SoftBank ‘ăn’ cả thế giới thế nào? Kỳ 1: Những gì Masayoshi Son nhìn ra từ 10 năm trước thì giờ đây mọi người mới thấy

25/02/2019 10:08 AM |

Năm 2010, CEO SoftBank Group Masayoshi Son đã tiết lộ tầm nhìn tương lai 300 năm của mình. Vision Fund, Quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD của tập đoàn này trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất lịch sử.

Được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son, Quỹ Vision của SoftBank hiện đang nắm giữ mảng công nghệ thế mạnh tại nhiều công ty công ty toàn cầu. SoftBank có phải là ngân hàng? SoftBank lựa chọn đối tác đầu tư ra sao? Ông chủ SoftBank đi gọi vốn như thế nào và tầm nhìn thay đổi thế giới của ông. Đây là câu chuyện về những gì đang diễn ra.


Vào sáng ngày 20/07/2017, tại khách sạn Prince Park Tower sang trọng bậc nhất Tokyo, Masayoshi Son nhỏ bé nổi bật trước hội trường chật cứng. Như một thói quen Son, CEO của Softbank, tập đoàn công nghệ, năng lượng và tài chính Nhật Bản ăn mặc giản dị với áo sơ mi sọc cùng vest xám. Ông mỉm cười và giới thiệu về mình bằng tiếng Nhật.

Son là người nổi tiếng với những bài phát biểu dài và phi thường của mình. Vào năm 2010, bài phát biểu về "Kế hoạch 300 năm cho tương lai" đã mở ra cho người nghe sự suy tư về bản chất của nỗi buồn khi Son hỏi một cách khoa trương: "Đâu là điều buồn nhất trong cuộc sống? Điều gì mang lại cho bạn niềm hạnh phúc tột cùng?". Vào năm 2016, ông đã đánh đồng Internet Vạn vật (IoT) với sự bùng nổ của kỷ Cambri, so sánh lợi thế tiến hóa giữa loài đầu tiên có mắt với sự kết hợp giữa cảm biến và AI của Internet Vạn vật.

Phát biểu trước hàng trăm doanh nhân và các nhà công nghệ, ông so sánh SoftBank như "quý tộc nhỏ" của Cách mạng Công nghiệp, tầng lớp có đặc quyền đầu tư vào công nghệ và khoa học vì lợi ích chung. Hai tháng trước đó thì Son cho ra mắt Quỹ đầu tư Công nghệ lớn nhất trong lịch sử, Vision Fund trị giá 100 tỷ USD. Ông nói rằng: "Tôi thực sự không muốn đi ngủ. Tôi không muốn lãng phí thời gian nữa. Đây là khoảng thời gian rất thú vị."

Rất nhiều CEO trong hội trường ngày ấy được nhận đầu tư từ Quỹ. Chẳng có trường hợp ngoại lệ, tất cả đều từng gặp riêng Son, ở văn phòng tại Shiodome, Tokyo hoặc tại căn biệt thự 117,5 triệu USD của ông ở Woodside, California, Mỹ. Nhà đầu tư huyền thoại này, được nhiều người gọi thân mật là Masa, có giọng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, tầm nhìn xa trông rộng về tương lai. Danh tiếng của ngài đã được chứng minh với những thành tích đã có.

"Hãy cùng tôi thay đổi thế giới, chúng ta sẽ là những người chủ lực của thế hệ mới này".

Vào những năm 1970, Son di cư sang Mỹ du học. Vào thời điểm đó, ông chỉ có vốn tiếng Anh ít ỏi. Ông kiếm 1 triệu USD đầu tiên của mình bằng việc nhập khẩu các trò chơi arcade từ Nhật Bản như Space Invaders. Vào năm 1996, Son chính là người đầu tư cho Jerry Yang, CEO của startup non trẻ thời bấy giờ Yahoo! khoản tiền 100 triệu USD. Nhìn nhận của Son đã được đền đáp khi vào năm 2000, Yahoo! đã trở thành công cụ tìm kiếm thống trị trong kỷ nguyên đầu của Internet.

Đó cũng là năm mà Son gặp người giáo viên trẻ Trung Quốc, nhà sáng lập hãng Thương mại điện tử có tên Alibaba. Ông thuyết phục Jack Ma chấp nhận khoản đầu tư 20 triệu USD với lời hứa sẽ giúp Alibaba trở thành Yahoo! tiếp theo. Ngày nay, khi Son có những khoản đầu tư mới, ông thường nói với các nhà sáng lập rằng: Họ cũng có thể thành công như Alibaba, họ cũng có thể trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới.

Eugene Izhikevich, CEO của Startup về AI Brain nói: "Vào năm 2000, ông ấy đã biết rằng Trung Quốc sẽ lớn mạnh nên đã quyết định đầu tư. Sau khi bong bong dotcom sụp đổ, ông ấy đã đầu tư vào Trung Quốc rồi. Khi bạn còn phải lái xe trên con đường đất giữa Hong Kong và Thâm Quyến thì ông ấy đã nhìn trước được mọi thứ trước khi chúng trở thành hiện thực. Những gì ông ấy đã nhìn ra 10 năm trước thì mọi người giờ đây mới nhìn thấy."

Tại sự kiện ở Tokyo, Son đã giới thiệu các CEO lên sân khấu. Đầu tiên, ông giới thiệu nhà sáng lập công ty chế tạo robot Boston Dynamics, Marc Raibert. Raibert là người mong muốn thay đổi thế giới bằng việc chế tạo robot có khả năng cơ học vượt trội so với con người. (Softbank đã mua lại công ty này từ Alphabet nhưng không tiết lộ giá trị hợp đồng). Raibert mang theo cùng anh chú robot 4 chân Spot Mini ngay lập tức thể hiện kỹ năng vận động của mình. Raibert khẳng định niềm tin rằng "robot sẽ sớm lớn mạnh hơn Internet" và cảm ơn SoftBank đã hỗ trợ mình. Son cũng đáp lại: "Chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi thế giới. Chúng ta sẽ tích hợp nhiều công nghệ AI vào robot."

SoftBank ‘ăn’ cả thế giới thế nào? Kỳ 1: Những gì Masayoshi Son nhìn ra từ 10 năm trước thì giờ đây mọi người mới thấy - Ảnh 3.

Tiếp theo là Greg Wyler, nhà sáng lập của OneWeb. Wyler đã chỉ ra rằng khi nói về viễn cảnh tương lai siêu kết nối thì trên thế giới hiện nay vẫn có đến 54% chưa tiếp cận được với Internet. Ông đã trình bày về kế hoạch triển khai 900 trạm phát sóng phi chính phủ nhằm đảm bảo các khu vực hẻo lánh nhất trên thế giới cũng có thể truy cập Internet vào năm 2027. Kết thúc thì Wyler cũng cảm ơn SoftBank đã hỗ trợ, còn Son thì cho rằng: "Chúng ta đang cùng nhau thay đổi thế giới. Chúng ta đang kết nối mọi người cùng vào Internet.

Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu, kết nối tốc độ cao và robot tự động đều là chủ đề chung của các diễn giả ngày hôm đó. Đó là Helmy Eltoukhy, GĐ Điều hành của Guardant Health muốn điều trị ung thư nhờ dữ liệu. Đó là Matt Barnard, nhà sáng lập của nông trại trong nhà Plenty muốn sử dụng machine learning để trồng cây trong điều kiện tối ưu hóa. Đó cũng là Bill Huang, doanh nhân đứng sau startup Cloud Mind muốn chế tạo robot trên nền tảng đám mây đầu tiên.

Trước cuộc trò chuyện cuối cùng, Son đã lên sân khấu và hồi tưởng: "Khi tôi mới chỉ là chàng trai 17 tuổi, lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh của một bộ vi xử lý tôi đã bật khóc. Tôi đã bị choáng ngợp". Sau đó ông đã giới thiệu CEO của hãng thiết kế chip của Anh Arm Holdings, Simon Segars. Segars bắt đầu: "Bộ xử lý đầu tiên của chúng tôi có kích thước bằng cái nút áo. Giờ đây thì chúng tôi đã có thể cung cấp bộ xử lý với tốc độ cao hơn ngàn lần chỉ với con chip có kích thước bằng đầu kim."

Bộ vi xử lý của Arm hiện đang được ứng dụng trong phẫu thuật robot, xe tự lái và camera thông minh. Nhưng tương lai của AI sẽ không thể thực tế nếu như tất cả dữ liệu đều phải gửi lên đám mây xử lý rồi mới quay trở lại trả dữ liệu. Segars nói rằng: "Nếu mỗi người với một chiếc điện thoại Android thực hiện 3 phút nhận diện giọng nói mỗi ngày thì Google phải gấp đôi số trung tâm dữ liệu (DC) của họ so với hiện tại. Thế hệ vi xử lý tiếp theo sẽ phải kết hợp giữa AI và xử lý dữ liệu trên chính bộ cảm biến. Chúng tôi chưa thể tự mình làm điều đó. Chúng tôi phải hợp tác cùng các công ty khác để triển khai các công nghệ này."

Kết thúc cuộc nói chuyện, Son bắt tay Segars và nói: "Arm mang đến những thứ không thể thiếu, không chỉ với SoftBank mà còn đối với toàn nhân loại. Giờ đây, họ là thành viên của gia đình chúng tôi. Chúng ta sẽ là những người chủ lực của thế hệ mới này, biến tương lai của họ trở nên tốt đẹp hơn."

SoftBank ‘ăn’ cả thế giới thế nào? Kỳ 1: Những gì Masayoshi Son nhìn ra từ 10 năm trước thì giờ đây mọi người mới thấy - Ảnh 4.

Helmey Eltoukhy, CEO của Guardant Health

Khi thành lập công ty phân phối phần mềm PC SoftBank (viết tắt của Bank of Software) vào năm 1981, Son đã luôn cố gắng để biến nó trở thành công ty lớn nhất thế giới. Ngày đó, người doanh nhân 24 tuổi đứng trên chiếc thùng gỗ trước mặt 2 người nhân viên của mình hào hứng hứa rằng: Một ngày nào đó họ sẽ trở thành những con người vĩ đại nhất thế giới. Vài ngày sau đó, những nhân viên này nghỉ việc. Còn Son giờ đã 61 tuổi vẫn không ngừng theo đuổi tham vọng với tầm nhìn 300 năm của mình: Một cuộc cách mạng công nghệ sẽ đạt đến điểm bùng phát trong lịch sử và AI sẽ thay thế trí tuệ con người, định nghĩa lại mọi ngành công nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong phiên bản tương lai đó, SoftBank không phải là Google, Apple hay Microsoft tiếp theo bởi Son không hề tin một thương hiệu hay một mô hình kinh doanh có thể đủ khả năng mang lại sự phi thường. Những điều Son làm là một chuỗi "chiến lược số một" với một loạt đầu tư đa dạng: một hệ sinh thái các công ty AI do SoftBank lãnh đạo, trải dài ở khắp các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến vận tải, từ dịch vụ đi xe đến robot

Son nói tại sự kiện năm 2018: "Chúng tôi muốn thành lập một liên minh gồm các doanh nhân có cùng chí hướng. Cuộc cách mạng sẽ chẳng thể thành công với sức mạnh của chỉ một người. Trung tâm của hệ sinh thái đó sẽ là Arm Holdings, công ty thiết kế những bộ vi xử lý nhỏ, tốn ít năng lượng hiện đang có mặt trên 95% điện thoại thông minh, chưa kể loa thông minh, máy theo dõi sức khỏe, drone và TV."

Son bắt đầu quen với Segars từ năm 2006 khi lần đầu ông gặp CEO của Arm, Warren East. Lúc đó Segars đã là một trong những nhân viên đầu tiên. Vào thời điểm đó, Arm đã chiếm được thị phần chi phối trong thị trường di động non trẻ. Chỉ riêng thực tế này thôi cũng đã đủ gây ấn tượng với Son. Ông biết rằng sớm muộn thì điện thoại di động sẽ vượt trội so với PC và trọng tâm của Internet sẽ chuyển dịch từ máy tính sang điện thoại. Son dự tính rằng với loại vi mạch năng lượng thấp xử lý cao của Arm sẽ là trung tâm của nền kinh tế số trong tương lai.

Thực ra để có cái nhìn sâu sắc đó thì trước buổi gặp với Arm vài tuần, Softbank đã mua lại Vodafone Nhật Bản, nhà mạng di động đang gặp khó khăn trong vấn đề kết nối và các thiết bị không mấy "thời trang". Hội động quản trị SoftBank đã từng hoài nghi về việc mua lại nhưng Son thì vô cùng kiên quyết. Bên cạnh đó, ông cũng đã có lợi thế chiến lược. 

Trước khi thực hiện sáp nhập, Son đã tới California để gặp Steve Jobs. Ông đã mang theo mình một bản vẽ phác thảo bằng tay của chiếc điện thoại thông minh và đưa cho CEO của Apple. Trong một cuộc phỏng vấn với The Nikkei, Son đã nói rằng: "Nhìn nó như một con cóc hết pin". Jobs ghét bản phác thảo xấu xí nhưng ông nói với Son rằng trực giác của ông đã đúng. Jobs lúc đó đang phát triển những bản mẫu đầu tiên của của chiếc iPhone. Son rời cuộc họp với một cam kết rằng: Trong trường hợp việc mua lại Vodafone được tiến hành, anh sẽ nhận được một thỏa thuận độc quyền phân phối iPhone ở Nhật Bản.

Việc mua lại Arm giúp SoftBank có vị thế gì? Làm sao mà SoftBank mua được công ty công nghệ giá trị nhất nước Anh lúc đó khiến nhiều chuyên gia nhận định "đó ngày buồn của công nghệ Anh"? 

Mời các bạn theo dõi tiếp kỳ 2: Masayoshi Son đầu tư vào cách mạng AI sắp diễn ra và tất cả các công ty dẫn dắt mọi lĩnh vực của tương lai.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM