“Chào mấy đứa”, nụ cười tươi rói và chất giọng ấm của Vũ Cẩm Nhung cất lên, đánh thức không gian an tĩnh của lầu 1 căn biệt thự chiều cuối tuần. Người đàn bà đẹp từ lầu bước xuống đón chúng tôi như đã hẹn trước.
Trong chiếc váy suông và chiếc cardigan dài mềm mại khoác nhẹ, cựu siêu mẫu thật gần gũi, khác hẳn với hình ảnh người đàn bà sắc sảo, quyền lực trong bộ suit may khéo mà tôi được vài lần được diện kiến trong các sự kiện. Điều duy nhất Vũ Cẩm Nhung không thay đổi, dù ở nhà hay đang tất bật trong những sự kiện có lẽ là vẻ đẹp sắc sảo, năng lượng tích cực và nét đàn bà hơn bất cứ người đàn bà nào tôi từng biết.
Trước khi được biết tới như một siêu mẫu thế hệ đầu tiên của Việt Nam với danh hiệu Siêu mẫu châu Á 1994, Vũ Cẩm Nhung chỉ là cô bé con có ngoại hình “lệch chuẩn” suốt ngày nhảy nhót nô đùa trong khu tập thể Bách khoa, Hà Nội. Trước khi bước vào cấp 3, Nhung đã nhận ra sự khác biệt của mình với chúng bạn. Cô cao và gầy nhẳng, miệng rộng, mắt nhỏ, lông mày thưa và xếch, trong khi chuẩn đẹp lúc đó là cao tầm 1m58, mặt bầu bĩnh, mắt to tròn, lông mày rợp. Nhưng mẹ của cô - một giáo viên dạy môn thể dục - thì luôn nói con gái rằng: “Con có thể làm được rất nhiều điều đặc biệt”.
Và Nhung làm được nhiều điều đặc biệt thật, cô có nhiều năm học đứng đầu lớp, cấp 3 đỗ vào lớp chuyên giỏi nhất trường Thăng Long. Vũ Cẩm Nhung cũng đỗ vào đại học danh giá dù cả cấp 3 vừa đi học, cô còn vừa làm người mẫu thời trang và tham gia rất nhiều hoạt động của trường, đoạt giải nhất hùng biện của trường, của quận, của thành phố.
Nhưng điều đặc biệt không phải là một món quà mà ai xin cũng có. Hơn ai hết, Vũ Cẩm Nhung đã rất cố gắng, đã có một cuộc chiến không khoan nhượng với chính mình để gặt hái được thành quả của bản thân.
“Trước khi vào đường đua, những con ngựa đua sẽ được nài ngựa che mắt 2 bên để nó không bị phân tâm, không bị nhiễu loạn thông tin, chỉ tập trung vào chạy để đạt thành tích tốt nhất. Trước 40, tôi như một con ngựa đua và luôn ở trong tình trạng che mắt như vậy”. Người đàn bà đẹp “tự thú” về mình.
Từ khi mới 4 - 5 tuổi, Nhung đã cùng mẹ tập thể dục nhịp điệu. Lớn hơn một chút, trong căn hộ tập thể 15m2, Nhung mở báo ra tập nâng chân để đùi thon eo nhỏ theo bài tập của Cindy Crawford. Lớn hơn chút nữa thì đi bộ, chạy bộ ở công viên Lênin. Cô cứ tập luyện đều đặn mỗi ngày như vậy cho tới tận khi lấy chồng thì mới có điều kiện chuyển sang tập phòng gym.
Còn lúc ấy, Nhung tập chỉ vì… đẹp. Ý thức về thân hình khác thường của mình, Nhung nỗ lực để cao mà không to. Cô học mẹ cách đứng thẳng lưng vì nghĩ “nếu mình vừa cao mà vừa gù lưng thì rất xấu”. Cô cũng chọn cách bỏ áo vào trong quần để khoe vòng eo nhỏ xíu, cảm nhận được những ánh mắt liếc sau lưng từ các bạn trai trong trường mỗi khi sải bước dọc hành lang.
16 tuổi, Vũ Cẩm Nhung nhận show diễn đầu tiên sau khi được phát hiện từ cuộc thi Hoa khôi thanh lịch của trường. 18 tuổi, Nhung giành giải siêu mẫu. Những show diễn cứ thế dày lên nhưng việc học không vì thế mà giảm bớt.
“Tôi không thể nào bị điểm kém được. Một bài điểm 6, 7 là tôi nhục cả tháng cả năm vẫn ghi trong đầu. Nên việc vào lớp tốt nhất hay đứng trong tốp đầu là một quyết định. Tôi đã đưa ra quyết định thì phải làm, không có sự lựa chọn”.
Để đạt được mục tiêu, Vũ Cẩm Nhung học mọi lúc mọi nơi. Chị bảo, vì không thông minh, học chậm, nên chị vẫn thường chạy bộ sang nhà các bạn, đem theo sách để nhờ bạn giảng bài. “Hội bạn chơi cùng với tôi, ai cũng phải dạy tôi học hết. Đến đại học, tôi cũng bám lấy những đứa học giỏi. Tôi cứ đến nhà chúng nó, ngồi lì ở đó bảo mày giảng bài cho tao”.
Cứ thế, Nhung muốn gì thì Nhung sẽ phải làm được. Đó là danh dự của Nhung. Sự cầu toàn của Nhung cực đoan tới mức, nếu Nhung đi thi thì Nhung phải đạt giải Nhất. “Một lần tham gia cuộc thi người mẫu ở Singapore, tôi luôn nghĩ tôi phải được giải nhất. Tôi còn không quan tâm có những ai trong cuộc thi ấy. Khi được giải nhì, tôi đập luôn đầu vào tường, vì không thể tin rằng điều đó có thể xảy ra…”, Nhung kể.
Sự kiêu hãnh và nỗ lực không ngừng nghỉ đã làm cho cái tên Vũ Cẩm Nhung trở thành một phần hồi ức tráng lệ của những bé gái mê thời trang thập niên 90 thế kỷ trước. Cặp mày xếch, ánh mắt sắc mà ấm, chiếc mũi thanh nhỏ, làn môi trên rướn nhẹ sexy mà lúc cười lại đầy phóng khoáng lệch chuẩn của thời ấy, lại thành điểm đặc biệt khiến nhiều người phải nhớ.
Đến bây giờ, khi ở độ tuổi 43, chị vẫn là mơ ước của rất nhiều người - cả đàn ông lẫn đàn bà với làn da bóng khỏe mạnh, nụ cười rạng rỡ, sự tự tin ấm áp ngời lên trong ánh mắt và hơn cả, là một sự đằm thắm của người đàn bà đi qua nhiều biến cố, biết rất rõ mình là ai.
Thế nên nếu chị không kể, tôi sẽ chẳng thể nào tìm thấy dấu vết của những năm tháng chị không còn thiết sống, những năm tháng chị sa lầy trong cái hố bẫy của chính mình chỉ vì cái lẽ cứng cỏi cao ngạo “Tôi là Vũ Cẩm Nhung”. Vũ Cẩm Nhung: ngựa chiến, Vũ Cẩm Nhung: người đàn bà mạnh mẽ và lý trí, sao có thể trầm cảm được?
Vũ Cẩm Nhung biết chính xác mình rơi vào trầm cảm từ sau cú sock mẹ ruột bị ung thư phổi. Nhưng chị cũng biết rõ, đó là hành trình dài bởi nhiều thứ diễn ra từ từ: 9 năm tìm kiếm một đứa con với 20 lần thụ tinh ống nghiệm thất bại, vô số lần sẩy thai và sinh non; nhiều năm làm việc với tinh thần của một con ngựa chiến, mạnh mẽ cho bất cứ ai dựa vào mình; công việc phó Tổng giám đốc của một thương hiệu dược mỹ phẩm phải suy nghĩ và đi lại quá nhiều, lại cộng thêm việc ăn kiêng sai cách - loại bỏ quá nhiều tinh bột, tập luyện những môn tốn nhiều năng lượng.
Chị kể trước khi bác sĩ kết luận trầm cảm, chị đã có hơn một năm phải dùng thuốc ngủ loại nặng để ngủ. “Tôi như rơi vào một hố đen. Nó khủng khiếp còn hơn án tử ung thư. Tôi vẫn tự tin mình là người rất lý trí, đọc rất nhiều sách. Thế mà khi sự việc xảy ra tôi vẫn muốn giấu như thể sợ người ta nghĩ mình bị điên”. Dù chị biết rõ, trầm cảm còn tệ hại hơn điên nhiều lần.
Có lẽ bản tính cầu toàn, duy mỹ lại knock out Vũ Cẩm Nhung một cách ngỡ ngàng. “Tôi làm việc như bị điên. Tôi can thiệp vào mọi sự. Tôi cứ nghĩ rằng nếu mình không đưa ra quyết định thì không ai quyết định được. Khi việc của mẹ xảy ra, tôi vẫn giải quyết mọi thứ, vẫn tỏ ra mạnh mẽ, vẫn tính trước tất thảy.
Nhìn thấy mẹ vuốt tóc, đầu tôi đã hình dung đến một ngày đẹp trời mẹ không còn sợi tóc nào thì tôi sẽ mua những cái nơ gì cho mẹ dùng. Tôi tính toán tất cả như vậy rồi chạy vào nhà vệ sinh đóng cửa, khóc trong đúng 1 phút, sau đó dấp nước vào mắt rồi lại gồng lên chạy ra ngoài. Tôi chỉ cho phép mình khóc 2 - 3 lần một phút như thế. Cảm xúc của tôi bị ứ lại. Tự tôi đẩy mình rơi xuống hố đen”.
Nhưng chị là Vũ Cẩm Nhung kia mà, chị là con của bố mẹ, chị còn Nam Anh, chị không thể nào buông thả bản thân chìm mãi trong vũng lầy tăm tối kia. Nhung bắt đầu hợp tác với bác sĩ để điều trị tích cực. Thuốc giúp hệ thần kinh đang căng của chị chùng xuống.
Và thật may mắn, một cơ thể khỏe mạnh do tập luyện đều đặn từ khi còn là một cô bé tiểu học cùng nghị lực trui rèn và tình yêu của người mẹ, của chồng và cả tình yêu dành cho con đã giúp người đàn bà đẹp luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc, luôn cần chiến thắng các cuộc thi vượt qua kỳ thi khó nhất đời mình từ khi chào đời.
Đời người, chẳng ai mong muốn những biến cố, giông bão bất ngờ sẽ đến để xáo trộn cuộc sống đang vào guồng và hoạt động trơn tru. Nhưng dù muốn, dù không ta phải thừa nhận với nhau, những biến cố, khúc ngoặt ấy, dù đớn đau nhưng đôi khi lại là phép thử cho sự chuyển biến và trưởng thành thực sự. Đôi khi là đánh dấu một cuộc hồi sinh.
Hơn 1 năm kiên trì uống thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, tập thở và thiền, ăn uống theo thực dưỡng một cách khoa học, đọc các cuốn sách tâm hồn được bạn bè tặng thay cho các sách kinh tế như trước, dần dần, tâm hồn Vũ Cẩm Nhung được vuốt ve, dịu hơn, chùng lại.
Một cái tôi cũ đã chết, một cái tôi mới cựa quẫy tái sinh mềm mại hơn, thấu hiểu hơn và cho phép mình được là chính mình hơn.
Vũ Cẩm Nhung kể rằng, trước đây, chị là người đàn bà thép bao nhiêu, không khoan nhượng bấy nhiêu “đúng là đúng, sai là sai, không bào chữa, không nhún nhường”, một Vũ Cẩm Nhung trước đây sẵn sàng quyết đoán đến lạnh lùng: “Đừng bao giờ nói với tôi là không thể, tôi sẽ cho anh 30 phút”, thì giờ đây, trước mọi sự, chị dịu lại, chị biết lắng nghe hơn, thấu cảm hơn để tìm giải pháp. Nếu trước đây có phần áp đặt với nhân viên thì giờ chị từ tốn: “Được, cứ bình tĩnh suy nghĩ đi em”.
Hơn hết một Vũ Cẩm Nhung không cho phép mình yếu đuối, luôn cho phép bất cứ ai dựa vào mình, tước đoạt của mình cái quyền được sơ sẩy trong cuộc đời giờ nhận ra hoá ra mình chẳng mạnh mẽ đến thế đâu.
Vũ Cẩm Nhung cười giòn bảo, “Sau trầm cảm, tôi thấy tôi hiểu về mình hơn, rằng tôi là người yếu đuối. Tôi chấp nhận cho mình yếu đuối, cho phép mình nghỉ ngơi. Tôi làm việc chậm lại, nếu mệt thì sẽ nghỉ”. Mỗi tối thay vì trở về nhà lúc 7, 8 giờ thì chị về nhà lúc 5 giờ để dành nhiều thời gian bên hai con. Việc chưa làm được ngay có thể 1 ngày sau hay 1 tiếng sau làm. “Tôi hiểu rằng chẳng có gì là chết kể cả chết đến tận nơi cũng bình thường”. Và kỳ diệu thay, mọi việc vẫn hoạt động trơn tru ngay cả khi chú ngựa đua chịu chậm lại một chút.
Đi qua trầm cảm, Vũ Cẩm Nhung vẫn duy trì nếp sống lành mạnh để hồi sinh thực sự. Căn bệnh trầm cảm đã cho một Vũ Cẩm Nhung trưởng thành sau bài học quá lớn ở tuổi mà người ta cứ nghĩ đã chín muồi. Người đàn bà đẹp nhẹ giọng bảo suốt thời gian ấy, ngoài mẹ, người ở bên cạnh động viên đến cùng còn là anh Nhật chồng chị.
Người đàn ông đó vì chị mà chấp nhận chịu nhiều thiệt thòi. Và đó cũng là người đàn ông mà dù chị có phũ phàng bảo anh đi tìm hạnh phúc mới, tìm người đàn bà có thể sinh cho anh những đứa con, anh vẫn nén nước mắt trong họng mà nói với chị rằng: “Anh không cần con. Anh chỉ cần ở bên em đến hết cuộc đời”.
Hành trình 20 lần làm thụ tinh ống nghiệm để sinh con trong 9 năm trời đã được Vũ Cẩm Nhung thuật lại trong cuốn tự truyện “Bao giờ thì đúng lúc”. Nhưng có trực tiếp nghe chị nhắc lại quá khứ mới cảm nhận được tận cùng đau đớn, tận cùng bế tắc, tận cùng khát khao của “người đàn bà thép”.
Có lẽ chị không đủ sức để kể lại toàn bộ 9 năm với hàng chục ca thủ thuật, hàng chục cuộc mổ xẻ, hàng chục lần chết đi sống lại với những đứa con chưa kịp thành hình hài, cả những đứa con không đủ duyên mà ở lại sau ca đẻ non. Thuốc mê vào người chị nhiều đến mức sinh nghiện. “Cảm giác khi thuốc mê truyền vào người, cơ thể mình bay lên, hạnh phúc từng tế bào. Tôi đã bất giác nghĩ tới những người nghiện ma túy”.
Những năm đầu điều trị hiếm muộn, ra vào bệnh viện Từ Dũ nhiều lần, nhưng Vũ Cẩm Nhung không thể nào quen được. Chị bảo: “Còn sợ hơn là lên pháp trường”. Nhiều lần thất bại, Vũ Cẩm Nhung đau đớn và chán nản. Nhưng chị thương chồng quá, bởi vì anh chẳng chịu bỏ chị để đi lấy người khác. Anh cũng không bao giờ than vãn, trách móc hay tỏ ra thất vọng trước mặt chị.
Người đàn ông ấy nói với chị rằng: “Anh chỉ muốn có con với một mình em”. Thế là, dù có kiệt sức tới đâu, sau mỗi lần sảy thai hoặc sinh non, chị vẫn cố gắng nén đau đứng dậy tập đi. Tập đi chậm, rồi đi nhanh, rồi chạy bộ, rồi tự tiêm thuốc, chuẩn bị sức khỏe lẫn tinh thần để bắt đầu vào một cuộc chiến mới. Bởi vì chị là Vũ Cẩm Nhung, nên chị không thể thất bại. Hai em bé một trai một gái lần lượt ra đời vào năm 2011 và 2017 như một sự bù đắp cho tình yêu và sự kiên trì không mỏi mệt của vợ chồng chị.
17 năm bên nhau, Vũ Cẩm Nhung vẫn giữ thói quen đón chồng mỗi khi anh đi công tác về. Trước đây khi chưa có con, chị bế theo chú chó cưng Tin Tin ra tận phi trường đón anh. Còn giờ, chị sẽ dắt hai con nhỏ từ trên lầu ra tận cửa để ôm hôn người cha của lũ trẻ. Trước lúc ấy không quên bật sẵn máy lạnh ở chế độ nhiệt mà anh ưa thích. Anh cũng sẽ luôn ở cửa với hai con trong tay mỗi lần chị đi xa trở về. Và hễ lũ trẻ lao vào hôn anh, anh sẽ nhắc các con ra hôn mẹ nữa.
Người đàn bà không bao giờ cho phép mình thất bại là chị lại chẳng bận lòng với câu lạc bộ những người hâm mộ nữ giới của anh ở ngoài kia. Song càng không an phận thủ thường trong gian bếp để tận hưởng cuộc sống xa hoa làm dâu hào môn. Không phải vì chị ham kiếm tiền, không phải vì chị mê quyền lực, càng không phải vì chị kiêu hãnh đến độ không muốn dựa vào bất kỳ ai cho dù là chồng.
Vũ Cẩm Nhung giãi bày: “Nếu tôi không ra ngoài làm việc thì một sợi tóc bạc của chồng tôi cũng không thể nào hiểu được. Bởi vì một sợi tóc bạc là cả cái thương trường. Nếu tôi không thực sự dấn thân vào trải nghiệm thì không bao giờ đồng cảm và sẻ chia được với chồng dù anh ấy ngày nào cũng ở bên kể chuyện cho tôi nghe. Tôi có hiểu được thì mới yêu thương được anh ấy và giữ chân được anh ấy bên mình”.
Còn đối với Nam Anh và Vi Anh, chị bảo vợ chồng chị thống nhất với nhau không đặt áp lực kế nghiệp lên vai con. Chị cho con học ở trường tốt nhất, nhưng để chúng tự phát triển theo ước mơ của chúng và chỉ đóng vai trò quan sát định hướng cho con.
“Nam Anh và Vi Anh làm gì cũng được, miễn chúng trở thành người có ích, chúng học không cần giỏi cũng được, miễn là cái “gốc” vun đắp từ tình yêu thương, sự chân thành và biết sẻ chia của chúng tốt”.
Và điều chị Nhung tự hào nhất về lũ trẻ của mình không phải là chúng học rất giỏi, không phải sự thông minh trời phú mà là trái tim ấm áp. “Nam Anh được mọi người nhận xét là tình cảm nhất trường. Nó chân thành, yêu thầy yêu bạn, yêu cô là điều chị mừng nhất bởi với cái đó, em sẽ thành công” - ánh mắt bà mẹ siêu mẫu rạng ngời khi nói về con.
Nhưng tất nhiên cái gốc ấy chẳng tự nhiên mà đến. Nó được thấm dần vào lũ trẻ mỗi ngày, qua cái cách bố mẹ đối xử với nhau, với ông bà, với người trong nhà. Với chị Nhung, đó mới là cách giáo dục dạy con hay nhất, ảnh hưởng lớn nhất hơn muôn ngàn lời nói.
Làm tất cả cho con, thậm chí một trong những lý do chị Nhung ra sách cũng là để các con đang tiếp xúc quá nhiều với tiếng Anh trong môi trường quốc tế học tiếng Việt tốt hơn, ghi nhớ cội nguồn tốt hơn, nhưng vợ chồng chị cũng luôn có những nguyên tắc riêng.
Họ đã xác định Nam Anh và Vi Anh sẽ phải học và trải nghiệm mọi thứ, như có thể trong một giai đoạn nào đó, chúng sẽ phải thử làm bồi bàn để có thêm trải nghiệm, giống như mẹ chúng đã từng làm cách đây vài năm. Thậm chí Nam Anh sẽ chỉ được bố mẹ cho đi du học nước ngoài nếu cậu thi được vào top 20 trường đại học tốt nhất thế giới. Bởi có như vậy, lũ trẻ mới biết chúng cần cố gắng. “Còn nếu cái gì con cũng có sẵn rồi, thì chúng sẽ không thể tìm được ra con là ai. Mà nếu không đào được năng lượng trong người con, như thế rất phí”.
***
Ở độ tuổi ngoài 40, qua nhiều thăng trầm, người đàn bà giàu năng lượng tích cực càng trân trọng và sôi nổi hơn bao giờ hết với cuộc sống này. Chị vẫn tiếp tục say mê với công việc, chăm sóc gia đình, bắt đầu bắt tay vào những dự án môi trường cho cộng đồng. Bởi với Vũ Cẩm Nhung, đã được sinh ra làm con người thì phải làm được những điều có ích cho xã hội, thế thôi!
Trí thức trẻ