Sở Công thương TPHCM lập website cho dân "đi chợ online" mùa dịch, quy tụ đủ Shopee, Tiki, Lazada, Aeon, Bách Hóa Xanh, Coop...
Sở Công thương TPHCM đã chỉ đạo khẩn các đơn vị liên quan lập website ngay trong chiều 8/7, trước thời điểm thành phố này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Website https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn hiện đã đi vào hoạt động, gom các website bán nông sản - thực phẩm trực tuyến từ đơn vị lớn như Aeon, Bách Hóa Xanh, CP, đến các startup quen mặt như DalatFoodie của Shark Việt, Chopp, Foodmap…
Mới đây, Sở Công thương TP.HCM đã lập trang website https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn để đưa các mặt hàng nông sản bán trực tuyến phục vụ người dân thành phố trong những ngày giãn cách.
Thanh Niên dẫn nguồn tin cho biết ngay trong chiều 8/7, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM đã chỉ đạo khẩn các đơn vị liên quan lập một website "gom" các website bán nông sản trực tuyến để giới thiệu cho người dân mua sắm online mà không cần đi chợ. Điều này vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa giúp người dân an tâm mua các loại hàng hóa thiết yếu, với các mức giá được niêm yết công khai.
Website trên được thực hiện bởi Haravan, chia theo 4 danh mục chính gồm Thực phẩm (thịt heo - gà - cá), Rau quả - Trái cây, Gạo - Sữa, Thực phẩm đóng gói và Siêu thị.
Danh mục Siêu thị bao gồm những tên tuổi quen thuộc như Aeon, Aeon, Bách Hóa Xanh, MMMarket, CoopSmile… Các trang TMĐT như Tiki, Lazada, Shopee đều được "gom" vào website để người dân tiện lựa chọn.
Website này cũng bao gồm những startup quen thuộc trong ngành bán lẻ thực phẩm, đi chợ hộ như DalatFoodie của Shark Việt, Chopp, Foodmap…
Với việc triển khai thực thi Chỉ thị 16, TPHCM có hơn 150 chợ truyền thống và đầu mối phải tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà.
Cũng theo Thanh Niên, với hiện tượng thiếu hàng hóa trong những ngày qua, một lãnh đạo Sở Công thương cho biết hiện tượng trên chỉ là cục bộ, bởi hàng hóa kẹt ở cửa ngõ, dân mua nhiều hàng không đưa lên kệ kịp. Không những vậy, nhu cầu mua hàng hóa tích trữ trong nhiều ngày và tăng đột biến trong một thời điểm nên hàng hóa không thể đáp ứng ngay.