Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng nhanh, chuyên gia chỉ cách đơn giản để 'né' bệnh

08/07/2022 11:42 AM | Xã hội

Chỉ trong một tuần gần đây (từ ngày 28/6 đến 4/7) số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội đã tăng 36,5%. Riêng ngày 1/7 ghi nhận 298 ca mắc, điều này dấy lên lo ngại đợt dịch bùng phát mới.

Theo bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/7 của Bộ Y tế, nước ta có 913 ca Covid-19 mới, bệnh nhân nặng tăng hơn so với ngày 6/7. Đáng chú ý, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước ta duy trì ở mức cao trên 900 ca/ngày. Trong khi vào tháng 6, số mắc chững lại ở khoảng 600-700 ca mỗi ngày.

Tại Hà Nội, thống kê của CDC Hà Nội cho thấy trong tuần qua (từ ngày 28/6 đến 4/7), trên địa bàn thành phố có 1.538 ca mắc Covid-19. Trung bình ghi nhận 220 ca bệnh/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước. Đáng lưu ý, trong những ngày gần đây số mắc mới có xu hướng tăng nhanh (ngày 1/7 ghi nhận 298 ca bệnh/ngày).

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron tại cộng đồng. Biến thể này có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể trước đó.

Cùng với nguy cơ làn sóng dịch do biến chủng mới thì làn sóng dịch do biến chủng cũ cũng trỗi dậy do miễn dịch đang giảm dần kéo theo nguy cơ gia tăng các ca tái nhiễm.

Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng nhanh, chuyên gia chỉ cách đơn giản để né bệnh - Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ 

Lý giải với phóng viên về việc ca mắc tăng trong thời gian vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng có những nguyên nhân: do giảm miễn dịch, người dân chủ quan không áp dụng 5K khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao thương...

Theo đó, người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc miễn dịch do vắc xin suy giảm thì sẽ nhiễm lại. Đặc biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch.

Những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Diễn biến này tại nước ta cũng giống với nhiều nước trên thế giới.

PGS. TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, thời gian qua số ca mắc Covid-19 tại nước ta giảm sâu, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người không còn thói quen đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, trong không gian kín.

Ông Phu cho rằng, đeo khẩu trang là biện pháp dự phòng cá nhân không chỉ phòng Covid-19 mà cả cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Trong lúc này, chúng ta cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang.

Cụ thể, người dân có thể không cần phải đeo khẩu trang ở môi trường thoáng khí như khi tập thể dục, khu vực ngoài trời, không tiếp xúc gần. Tuy nhiên, tại những khu vực nguy cơ cao như phòng kín, tiếp xúc gần với người có triệu chứng thì nên đeo.

Ngoài ra, tại nơi đông người có điều kiện thì nên đeo khẩu trang để phòng bệnh một cách linh hoạt.

“Tại khu vực ngoài trời, không có nguy cơ cao thì có thể dùng khẩu trang vải, vừa chống ô nhiễm bụi bẩn lại có thể tái sử dụng, giặt đi giặt lại dùng nhiều, tránh việc lãng phí khẩu trang y tế. Nếu toàn bộ người dân đều đeo khẩu trang y tế thì không những tốn kém về kinh tế mà còn làm ô nhiễm môi trường trường vì hằng ngày thải bỏ lượng lớn do không tái sử dụng được.

Trong thời điểm này, việc đeo khẩu trang là cần thiết đặc biệt khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng cần có sự linh hoạt. Người dân không nên chủ quan, bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang, điều này rất nguy hiểm. Đặc biệt khi vào các cơ sở y tế, tiếp xúc với người có triệu chứng thì càng cần phải đeo khẩu trang”, TS Phu nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đeo khẩu trang, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong đó khuyến khích và nêu cao ý thức phòng bệnh cá nhân như sát khuẩn tay, phòng bệnh trong môi trường kín, tiếp xúc gần trong đám đông…

Người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác. Ngược lại, người lành không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt để phòng bệnh…

Đặc biệt, tiêm vắc xin cũng cần được lưu ý, trong đó cần tiêm nhắc lại cho các đối tượng nào để đảm bảo duy trì miễn dịch.

Đồng tình với quan điểm này, ông Khổng Minh Tuấn, PGĐ CDC Hà Nội cho rằng, người dân cần thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 (mũi 3,4) dù trước đó đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản (mũi 1,2) thậm chí đã mắc Covid-19.

Lý do là bởi vì, có những bệnh như sởi, bại liệt…, miễn dịch tạo ra bền vững suốt đời nhưng với những bệnh như cúm thì miễn dịch chỉ kéo dài dưới 1 năm, do đó, cần tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm.

Với vắc xin phòng Covid-19 cũng vậy, miễn dịch sau tiêm vắc xin hay sau khi mắc Covid-19 rất ngắn, không bền vững và sẽ giảm dần sau 4-6 tháng. Do đó, người dân cần tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19.

“Mắc bệnh là tạo ra miễn dịch thụ động, còn tiêm vắc xin vào cơ thể là tạo ra miễn dịch chủ động. Nhiều nghiên cứu cho thấy, với bệnh Covid-19, kháng thể tạo ra từ miễn dịch thụ động và chủ động đều như nhau, đều có thời gian ngắn, không bền vững.

Do đó, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh. Nếu có mắc bệnh thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường.

Tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Nếu ngày tiêm vắc xin theo lịch mà bị ốm hoặc bị Covid-19 thì nên tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Lưu ý với mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì phải chờ đủ 3 tháng sau khi khỏi Covid-19 mới cần đi tiêm”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

N. Huyền

Cùng chuyên mục
XEM