công việc phải thực hiện trong quá trình hộ sinh.
Hoàng tử William là người kế vị đầu tiên được sinh ra trong bệnh viện
Hoàng tử William được sinh ra tại Bệnh viện St Mary, Paddington, London, vào ngày 21-6-1982. Hai năm sau, em trai của William, hoàng tử Harry cũng được sinh ra tại chính bệnh viện này.
Cậu bé Hoàng gia, con trai của Hoàng tử William cũng vừa chào đời tại chính bệnh viện này.
Tưởng chừng như đây là cách ra đời thông thường của tất cả các em bé, nhưng thực tế thì việc William ra đời tại bệnh viện là một tiền lệ chưa từng có trong truyền thống Hoàng gia Anh. Trước đó, tất cả những người thừa kế ngai vàng đều được sinh ra tại nhà (hoặc ít nhất là tại nhà một người thuộc Hoàng gia).
Hoàng tử Charles được sinh ra tại Cung điện Buckingham, Nữ hoàng Elizabeth II được sinh ra ở nhà Mayfair của ông nội bà vào năm 1926 - mặc dù thời điểm đó bà không được kì vọng sẽ trở thành nữ hoàng, bởi vì người bác của Elizabeth được chọn là người kế vị ngai vàng chứ không phải bố của bà.
Tên gọi của em bé Hoàng gia không có họ
Các thành viên của Hoàng gia Anh vốn nổi tiếng với việc có quá nhiều tên, ví như Hoàng tử William có tên thánh là William Arthur Philip Louis, cha của anh là Charles Philip Arthur George. Tuy nhiên lại có rất nhiều những người trong Hoàng thân lại không có họ.
Hoàng tử William và Hoàng tử Harry thường dùng xuất thân ở xứ 'Wales' để làm tên gọi khi ở trường và trong sự nghiệp quân sự của họ (Prince William of Wales, Prince Harry of Wales). Tên gọi đó cũng được thừa hưởng từ tên gọi chính thức người cha Charles đã sử dụng là Prince of Wales (Hoàng tử xứ Wales). William và Kate có thể sẽ tiếp tục sử dụng cái tên này để đặt cho con trai mới chào đời của họ.
Các con cháu của Nữ hoàng Elizabeth II và Công tước xứ Edinburgh cũng sử dụng 'Windsor' hay 'Mountbatten-Windsor' vào tên gọi - cả hai tên gọi này đều mới được nghĩ ra và được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới I để che giấu gốc gác Đức của gia đình này.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ Hoàng gia có thể lựa chọn tên gọi riêng cho triều đại của mình, ví như cách dùng 'Cambridge' làm họ.
Thùy Phương
Theo CNN/WSJ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!