"Sốc nặng" với giá chào bán thuốc viên trị COVID-19 cho chính phủ Mỹ: Đắt gấp 40 lần, ai "chịu trận"?
Chuyên gia Leena Menghaney của tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) đã nhấn mạnh rằng "Việc trục lợi từ đại dịch là điều mà các tập đoàn dược phẩm nên hạn chế".
Theo RT, giá sản xuất của một liệu trình điều trị COVID-19 kéo dài 5 ngày bằng thuốc viên của hãng dược Merck ở Mỹ chỉ có giá 17,74 USD; nhưng công ty này dự định bán thuốc cho chính phủ với mức giá gấp... 40 lần, và gánh nặng sẽ đè lên vai những người nộp thuế ở Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã đầu tư cho Merck khoảng 29 triệu USD để phát triển thuốc molnupiravir - loại thuốc mà công ty khẳng định có thể "giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khoảng 50%" trong các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân COVID-19.
Thế nhưng, mặc dù đã nhận được khoản tài trợ hào phóng này, Merck vẫn sẽ tính giá bán cho chính phủ liên bang ở mức khoảng 712 USD cho một liệu trình điều trị kéo dài 5 ngày, trong khi chi phí sản xuất chỉ là 17,74 USD.
Chuyên gia Leena Menghaney của tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) đã nhấn mạnh rằng "Việc trục lợi từ đại dịch là điều mà các tập đoàn dược phẩm nên hạn chế".
"Trong khi giá thành sản xuất chỉ vào khoảng 15-20 USD cho 1 liệu trình, thì mức giá 700 USD quả thật là không thể chấp nhận được", chuyên gia của MSF bình luận.
Theo bà Menghaney, việc hợp tác với các công ty khác để sản xuất đại trà các loại thuốc như molnupiravir sẽ là câu trả lời cho vấn đề giá cả. Tuy nhiên, đây là tài sản trí tuệ của Merck và các công ty khác không được phép sao chép.
Tương tự, sắp tới Pfizer sẽ ra mắt thuốc viên trị COVID-19 và đây cũng sẽ là tài sản riêng của hãng.
Kể từ năm ngoái, MSF đã ủng hộ sáng kiến do Ấn Độ và Nam Phi đề xuất nhằm xóa bỏ bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong thời gian đại dịch vẫn tiếp diễn.
Mặc dù đã giành được sự ủng hộ từ hơn 100 quốc gia, MSF nói rằng một nhóm các nước thành viên WTO đã phản đối sáng kiến này, bao gồm Anh, châu Âu, Na Uy và Thụy Sĩ.
Là quốc gia cấp ngân sách cho Merck và Pfizer phát triển thuốc điều trị COVID-19, nhưng Mỹ cũng ủng hộ sáng kiến nói trên.
Molnupiravir đã được sản xuất và thử nghiệm chung ở Ấn Độ, nơi Menghaney cho biết một liệu trình sản xuất đại trà sẽ có giá tầm 15-20 USD. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền vẫn còn đó.
Bà Menghaney cho rằng luật sở hữu trí tuệ có thể được cân nhắc áp dụng "thoáng" hơn trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, bà đề xuất: "Các quốc gia như Nga và Brazil - những nước có năng lực sản xuất thuốc - nên đi tiên phong, bất kể các rào cản về bằng sáng chế và sản xuất các loại thuốc này"/.