Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước

19/07/2023 09:40 AM | Kinh tế vĩ mô

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, với chiều dài 586 km. Sông có lưu vực gồm 10 tỉnh, với diện tích chỉ chiếm 11% nhưng lại đóng góp khoảng 30% GDP.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 1.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 2.

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên LangBiang (Lâm Đồng) và đổ ra biển ở cửa Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP. HCM). Đây là con sông nội địa dài nhất Việt Nam và có lưu vực lớn thứ ba cả nước (36.350 km2; sau sông Cửu Long, sông Hồng) bao gồm 10 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TP. HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Đắk Nông, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đa Hoai và sông Vàm Cỏ. Hai phân lưu chính của sông Đồng Nai là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 3.

Theo Bộ Tài Nguyên & Môi trường, lưu vực sông Đồng Nai chỉ có 4,2% lượng nước của Việt Nam, chiếm 11% diện tích đất nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP. Trong đó có khoảng hơn 63% GDP công nghiệp, 41% GDP dịch vụ và 28% GDP nông nghiệp của cả nước. Riêng các địa phương TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương lần lượt xếp vị trí thứ nhất, 3, 5 và 6 trong top các địa phương thu ngân sách nhiều nhất năm 2022. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp nước ngọt cho khoảng 20 triệu dân trong lưu vực, đóng vai trò cốt yếu đối với công - nông nghiệp, hàng hải và du lịch sinh thái của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 4.

Sông Đồng Nai có hơn 200 km chảy qua tỉnh cùng tên, nhiều nhất trong 10 tỉnh thuộc lưu vực. Lợi thế này giúp tỉnh Đồng Nai phát huy hiệu quả thế mạnh công - nông nghiệp cũng như du lịch - dịch vụ. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 63.000 tỷ đồng. Riêng GRDP ước đạt gần 234.000 tỷ đồng, tăng 9,22/% so với cùng kỳ; đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 trên cả nước.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 5.

Đây là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với 31 khu công nghiệp đang hoạt động và mức độ đô thị hoá cao nên nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp rất lớn. Sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước chính cho phát triển công nghiệp và dân sinh của tỉnh với khoảng trên 139.000 m3/ngày đêm. Trong tương lai, tỉnh sẽ mở rộng, thành lập nhiều khu công nghiệp. Cùng với đó, khi sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động, thì nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ tăng thêm hơn 180.000 m3/ngày đêm.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai cũng đã giúp tỉnh hình thành các vùng chuyên canh, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ điện và du lịch sinh thái. Trong ảnh là vườn quốc gia Nam Cát Tiên nằm trên địa bàn ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, với diện tích 720 km2. Đây cũng nơi cư ngụ của hơn 40 loài nằm trong Sách đỏ thế giới, trong đó đặc biệt nhất là loài tê giác một sừng.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 7.

Với tiềm năng thủy điện, trên sông Đồng Nai đã có hơn 10 công trình được vận hành. Nổi bật là Nhà máy thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) - nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở phía Nam sau ngày thống nhất đất nước. Mỗi năm, thủy điện Trị An cung cấp cho điện lưới quốc gia 1,7 tỷ KWh, đảm bảo lượng nước tưới tiêu cho khu vực, điều tiết lũ, phát triển giao thông vận tải. Ngoài ra, hồ Trị An còn là địa điểm du lịch được nhiều người yêu thích. Đặc biệt là khu vực hạ hồ. Trong mùa khô nước rút, nơi đây có những bãi cỏ xanh mướt; đất sỏi nhỏ, êm mịn.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 8.

Ngoài ra, một trong những phụ lưu quan trọng của sông Đồng Nai là sông Sài Gòn có chiều dài 256 km, đoạn chảy qua TP. HCM là 80 km. TP. HCM đã khai thác tiềm năng của con sông Sài Gòn, trở thành cực phát triển năng động bậc nhất cả nước, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của 8,9 triệu dân. Năm 2022, thu ngân sách của TP. HCM đạt 471.562 tỷ đồng, vượt kế hoạch gần 85.000 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ. GRDP của thành phố đạt khoảng 1,48 triệu tỷ đồng (theo giá hiện hành).

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 9.

Con sông đóng vai trò là dòng sông di sản, văn hóa-lịch sử, phục vụ đời sống, giao thông và kinh tế TP. HCM. Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. HCM cũng đã xác định được bảy khu vực (nằm ở TP Thủ Đức, các quận 1, 4, 12, 7, Bình Thạnh và huyện Củ Chi) có thể phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn. Hiện trên toàn tuyến sông có khoảng 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp với thương mại - dịch vụ, khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích khoảng 4,54 km2. Trong ảnh là khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng diện tích 6,57 km2, toạ lạc bên bờ sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP Thủ Đức.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 10.

Mặt khác, huyện Cần Giờ (TP. HCM) là điểm cuối của hệ thống sông Đồng Nai đổ ra biển Đông. Với nhiều sông rạch, rừng ngập mặn, nơi đây hội tụ nhiều lợi thế để phát triển đô thị biển tầm cỡ khu vực. Nơi đây được phê duyệt dự án khu đô thị lấn biển với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ, cảng trung chuyển quốc tế có tổng vốn hơn 5,4 tỷ USD và cầu vượt sông Soài Rạp, tổng vốn 10.000 tỷ đồng.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 11.

Ngoài ra, đầu năm 2022, UBND TPHCM phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế, dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045”. Mục tiêu là từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Công viên Mê Linh và bến Bạch Đằng khánh thành ngày 17/3/2022 là một trong những bước đầu tiên và cũng là tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ khu vực ven sông Sài Gòn của đề án.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 12.

Với đặc trưng là một đô thị cảng sông, TP. HCM đẩy mạnh phát triển hạ tầng - giao thông, kinh tế đường thuỷ. Thành phố hiện có 43 bến cảng, chiếm gần 15% tổng số bến cảng ở Việt Nam. Đây là những cửa ngõ giao thương hàng hóa quan trọng, động lực phát triển kinh tế biển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, TP. HCM có nhiều tuyến đường thuỷ nằm ngay trung tâm, thuận lợi trong việc vận tải hành khách kết hợp du lịch trên tuyến sông Sài Gòn và các hệ thống kênh, rạch nội đô.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 13.

Đối với Bình Dương, nơi đây cũng được bao bọc bởi hệ thống sông Đồng Nai và hai phụ lưu là sông Sài Gòn và sông Bé. Năm 2022, thu ngân sách của tỉnh ước đạt gần 62.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Cùng với việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung một số đô thị lấy sông Sài Gòn làm mặt tiền, tỉnh Bình Dương chú trọng tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn qua TP Thủ Dầu Một nhằm thêm không gian phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Trong ảnh là chợ Thủ Dầu Một nằm sát sông Sài Gòn, có tuổi đời gần một thế kỷ, là trung tâm thương mại tiêu biểu của Bình Dương.

Sông nội địa dài nhất Việt Nam, có lưu vực đóng góp 1/3 GDP cả nước - Ảnh 14.

Ngoài ra, Bình Dương cũng đầu tư các cảng sông lớn nhằm kết nối các khu công nghiệp và hình thành mạng lưới logistics liên vùng. Trong đó, cảng sông An Tây vừa được phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Dự án nằm giáp sông Sài Gòn, trên khu đất 1 km2 phía nam xã An Tây, thị xã Bến Cát. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.279 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027. Công trình giúp kết nối thuận lợi với cảng Cát Lái (TP. HCM) nằm trên sông Đồng Nai, tạo ra hệ thống logistics khép kín, giúp giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ.

Theo Phùng Tiên

Cùng chuyên mục
XEM