Số ca nhiễm mới ở Vũ Hán là 0 nhưng các chuyên gia đang cảnh báo về một làn sóng thứ hai có thể bùng phát trở lại ở Trung Quốc

19/03/2020 19:10 PM | Xã hội

Ngoài những thách thức khổng lồ khi phải ngăn chặn đại dịch trong 1 thế giới kết nối toàn cầu với lưu lượng đi lại rất lớn như hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng SARS-CoV-2 sẽ không dễ dàng bị tiêu diệt như virus gây ra dịch SARS.

Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng nổ và khiến hơn 80.000 người Trung Quốc mắc bệnh, Trung Quốc gần đây đã không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào từ trong nước. Trong số hơn một chục ca nhiễm mới, hoàn toàn là những người từ nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn chưa thể thở phào vì rất có thể đây chỉ là sự lắng xuống tạm thời.

Hiện tâm dịch Covid-19 đã dịch chuyển sang châu Âu, nơi có số ca nhiễm mới trong 1 ngày đã vượt quá cả con số của Trung Quốc ở thời kỳ đỉnh dịch. Thế nhưng các chuyên gia nghiên cứu về đại dịch cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đối mặt với những làn sóng nhiễm bệnh tiếp theo, nếu nhìn vào các đại dịch trong quá khứ.

Chính bản chất của virus corona chủng mới cũng khiến nguy cơ dịch tái phát tăng lên. Đây là loại virus khó phát hiện hơn và tồn tại lâu hơn so với chủng từng gây ra dịch SARS năm 2003 – khi chỉ có khoảng 8.000 người nhiễm bệnh trước khi dịch bệnh bị đánh bại. Điều này khiến những làn sóng dịch bệnh tiếp theo càng khó ngăn chặn hơn.

Trong khi các nước khác đang nhìn vào Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm nên thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến đời sống thường ngày xáo trộn mạnh đến đâu, họ cũng theo dõi sát sao Trung Quốc để nhìn xem điều gì xảy ra khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa và những biện pháp giãn cách xã hội đã giúp khống chế dịch bệnh hiệu quả.

Theo Raina MacIntyre, giáo sư sinh học tại ĐH New South Wales ở Sydney, kể cả nếu số ca nhiễm trên thực tế lớn gấp nhiều lần so với con số chính thức mà chính phủ Trung Quốc công bố, chưa đến 1% nhiễm bệnh, khiến hầu hết mọi người dễ bị mắc bệnh hơn. Chuyên gia này cho rằng đại dịch toàn cầu sẽ chưa thể được kiểm soát cho đến khi chúng ta có vaccine hoặc phần lớn dân số đã mắc bệnh.

Hiện nay chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào những "ca bệnh nhập khẩu", với 189 ca là những trường hợp du khách nhập cảnh vào Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, mọi du khách nước ngoài đều phải cách ly tập trung 14 ngày và phải tự chịu chi phí. Thủ đô của Trung Quốc cũng dự kiến yêu cầu các chuyến bay hạ cánh ở các thành phố lân cận để xét nghiệm hành khách trước khi họ được vào Bắc Kinh.

Trung tâm tài chính Thượng Hải và trung tâm sản xuất Quảng Đông cũng thắt chặt các biện pháp kiểm soát và giới hạn di chuyển.

Và trong khi Trung Quốc chính thức tuyên bố rằng đỉnh dịch đã qua đi, các nhà khoa học hàng đầu của nước này vẫn đang cố gắng dự đoán virus sẽ biến hóa như thế nào. "Không ai có thể biết virus sẽ biến mất hoàn toàn hay tồn tại dai dằng nhưng theo mùa như virus cúm hay sẽ giống như hepatitis B, loại virus vẫn sống chung hòa bình với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh và nhưng sẽ lây lan sang người khác", Wang Chen, hiệu trưởng Peking Union Medical College nói.

Ngoài những thách thức khổng lồ khi phải ngăn chặn đại dịch trong 1 thế giới kết nối toàn cầu với lưu lượng đi lại rất lớn như hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng SARS-CoV-2 sẽ không dễ dàng bị tiêu diệt như virus gây ra dịch SARS.

Trong những ngày đầu nhiễm virus, khi người bệnh chưa phát triển các triệu chứng để có thể nhận ra họ mắc bệnh, nồng độ virus trong máu của họ đã khá cao và dễ dàng truyền sang người khác. Thậm chí ở giai đoạn đầu họ có thể cho kết quả xét nghiệm âm tính dù đã nhiễm virus.

Những đặc tính này khiến việc tiêu diệt hoàn toàn virus là điều rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, nếu như không có vaccine – thứ mà các công ty dược phẩm cho biết phải tới sang năm mới có thể phát triển.

So với SARS thì Covid-19 có rất nhiều điểm khác biệt. Những người nhiễm SARS không lây bệnh cho người khác cho đến khi họ thể hiện rõ ràng ra bên ngoài là mình đang ốm nặng. Ebola và MERS cũng tương tự như vậy. Vì thế việc kiểm soát dễ dàng hơn rất nhiều sau khi đã biết được cơ chế lây nhiễm. Dịch bệnh được kiềm chế ngay cả khi không có vaccine.

Ngược lại, những đại dịch năm 1889 và 1918 gây ra bởi virus cúm có mức độ lây lan tương đương tới virus corona chủng mới. Chúng có 3 làn sóng lây nhiễm, và sóng sau bao giờ cũng mạnh hơn sóng trước. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, chỉ trong 1 năm đã có 3 làn sóng nối tiếp nhau và hai sóng sau khiến gần 50 triệu người tử vong. Có thể là do virus biến đổi gen theo thời gian.

Ngoài ra một số nhà khoa học cũng cho rằng SARS-CoV-2 có xu hướng theo mùa giống như virus cúm mùa, và trong tương lai những đợt bùng dịch sẽ xảy ra vào mùa đông.

Và vì Trung Quốc đang có "không gian để thở", nước này cần chuyển trọng tâm từ chiến đấu với virus sang tìm cách sống chung với nó.

"Virus vẫn đang phát triển và biến đổi, do đó kiểm soát hoàn toàn là không thể. Cách duy nhất để tiến lên là hiểu rõ về nó, thích nghi và đảm bảo rằng virus sẽ không gây nên những đợt bùng phát trầm trọng vượt quá khả năng xử lý của hệ thống y tế hiện tại", Chan Kung, chuyên gia phân tích chính sách công tại công ty Anbound có trụ sở ở Bắc Kinh nói.

 Số ca nhiễm mới ở Vũ Hán là 0 nhưng các chuyên gia đang cảnh báo về một làn sóng thứ hai có thể bùng phát trở lại ở Trung Quốc  - Ảnh 1.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM