Sinh vật 42.000 năm tuổi hồi sinh sau khi được rã đông khỏi băng vĩnh cửu
Đi kèm với khám phá khoa học tuyệt vời là những nguy cơ không lường trước từ băng vĩnh cửu.
Các nhà khoa học vừa rã đông một mẫu băng vĩnh cửu có niên đại 40.000 năm, hành động này cũng đã hồi sinh những con giun tròn đông cứng trong băng suốt 40 thiên niên kỉ. Chỉ trong vòng vài tuần sau khi thức giấc, giun đã có thể chuyển động và có khả năng ăn trở lại. Đây chính là kỉ lục thời gian mà một con vật có thể sống sót trong điều kiện đóng băng.
Ngoài đẩy xa giới hạn chịu đựng của loài vật, việc con giun sống sót còn mở ra những hướng nghiên cứu mới, cho chúng ta thêm dữ liệu để hoàn thiện công nghệ bảo quản mô sống.
Các nhà sinh vật học người Nga đã khai quật 300 mẫu băng vĩnh cửu từ nhiều niên đại khác nhau, tại nhiều khu vực khác nhau xung quanh Bắc Cực rồi mang về phòng thí nghiệm tại Moscow để nghiên cứu kĩ càng hơn. Những mẫu băng vĩnh cửu lấy về từ những vùng xa xôi chứa giun tròn, sau khi rã đông và lấy giun ra, họ đặt giun vào một đĩa petri, bơm vào đó dinh dưỡng.
Nằm vài tuần trong nhiệt độ ấm 20 độ C thì phát hiện thấy dấu hiệu sự sống trên giun. Một vài con thuộc giống Panagrolaimus, nằm ở độ sâu 30 mét trong một hang kín, đóng băng vào khoảng 32.000 năm trước.
Một vài con khác thuộc giống Plectus, nằm trong tảng băng vĩnh cửu sâu 3,5 mét so với mặt đất, có niên đại khoảng 42.000 năm tuổi.
Đã có nghi ngờ những con giun này không thực sự già đến thế, nhưng có những lý lẽ khẳng định tuổi đời nhiều thiên niên kỉ của chúng. Dù giun tròn không chui xuống sâu đến thế, nhưng việc rã đông theo mùa chỉ chạm tới độ sâu 80 centimet, không hề có dấu hiệu rã đông xuống sâu 1,5 mét kể cả trong giai đoạn ấm áp nhất của 9.000 năm qua.
Các nhà khoa học Nga có thể tự tin khẳng định những con giun này vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Tuy nhiên, không phải lần đầu tiên ta làm được việc này: năm 2000, các nhà khoa học lấy bào tử của vi khuẩn nằm trong tinh thể muối có niên đại 250 triệu năm ra hồi sinh và họ đã thành công.
Lần này ấn tượng hơn nhiều, khi mà mô sống phức tạp thì rõ là … phức tạp hơn mấy con vi khuẩn. Vì thế, phát hiện được động vật ngủ đông suốt 42.000 năm quả là khám phá đáng chú ý. Giun tròn vốn là loài sống dai, nhưng kỉ lục trước đây mới chỉ là 39 năm chứ không tính bằng chục nghìn năm như thế này.
Phân tích kĩ cơ chế sinh học mà những con giun này sử dụng để hạn chế ảnh hưởng của băng lên mô sống, cũng như tránh được việc ADN bị oxy hóa suốt nhiều thiên niên kỷ, ta sẽ có được công nghệ đóng băng mô sống hiệu quả hơn. Trước là để lưu giữ cơ quan nội tạng, sau là để lưu giữ toàn bộ cơ thể sinh vật để hồi sinh.
"Hiển nhiên là khả năng sống dai này cho thấy loài giun tròn có những cơ chế thích nghi có vai trò quan trọng trong các khía cạnh nghiên cứu khoa học như dược phẩm lạnh, sinh học lạnh hay thậm chí là sinh vật học vũ trụ", báo cáo nghiên cứu viết.
Nhưng khám phá này cũng có những mặt tối của riêng nó.
Nhiều người lo ngại về việc các mầm bệnh ngủ sâu trong băng vĩnh cửu sẽ phát tán ra ngoài. Bản thân giun tròn thì chẳng đáng lo ngại, nhưng khả năng sinh tồn của nó cho thấy rằng có thể có những loài khác nguy hiểm hơn tồn tại trong băng.
Mong rằng tương lai đen tối ấy sẽ không tới.