"So găng" hai ông lớn viễn thông VinaPhone và FPT Telecom trong cuộc đua lợi nhuận

10/06/2022 13:50 PM | Kinh doanh

Cả Vinaphone và FPT Telecom đều là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông internet cố định và truyền hình IpTV.

Được xem là "quân át chủ bài" của hai Tập đoàn công nghệ - viễn thông hàng đầu cả nước là VNPT và FPT, VNPT VinaPhone và FPT Telecom luôn là hai đối trọng cạnh tranh nhau sát sao về thị phần mảng viễn thông cố định kể từ khi thành lập đến nay.

Song dù khai sinh cùng thời điểm (VinaPhone - 1996, FPT Telecom - 1997), có cùng độ tuổi, kết quả kinh doanh của hai nhà mạng mang màu xanh dương và màu cam đặc trưng lại có sự khác biệt rõ nét.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 được công bố, trong khi FPT Telecom đạt doanh thu 12.686 tỷ đồng (tăng 10,6% so với năm 2020) thì VNPT VinaPhone đạt mức cao gấp hơn 3 lần với 41.500 tỷ đồng. Trước đó, thời điểm thể hiện rõ nhất sự cách biệt về doanh thu là năm 2016, khi mà VinaPhone đạt hơn 37.000 tỷ đồng thì FPT Telecom chỉ bằng khoảng 1/6.

So găng hai ông lớn viễn thông VinaPhone và FPT Telecom trong cuộc đua lợi nhuận - Ảnh 1.

So sánh trong giai đoạn 6 năm, tính từ cột mốc 2016 - là năm đầu tiên Vinaphone hoạt động trọn vẹn dưới hình thức hạch toán độc lập cả năm sau khi được tái cơ cấu từ VNPT - đến hết năm 2021, tổng doanh thu của FPT Telecom chỉ bằng 1/4 doanh thu VNPT VinaPhone, tương đương bình quân một năm hoạt động của FPT Telecom chỉ bằng 1 quý của đối thủ chính.

Thế nhưng trái ngược với doanh thu, xét về mặt lợi nhuận, FPT Telecom chỉ bị VNPT VinaPhone vượt mặt trong hai năm 2017 - 2018, song khoảng cách không lớn, còn những năm khác FPT Telecom đều thu về mức lợi nhuận cao hơn VinaPhone.

So găng hai ông lớn viễn thông VinaPhone và FPT Telecom trong cuộc đua lợi nhuận - Ảnh 2.

Năm 2021, cả hai đơn vị đều ghi nhận mức lãi trước thuế cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể VinaPhone đạt 1.750 tỷ đồng, FPT Telecom đạt mức cao hơn gấp 1,4 lần với 2.395 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu lãi được giao cho cả năm.

Từ các con số trên, có thể thấy tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2021 của VinaPhone chỉ đạt 4,2% và là một mức khá thấp trong ngành viễn thông nói chung. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của FPT Telecom vào khoảng 18,9%, phản ánh hiệu quả kinh doanh vượt xa VinaPhone.

Bình quân, VinaPhone cần tới 23,7 đồng doanh thu mới tạo ra 1 đồng lợi nhuận, còn FPT Telecom chỉ với khoảng 5,3 đồng doanh thu có thể tạo ra 1 đồng lợi nhuận.

Sự khác biệt này là do Vinaphone là đơn vị đứng ra kinh doanh dịch vụ viễn thông di động dựa trên hạ tầng viễn thông của công ty mẹ là VNPT và phải trả chi phí cho việc này.

Thực tế trong doanh thu gần 37.000 tỷ của riêng công ty mẹ VNPT thì tới 31.100 tỷ là doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ cho 2 công ty con Vinaphone và VNPT-Media; tức phần lớn chi phí đầu vào của Vinaphone là mua từ công ty mẹ. Hay nói cách khác, phần lớn lợi nhuận hoạt động kinh doanh viễn thông của cả tập đoàn VNPT chủ yếu thuộc về công ty mẹ, Vinaphone chỉ trực tiếp đóng góp một phần.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của FPT Telecom phản ánh toàn bộ chuỗi giá trị mảng viễn thông cùng với việc hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Online, đơn vị có lợi nhuận khoảng 300 tỷ/năm.

So găng hai ông lớn viễn thông VinaPhone và FPT Telecom trong cuộc đua lợi nhuận - Ảnh 3.

Ngoài ra giống như FPT Telecom, VinaPhone cũng cung cấp các dịch vụ internet cố định có dây, truyền hình, IPTV...

Nhìn chung, khi kết quả kinh doanh của VinaPhone gần như đi ngang thì ở FPT Telecom lại thấy sự tăng trưởng và thay đổi rõ nét. Năm 2022, FPT Telecom tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu 14.560 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.812 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,8% và 17,4% so với năm trước. Với kết quả đạt được quý đầu tiên, FPT Telecom đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 25% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo Nhuận Hoa

Cùng chuyên mục
XEM