Số vụ lừa đảo giảm, nhưng giá trị lừa đảo tăng: Một người vừa mất 10 tỷ đồng vì cài ứng dụng Dịch vụ công giả mạo

26/07/2024 07:02 AM | Kinh doanh

Một người đàn ông tại Hà Nội mới đây trình báo công an về việc bị lừa cài phần mềm Dịch vụ công, sau đó phát hiện tài khoản ngân hàng mất 10 tỷ đồng. Đây có thể coi là trường hợp điển hình theo kết quả khảo sát của Visa, rằng số trường hợp lừa đảo cá nhân có chiều hướng giảm, nhưng tổng giá trị giao dịch bị thiệt hại đang gia tăng.

Khi số vụ lừa đảo giảm, nhưng giá trị giao dịch bị thiệt hại tăng: Mất 10 tỷ đồng vì cài ứng dụng Dịch vụ công giả mạo- Ảnh 1.

Theo thông tin từ VTV, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa qua đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi tiếp nhận đơn trình báo của anh T.

Người đàn ông này cho biết anh nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an, yêu cầu cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo". Sau khi cài đặt xong, anh T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 10 tỷ đồng, nên đã đi trình báo.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số dẫn đến bùng nổ các hình thức giao dịch trên mạng. Nhưng bên cạnh sự tiện lợi, hàng loạt rủi ro cũng xuất hiện.

Theo số liệu từ Cục An ninh Mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo.

Tình hình này cũng được phản ánh trong "Báo cáo về Rủi ro thanh toán" do công ty thanh toán điện tử Visa vừa công bố, cho thấy hàng loạt rủi ro thanh toán đang tác động tiêu cực đến người dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Kết quả khảo sát chỉ ra số trường hợp lừa đảo cá nhân từ tháng 6 đến tháng 12/2023 có chiều hướng giảm, nhưng tổng giá trị giao dịch bị thiệt hại đang gia tăng. Điều này chứng minh đối tượng xấu đang nhắm vào những giao dịch giá trị lớn hơn với các phương thức lừa đảo tinh vi và hiệu quả hơn.

Theo một khảo sát khác gần đây của Visa, hơn 1/3 số người được khảo sát quyết định không báo cáo các vụ lừa đảo mà họ gặp phải , cho thấy mức độ tổn thất thực tế cao hơn mức được ghi nhận.

Bên cạnh chủ thẻ cá nhân, Visa cho biết kẻ gian hiện cũng liên tục thăm dò nhóm đối tượng lớn hơn, như các tổ chức hay mạng lưới công ty, để tìm ra điểm yếu cũng như tận dụng các công nghệ mới để khai thác những lỗ hổng an ninh có khả năng ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động vận hành của doanh nghiệp và mạng lưới.

Khi số vụ lừa đảo giảm, nhưng giá trị giao dịch bị thiệt hại tăng: Mất 10 tỷ đồng vì cài ứng dụng Dịch vụ công giả mạo- Ảnh 2.

Giao diện phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Ảnh: VTV.

Một số "mánh khóe" lừa đảo tập trung vào các tổ chức được Visa liệt kê bao gồm: nhắm vào chuỗi cung ứng và dịch vụ của các bên thứ ba; lợi dụng trí tuệ nhân tạo để xác định những điểm yếu trong hệ thống kiểm soát gian lận của các ngân hàng mục tiêu…

Đặc biệt, số vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) đã gia tăng tới 300% từ tháng 6 đến tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm 2022. Visa dự báo đối tượng lừa đảo thông qua mã độc sẽ tiếp tục nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các tổ chức tài chính lớn.

"Bằng việc lợi dụng Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và nhiều công nghệ mới nổi khác, các hành vi lừa đảo đang trở nên cực kỳ tinh vi, khiến người tiêu dùng phải chịu tổn thất rất lớn. Visa hiện đầu tư hơn 10 tỷ USD vào công nghệ và đổi mới sáng tạo suốt 5 năm qua để ngăn chặn những mối đe dọa tiềm ẩn trong quá trình thanh toán", ông Paul Fabara, Giám đốc toàn cầu phụ trách Quản lý rủi ro và Dịch vụ khách hàng của Visa, cho biết.

Tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có đến trên 1.200 vụ phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến trên 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp. Vì vậy việc truy hồi, tìm lại tài sản cho người dân trong những sự việc lừa đảo qua mạng rất khó khăn.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM