Số phận thăng trầm, nhiều ‘gai’ của dự án thung lũng hoa hồng tại Hà Nội

10/11/2021 15:08 PM | Kinh doanh

Chưa được chấp thuận mở rộng, chưa giải phóng xong mặt bằng, nợ đọng hàng chục tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất, cổ đông thoái vốn... khiến dự án thung lũng hoa hồng – Rose Valley ‘đắp chiếu’ cả chục năm chưa hẹn ngày hồi sinh.

Số phận thăng trầm, nhiều ‘gai’ của dự án thung lũng hoa hồng – Rose Valley. (Ảnh: Minh Thư)
Số phận thăng trầm, nhiều ‘gai’ của dự án thung lũng hoa hồng – Rose Valley. (Ảnh: Minh Thư)

Dự án khu chức năng đô thị Rose Valley (tên cũ là khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn) nằm trên địa bàn xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) của Công ty CP Vĩnh Sơn là một trong số 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng. Dự án nằm trong danh sách các dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát mà Hà Nội vừa công bố.

Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ngày 17/6/2019, cơ quan này có yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội để thực hiện chủ trương đầu tư, liên hệ với Sở TN&MT để hướng dẫn thủ tục điều chỉnh quyết định giao đất, nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung; phối hợp với UBND huyện Mê Linh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, theo báo cáo của Hà Nội đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các nội dung kết luận thanh tra.

Hiện trạng dự án khi kiểm tra đã xây dựng 1 căn biệt thự mẫu kiểu Pháp trên lô đất diện tích 1.300m2, xây dựng 1 căn biệt thự mẫu kiểu Anh trên lô đất 1.300m2; xây thô 6 căn biệt thự tại các lô đất có diện tích 1.300m2 theo quy hoạch được duyệt. Diện tích đất hơn 64.665m2 đất thuê là đất công trình công cộng, dịch vụ hỗn hợp có mục đích kinh doanh, chủ đầu tư đã xây dựng trung tâm bán hàng diện tích 800m2.

Chục năm dự án vẫn “đắp chiếu”, còn 10 ngôi mộ chưa di dời

Thung lũng Hoa Hồng (Rose Valley) tiền thân là dự án Khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn được Công ty CP Vĩnh Sơn nghiên cứu lập quy hoạch từ năm 2004. Dự án có quy mô 75,51 ha.

Số phận thăng trầm, nhiều ‘gai’ của dự án thung lũng hoa hồng tại Hà Nội - Ảnh 1.
Dự án thung lũng hoa hồng – Rose Valley đã xây dựng hạ tầng và một số nhà mẫu... nhưng 'đắp chiếu' nhiều năm nay. (Ảnh: Minh Thư)

Công ty CP Vĩnh Sơn được thành lập vào tháng 9/2003, trụ sở tại khu đô thị Hà Tiên, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau nhiều lần điều chỉnh, tháng 7/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định giao gần 64,66 ha đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Từ năm 2009 đến 2011, dự án đã xây dựng hạ tầng và một số nhà mẫu.

Sau đó, công ty mở rộng phạm vi thực hiện dự án  thêm 10,85 ha tại xã Tiền Phong, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tháng 8/2008, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội nên dự án phải tạm dừng triển khai, chờ quy hoạch phân khu đô thị để khớp nối với quy hoạch Hà Nội mở rộng.

Đến 27/6/2013, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án. Theo đó, dự án được mở rộng phạm vi nghiên cứu và được chấp thuận đổi tên dự án từ khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn thành dự án khu đô thị thung lũng hoa hồng vào tháng 2/2014. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được chấp thuận mở rộng.

Theo công bố thông tin của Công ty Vĩnh Sơn, hiện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng 64,66 ha đất khu nhà ở thấp tầng và đất hỗn hợp, hiện còn 10 ngôi mộ chưa di dời.

Cổ đông thoái vốn, dự án đầy rẫy khó khăn

Số phận thăng trầm, nhiều ‘gai’ của dự án thung lũng hoa hồng tại Hà Nội - Ảnh 2.
Chủ dự án thung lũng hoa hồng là Công ty CP Vĩnh Sơn vẫn đang nợ thuế và chậm nộp tiền thuê đất tính đến 31/3/2021 khoảng trên 55 tỷ đồng. (Ảnh: Minh Thư)

Lũy kế đến 30/6/2021, Vĩnh Sơn đã đầu tư vào dự án 1.129 tỷ đồng, bao gồm công tác mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, đầu tư một số hạng mục và các chi phí khác... Tính đến ngày 30/6/2021, chủ đầu tư dự án là Công ty Vĩnh Sơn có vốn điều lệ 1.150 tỷ đồng, do ba cổ đông góp vốn là Công ty CP Bất động sản Dragon Village (60%); Viettel (39,9%) và ông Nguyễn Khánh Trung (0,1%).

Đáng chú ý, Viettel 3 lần muốn rút toàn bộ vốn tại Công ty Vĩnh Sơn nhưng đều không có nhà đầu tư nào đăng ký mua; mãi đến ngày 21/9 vừa qua, đơn vị này mới thoái vốn thành công khi bán trọn lô 4,6 triệu cổ phần sở hữu.

Dự án đang đứng trước muôn vàn khó khăn, đơn cử như việc trình UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương Công ty là chủ đầu tư đối với diện tích mở rộng 10,85 ha thuộc dự án Rose Valley có thể gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; cũng như theo quy định, phần diện tích mở rộng này phải đấu thầu chọn chủ đầu.

Bên cạnh đó, Công ty Vĩnh Sơn đang nợ đọng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất tại dự án. Theo thông báo của Chi cục thuế khu vực Sóc Sơn – Mê Linh thì số tiền liên quan đến nợ thuế và chậm nộp tiền thuê đất tính đến 31/3/2021 khoảng trên 55 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến còn phải trả của diện tích 64,66 ha (không bao gồm diện tích 10,85 ha mở rộng) là trên 20,3 tỷ đồng. Công ty Vĩnh Sơn cũng đang có khoản vay với 6 cá nhân với tổng giá trị trên 29,7 tỷ đồng.

Một yếu tố quan trọng khác là Công ty CP Vĩnh Sơn phải có đủ vốn điều lệ tương đương 15% tổng mức đầu tư để đảm bảo đủ năng lực tài chính theo quy định.

Theo phương án do đơn vị tư vấn lập tháng 5/2019, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án Rose Valley là 11.873 tỷ đồng.

Như vậy, để đủ điều kiện về năng lực tài chính, Công ty cần phải tăng vốn tối thiểu lên 1.800 tỷ đồng.

Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM