Simcha Blass - "cha đẻ" hệ thống tưới nhỏ giọt huyền thoại của người Do Thái: Từng bị các học giả lỗi lạc hoài nghi và chê bai, mất 40 năm để biến ý tưởng thành cuộc cách mạng tưới tiêu

26/09/2019 14:35 PM | Kinh doanh

Simcha Blass là cha đẻ của hệ thống tưới tiêu nông nghiệp hiện đại Israel. Hệ thống này cho phép nhỏ từng giọt nước xuống cây trồng trong mỗi lần tưới. Đây là phương pháp giúp quốc gia Do Thái này trở thành cường quốc về nông nghiệp ở sa mạc.

Ý tưởng vĩ đại từ giọt nước rò rỉ

Simcha Blass sinh năm 1897 trong một gia đình Do Thái ở Ba Lan. Từ bé, ông đã rất hứng thú với những thiết bị kỹ thuật tinh xảo, như đồng hồ. Sau Đệ nhất thế chiến (1914-1918), ông tu nghiệp tại học viện kỹ thuật Ba Lan và thực hiện một số nghiên cứu về năng lượng thay thế xăng dùng cho động cơ đốt trong. 

Đến đầu năm 1930, cũng như nhiều người Do Thái khác, ông rời châu Âu về "Miền đất hứa" Palestine nhằm tránh tình trạng bài Do Thái gia tăng ở Ba Lan.

Trong dịp tình cờ đến nhà người bạn ở thị trấn Karkur, Blass trông thấy một hàng cây thẳng tắp trên cánh đồng gần nhà bạn mình. Điều kỳ lạ là cội cây cao to nhất trong hàng lại mọc cạnh một chiếc vòi nước bị rỉ giọt.  

Bị tò mò, Blass quyết định đào đất lên và tìm thấy một vùng nước đang cung cấp độ ẩm cho bộ rễ của cội cây kia. Sau đó, Blass lên ý tưởng tạo ra hệ thống tưới tiêu mà ông tin có thể tiết kiệm được lượng nước và phân bón khổng lồ, với những đường ống dẫn nước đường kính hẹp có chứa các lỗ nhỏ.

Tuy nhiên đa số học giả và nông dân ở Hatzerim hoài nghi ý tưởng này của Blass. Họ không tin lượng nước ít ỏi có thể giúp cây trồng sinh trưởng và cho năng suất vượt trội. 

Từ bao đời nay, nông dân Do Thái cũng như nhiều dân tộc khác vẫn dùng phương pháp tưới ngập để cung cấp nước cho đồng ruộng. Cách thức này đã có từ nhiều nghìn năm trước Công nguyên và vẫn duy trì đến thế kỷ XX.

Thông thường, người nông dân đào những kênh dẫn nước từ sông vào vùng canh tác. Chúng tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng lãng phí đến hơn 50% lượng nước tưới tiêu. 

Rễ cây chỉ hấp thụ một phần nhỏ nước tưới, còn đa phần nước bốc hơi trên mặt đất. Là một quốc gia nghèo, Israel không được phép lãng phí dù chỉ một giọt nước.

Thế là Blass thuyết phục công xã bằng một cam kết nhượng lại toàn bộ quyền sử dụng phát minh của mình cho công xã. 

Đổi lại, ông được nhận một khoản tiền bản quyền nhỏ mỗi khi diễn ra các vụ mua bán liên quan đến phát minh này trong tương lai, cùng 20% cổ phần của công ty tưới tiêu tương lai ở Hatzerim. Tuy vậy, dự án này bị trì hoãn hơn hai mươi năm vì chiến tranh trong khu vực.

Mãi đến năm 1956, Simcha Blass mới có cơ hội thực hiện dự án tưới tiêu nhỏ giọt. Bấy giờ, Isael đang rất thiếu thốn kim loại, vì thế Blass quyết định sử dụng nhựa làm đường ống dẫn nước vì giá thành rẻ. 

Bốn năm sau, ông tiến hành thành công cuộc thí nghiệm trên khu vườn có 70 cây ăn quả ở thành phố Rehovot, Israel. Dù chỉ cung cấp lượng nước bằng 30% phương pháp thông thường nhưng cây cối ở đây vẫn cho năng suất ngang các khu vườn khác.

Những cuộc thử nghiệm về sau đều cho thấy với mọi giống cây và khu vực địa lý, cách tưới nhỏ giọt đều mang lại hiệu quả vượt xa so với tưới ngập hay tưới phun.

Simcha Blass - cha đẻ hệ thống tưới nhỏ giọt huyền thoại của người Do Thái: Từng bị các học giả lỗi lạc hoài nghi và chê bai, mất 40 năm để biến ý tưởng thành cuộc cách mạng tưới tiêu - Ảnh 1.

Cuộc cách mạng tưới tiêu sau 40 năm kiên trì thực hiện ý tưởng

Tuy nhiên, Blass không phải là người đầu tiên nghĩ ra cách tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp. Người Trung Hoa đã thực hiện điều này vào thế kỷ I. Ở nước Đức thập niên 1860, các kỹ sư từng thử sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt bằng đường ống đất sét ngầm. Người Úc cũng sử dụng nhựa cho hệ thống tưới nhỏ giọt của họ.

Vậy hệ thống tưới nhỏ giọt của người kỹ sư Do Thái có gì khác biệt? Trong hệ thống của Blass, ông dùng một thiết bị nhỏ giọt có đường ống dẫn nước siêu nhỏ hình xoắn ốc giúp giảm vận tốc của nước còn 3-5 giọt/giờ, từ đó tăng tối đa độ thấm của dòng nước đến với bộ rễ của cây. Thế nhưng cuộc cách mạng về tưới tiêu trồng trọt không bằng phẳng và dễ dàng như vậy...

Khi Blass mang hệ thống mới đến Bộ Nông nghiệp Israel để đăng ký sáng chế, một vài thí nghiệm đầu tiên thất bại do các ống nhựa lắp không chính xác, thậm chí khiến rễ cây mọc vào trong thiết bị nhỏ giọt gây tắc ngẽn dòng nước. 

Trong dịp thử nghiệm cuối cùng đầu thập niên 1960, vận may đã mỉm cười với ông. Vườn hoa quả thực nghiệm của Bộ đã sinh trưởng với lượng nước tiêu thụ ít hơn song cho năng suất cao hơn. Chính phủ đồng ý cho Blass được lắp đặt hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt cho các trang trại và công xã ở Israel.

Tin tức này lan nhanh đến công xã Haterzim, tháng Giêng năm 1966, họ mời ông đến Haterzim tham quan nghiên cứu tình hình phát triển nông nghiệp ở đây và đề xuất thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận hồi thập niên 1930. Hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt chính thức mang tên Netafim (những giọt nước trong tiếng Do Thái) và được thương mại hóa.

Simcha Blass - cha đẻ hệ thống tưới nhỏ giọt huyền thoại của người Do Thái: Từng bị các học giả lỗi lạc hoài nghi và chê bai, mất 40 năm để biến ý tưởng thành cuộc cách mạng tưới tiêu - Ảnh 2.

Tháng 8/1966, công ty Netafim lần đầu tiên bán sản phẩm của mình cho các trang trại trồng nho ở khu định cư Bnei Atarot.

Cũng trong năm này, nhờ những mối quan hệ trước đây ở Bộ Nông nghiệp Israel, Simcha Blass thuyết phục được bốn khu định cư trong thung lũng Arava (miền nam Israel) tiến hành thí nghiệm so sánh hệ thống tưới phun lúc đó và công nghệ của Netafim. 

Trong vòng một tháng, những luống rau được tưới phun không thể sinh trưởng nhanh như những luống rau được tưới nhỏ giọt. Việc áp dụng Netafim giúp các khu định cư Arava trở thành một trong những nhà cung cấp rau quả vụ đông hàng đầu ở châu Âu.

Sau Arava, các khu định cư khác khắp Israel bắt đầu sử dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt của Netafim cho những trang trại trồng dưa, dưa hấu, chà là, hoa, bông và mía. 

Cựu CEO của Netafim là Oded Winkler nhớ lại: "Lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu tưới nhỏ giọt, tất cả các học giả Israel đã giải thích cho chúng tôi tính bất khả thi của hệ thống này, cho rằng nó sẽ giết chết cây trồng. Chúng tôi phải mất tới hơn 5 năm (đến năm 1971) mới chứng minh được rằng những luận điểm như vậy chỉ mang tính lý thuyết chứ không phải những gì diễn ra trên thực tế".

Đến năm 1970, do sức khỏe sút kém, Simcha Blass đã bán toàn bộ bản quyền của mình cho Netafim đổi lấy một khoản tiền đủ để ông sống xa hoa đến cuối đời.

Hiện nay công ty Netafim vẫn đóng vai trò then chốt trong công cuộc gia tăng trồng trọt và cứu tế cho những vùng bị nạn đói hoành hành. 

Họ nắm giữ 30% thị phần thiết bị tưới tiêu nhỏ giọt và có đối tác ở hơn 110 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm của Netafim hiện nay cho phép thiết bị tự điều chỉnh theo nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường. Công ty cũng đang áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) cho các phức hợp tưới tiêu nông nghiệp đồ sộ hơn trong tương lai.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM