Số phận một trời một vực của con nuôi Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền

28/01/2021 20:50 PM | Sống

Dù đều là con nuôi của những vị quân chủ khét tiếng Tam Quốc, thế nhưng số phận của các nhân vật này lại khác nhau một trời một vực.

Trong số những nhân vật nổi lên vào thời Tam Quốc, Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền là 3 vị quân chủ nổi bật hơn cả.

Năm xưa, cả 3 nhân vật này đều từng thu nhận không ít văn thần, võ tướng và thậm chí là cả con nuôi.

Thế nhưng điều đáng nói lại nằm ở chỗ, con nuôi của Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị lại có số phận khác nhau một trời một vực. Liệu đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?

Con nuôi của Tào Tháo: Người người đều công thành danh toại

1. Tào Chân

 Số phận một trời một vực của con nuôi Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền - Ảnh 1.

Tào Chân là người con nuôi tài giỏi nhất của Tào Tháo. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Tào Chân (? – 231), tự Tử Đan, cha ruột vì cứu Tào Tháo mà chết, sau được thu nhận làm nghĩa tử. Ông từ nhỏ lớn lên cùng Tào Phi và rất mực thân thiết với nhân vật này.

Tương truyền rằng năm xưa, Tào Chân có lần bị mãnh hổ truy đuổi. Bấy giờ, ông chỉ dùng 1 mũi tên đã bắn chết hổ dữ, liền có được sự tán thưởng từ Tào Tháo và trở thành thống lĩnh của đội Hổ Báo kỵ khét tiếng.

Tào Chân sở hữu không ít chiến công, từng đánh bại Triệu Vân và Đặng Chi khi chống lại chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng, còn phối hợp cùng Trương Cáp thu về căn cứ điểm Nhai Đình.

Ông thậm chí còn đề xuất kế hoạch chủ động tấn công để đánh chiếm Thục Hán, chỉ tiếc rằng cuối cùng lại không thành.

Sau này, Tào Chân làm tới chức Đại Tư mã, được phép mang kiếm, mang giày vào triều.

Có thể nói, ông là người con nuôi thành công nhất của Tào Tháo và cũng là một danh tướng nổi bật cốt cán của tập đoàn chính trị Tào Ngụy năm xưa.

2. Tần Lãng

 Số phận một trời một vực của con nuôi Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền - Ảnh 2.

Mẹ của Tần Lãng là Đỗ thị - mỹ nhân nức tiếng đương thời từng được Tào Tháo thu nạp vào hậu cung. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Tần Lãng là người con nuôi được Tào Tháo thuận tay thu nhận. Cha ruột của ông là Tần Nghi Lộc, một bộ tướng dưới quyền Lã Bố.

Năm xưa khi Tào Tháo tiêu diệt Lã Bố, công phá Từ Châu, mẹ của Tần Lãng được nạp vào hậu cung, Tần Lãng cũng nhờ vậy mà trở thành con nuôi của Tào Tháo, hơn nữa còn tương đối được yêu quý.

Thậm chí có lần mở yến tiệc, Tào Tháo không ngần ngại bộc lộ sự quý mến của mình đối với Tần Lãng và nói rằng: "Đời có ai thương con ghẻ như ta không?".

Thế nhưng không rõ vì nguyên nhân gì, dưới thời Tào Tháo và Tào Phi nắm quyền, Tần Lãng lại không được trọng dụng. Tuy nhiên đến khi Tào Duệ lên ngôi, ông lại trở thành một sủng thần được tín nhiệm.

Bản thân Tần Lãng cũng không phụ lòng gia tộc họ Tào, từng phụng mệnh đi đánh dẹp phản loạn Tiên Ti và đem về chiến thắng, nhờ đó mà trở thành đại danh tướng uy chấn Bắc cương.

3. Hà Yến

Hà Yến (? – 249), tự Bình Thúc, mẹ là Doãn Thị được Tào Tháo thu nạp vào hậu cung.

So với Tào Chân hay Tần Lãng, danh tiếng của người con nuôi Hà Yến quả thực không sánh bằng. Bởi dẫu sao ông cũng từng thuộc phe cánh của quyền thần Tào Sảng và làm ra không ít việc xấu.

Thế nhưng thuở thiếu thời, Hà Yến từng nổi danh là tài mạo hơn người, học rộng hiểu sâu.

Sau khi trưởng thành, ông trở thành nhà huyền học nổi tiếng thời Ngụy Tấn và cho ra đời nhiều tác phẩm còn được lưu truyền cho tới ngày nay.

Mặc dù không được Tào Tháo, Tào Phi hay Tào Duệ trọng dụng, thế nhưng năng lực của Hà Yến cũng xem như không khiến cho người cha nuôi Tào Tháo mất mặt.

Con nuôi của Lưu Bị: Kết cục thê thảm

 Số phận một trời một vực của con nuôi Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền - Ảnh 3.

Kết cục thê thảm của Lưu Phong được cho là bắt nguồn từ phía Gia Cát Lượng và Lưu Bị. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Nghĩa tử của Lưu Bị là một nhân vật sở hữu tên tuổi không quá xa lạ với hậu thế - Lưu Phong.

Lưu Phong (? – 220), vốn tên là Khấu Phong, có mẹ ruột họ Lưu xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc nhà Hán.

Ban đầu khi mới tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, Lưu Bị khi ấy còn chưa có con trai, vì vậy liền thu nhận Lưu Phong và đào tạo như người kế thừa sự nghiệp của mình.

Thế nhưng sau đó, con trai ruột Lưu Thiện ra đời, Lưu Bị liền thay đổi tâm tư, bồi dưỡng Lưu Phong thành một viên tướng lĩnh.

"Tam Quốc chí" có ghi lại, Lưu Phong sở hữu võ nghệ xuất chúng, sức khỏe hơn người. Ông từng cùng Mạnh Đạt chiếm về Thượng Dung, cũng lập nhiều công lao hiển hách.

Thế nhưng cuối cùng, người con nuôi này của Lưu Bị lại sở hữu kết cục chẳng mấy tốt đẹp.

Vì không ứng cứu Quan Vũ, lại để mất  thành Thượng Dung, Lưu Phong sau khi trở về kinh đô đã bị luận tội.

Gia Cát Lượng cho rằng người như Lưu Phong sau này khó có thể áp chế, vì vậy khuyên Lưu Bị ban chết.

Kết quả là năm 220, Lưu Phong qua đời do bị cha nuôi ban án tử.

Con nuôi của Tôn Quyền: Mờ nhạt trong lịch sử

 Số phận một trời một vực của con nuôi Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền - Ảnh 4.

Hai con nuôi của Tôn Quyền dù không sở hữu kết cục quá thê thảm nhưng lại rất đỗi mờ nhạt trong lịch sử. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Khác với hai vị quân chủ nói trên, Tôn Quyền thu nhận con nuôi không phải vì muốn chiếm đoạt vợ của người khác như Tào Tháo, cũng không phải để đào tạo người kế nghiệp như Lưu Bị.

Hai nghĩa tử của ông thu nhận vốn là hậu duệ của một bậc trung thần cũng rất có tên tuổi. Đó chính là Lăng Thống.

Năm xưa trong trận chiến Hợp Phì, vì để cho Tôn Quyền an toàn rút lui, Lăng Thống đã liều mình ở lại ngăn địch ở phía sau. Hành động này của ông khiến quân chủ cảm kích vô cùng.

Sau này Lăng Thống qua đời khi đương độ tráng niên, để lại 2 con trai tuổi tác còn nhỏ, Tôn Quyền liền thu nhận họ làm con nuôi.

"Tam Quốc chí" ghi lại, hai con của Lăng Thống tên là Lăng Liệt và Lăng Phong, được đưa vào cung nuôi chung với con đẻ của Tôn Quyền từ khi con nhỏ.

Tương truyền rằng có lần tân khách gặp được hai người này, Tôn Quyền liền nói rằng: "Đây cũng là hổ tử của ta".

Không chỉ vậy, Tôn Quyền còn đặc biệt mời cả danh sự tới dạy dỗ cho Lăng Liệt và Lăng Phong.

Chỉ tiếc rằng sau khi trưởng thành, hai người nghĩa tử này lại phụ sự kỳ vọng của Tôn Quyền, cũng làm mai một thanh danh của cha ruột.

Người con tên Lăng Liệt vì mắc tội mà bị cách chức. Người còn lại là Lăng Phong cũng chẳng làm nên đại sự, trở thành một tên tuổi hết sức mờ nhạt giữa thời đại quần hùng tranh đấu lúc bấy giờ.

*Dịch từ tư liệu nước ngoài.

Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM