SoftBank, Tencent mạnh tay thoái vốn tại nhiều công ty công nghệ châu Á
Sau đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều tập đoàn lớn, trong đó có SoftBank và Tencent, cũng đang có động thái tương tự.
Một số tập đoàn có tầm ảnh hưởng nhất nhì thế giới đang bán tháo cổ phần công nghệ châu Á sau nhiều năm sở hữu - hệ lụy từ những gì đã xảy ra trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Trong những tháng gần đây, tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bán bớt cổ phần tại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và công ty thanh toán di động Paytm Ấn Độ. Berkshire Hathaway thuộc sở hữu của Warren Buffett cũng giảm tỷ lệ nắm giữ tại BYD - hãng xe điện may mắn được để tâm hồi năm 2008. Tencent, sau nhiều năm tích lũy cổ phần tại hàng trăm công ty công nghệ, cũng đang dần thoái hàng tỷ USD tại các công ty niêm yết. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Tencent, Prosus NV, thì cắt giảm phần lớn cổ phần tại một công ty trò chơi và truyền thông xã hội Trung Quốc, theo WSJ.
“Có cảm giác như những người tài ba nhất đang rời đi”, Jon Withaar, đại diện Pictet Asset Management, cho biết.
Theo các chuyên gia, bản thân các tập đoàn khả năng cao đang phải đối mặt với áp lực lớn từ phía cổ đông trong việc cải thiện lợi nhuận. Rút tiền mặt từ các khoản đầu tư dài hạn đồng nghĩa với việc họ đang giải phóng ngân sách hiệu quả và cứu vãn các khoản đầu tư thua lỗ. Sau khi SoftBank mất khoảng 23 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, Giám đốc điều hành Masayoshi Son cho biết ông đã “hơi lơ là” trong quá trình đầu tư. Vị tỷ phú sau đó đã quyết định thoái 22 tỷ USD vốn tại Alibaba, trong bối cảnh doanh số yếu kém phản ánh rõ triển vọng dài hạn đối với các công ty công nghệ.
Theo Kerry Goh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Kamet Capital Partners hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, “triển vọng tăng trưởng toàn ngành không còn tốt như vài năm trước”. Ông cho biết các công ty Internet Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt cùng giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chống độc quyền. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tìm cách tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận một cách tự nhiên thay vì nhờ các thương vụ mua bán như trước.
Được biết Tencent đã bán 3 tỷ USD cổ phần tại Sea trong năm nay, sau đó tuyên bố thoái tiếp 23,2 tỷ USD cổ phần tại công ty giao đồ ăn Meituan, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc mạnh tay siết chặt lĩnh vực công nghệ. Theo John Choi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ Trung Quốc tại Daiwa Capital Markets, động thái thoái vốn của Tencent có nhiều ẩn ý.
“Những lo ngại về chống độc quyền có thể là một trong những yếu tố chính, song không phải duy nhất bởi Tencent cũng phải xem xét các điều kiện thị trường hiện tại và hồ sơ hoàn vốn đầu tư”, ông Choi nói.
Theo Steve Chow, nhà phân tích tại Ngân hàng Nông nghiệp Quốc tế Trung Quốc, các nhà đầu tư hiện đã chuyển sự chú ý sang một các công ty có triển vọng khác, chẳng hạn như Kuaishou Technology và Pinduoduo.
James Mitchell, Giám đốc chiến lược của Tencent, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tháng 11 rằng khi phân phối cổ phần cho các nhà đầu tư, Tencent sẽ xem xét vị thế công ty, sức khỏe ngành và lợi nhuận có thể nhận. Được biết tỷ lệ hoàn vốn nội bộ của Tencent tại Meituan rơi vào khoảng 30%.
SoftBank là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới khi nắm giữ cổ phần tại rất nhiều công ty công nghệ, chẳng hạn như GoTo Group hay Delhivery. Hồi năm 2000, tập đoàn này cũng đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba để đổi lấy số cổ phần trị giá 200 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao. Đây được cho là một trong những khoản đầu tư thành công nhất mọi thời đại, song SoftBank thời gian gần đây đã buộc phải cắt giảm vị thế tại Alibaba và san sẻ đầu tư vào những công ty khác. Được biết, SoftBank ghi nhận khoản lỗ hơn 6 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù SoftBank và Tencent là 2 trong số những cái tên nổi bật nhất đang được các nhà đầu tư theo dõi, thị trường trong năm tới vẫn sẽ có những tập đoàn tiềm năng khác, chẳng hạn như Ant. Các quỹ như Sequoia Capital và Tiger Global Management LLC cũng đặt cược lớn vào công nghệ châu Á.
Theo đại diện phát ngôn Prosus, việc Tencent bán cổ phiếu không ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của họ đối với triển vọng tại Trung Quốc. “Chúng tôi rất tin tưởng vào Tencent và lạc quan vào triển vọng của nó,” ông nói.
Ấn Độ là một trong những thị trường bị thoái vốn nhiều nhất, do phần lớn các thỏa thuận sẽ hết hạn trong năm nay. SoftBank huy động được 200 triệu USD sau khi bán một ít cổ phần tại công ty thanh toán di động Paytm, trong khi công ty công nghệ tài chính Ant của Trung Quốc và công ty gọi xe Uber đều đã bán cổ phần tại công ty giao đồ ăn Zomato.
“Thị trường năm nay rất biến động. Nhiều người vẫn có quan điểm lạc quan và tăng trưởng khác nhau cho năm tới. Bất kể như thế nào, nếu bạn là một nhà đầu tư nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu trong phạm vi hàng tỷ USD, bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro”, James Wang, Giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á tại Goldman Sachs, cho biết.
Cũng theo ông Wang, các giao dịch theo khối, đợt chào bán tiếp theo và phát hành trái phiếu chuyển đổi có thể tăng trong quý I/2023. Điều này được kỳ vọng sẽ có thể tạo cơ sở nối lại các đợt IPO vào cuối quý II năm sau - một thông tin tích cực cho các chủ ngân hàng.
Theo: WSJ