Siêu dự án Bến En gần 10.000 tỷ tại Thanh Hóa có gì?
Quần thể Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En có tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 21/12/2020 đã có văn bản số 17713/UBND-CN gửi Sở Xây dựng, UBND huyện Như Thanh về việc lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (nay là quy hoạch phân khu) Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En (Khu du lịch Bến En), huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý thống nhất chủ trương lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (nay là quy hoạch phân khu) Khu du lịch Bến En, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 02/02/2010).
Việc thực hiện lập điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 và Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và các quy định của pháp luật hiện hành.
Một phần cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Bến En. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa.
Trước đó, vào tháng 4/2016, nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En với tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng.
Dự án đươc chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng. Sun Group mong muốn xây dựng quần thể Khu du lịch Bến En thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế.
Dự án có tổng diện tích khoảng 1.492ha (theo quyết định số 439/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 2/2/2010 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 cho khu du lịch); được chia làm hai khu vực là khu vực tự nhiên (500 ha) và còn lại là khu vực sinh hoạt văn hóa.
Trong khu vực sinh hoạt văn hóa sẽ bao gồm nhiều phân khu nhỏ như: thương mại – dịch vụ; khách sạn – resort; căn hộ du lịch; biệt thự nghỉ dưỡng; công trình hỗn hợp, TDTT dự trữ; cắm trại, vui chơi giải trí ngoài trời; cây xanh – mặt nước; làng dân tộc; nông nghiệp sinh thái.
Định hướng của dự án là sẽ giữ nguyên hiện trạng môi trường tự nhiên của vùng đất. Về giao thông trong khu du lịch, ngoài hệ thống đường bộ nối liền Khu du lịch sinh thái Bến En với Cảng hàng không Thọ Xuân - Khu kinh tế Nghi Sơn và TP. Thanh Hóa sẽ hình thành các loại hình giao thông mới như cáp treo, tàu lượn, taxi trên mặt nước,...
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, liên quan đến việc phát triển "siêu dự án" Khu du lịch Bến En, trước đó, tháng 2/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 908/UBND-KTTC đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Du lịch và Bảo tồn sinh thái Bến En đầu tư dự án này, lúc đó, dự án có vốn dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản số 1330/UBND-THKH, quyết định chấm dứt các hoạt động của Công ty CP Du lịch và Bảo tồn sinh thái Bến En liên quan đến việc đầu tư dự án Khu du lịch Bến En. Lý do chấm dứt là từ năm 2012, UBND huyện Như Thanh đã tiến hành GPMB, đền bù diện tích gần 160 ha tại khu C, với khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng, để lấy mặt bằng giao nhà đầu tư.
Tuy nhiên, 4 năm qua, những người dân bị ảnh hưởng thì có cuộc sống lao đao, còn dự án bị treo, nhà đầu tư không hề triển khai như đã cam kết.
Tháng 4/2016, Sun Group và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ký kết ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Theo đó, Sun Group cam kết đầu tư Dự án "Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En" tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư là 9.990 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng.
Vườn quốc gia Bến En cách TP. Thanh Hóa 45 km về phía tây nam, không những là địa điểm nghiên cứu của các nhà khoa học, mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Vườn quốc gia này có tổng diện tích tự nhiên hơn 16.600 ha và 30.000 ha rừng vùng đệm.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng nhiệt độ trung bình ở đây chỉ ở mức 23 độ C.
Vườn có hệ thực vật gồm 462 loài, 125 bộ. Bên cạnh các loài quý hiếm như lim xanh, chò chỉ, vù hương... còn có các loại cây đặc sản có giá trị cao làm nguyên liệu cho sản xuất đồ mỹ nghệ, lấy dầu và trên 300 loài cây dược liệu.
Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú, có nhiều loài động vật quý hiếm như voi, sóc đá, gấu ngựa, hổ, báo, vượn...
Trong vườn quốc gia này còn có hồ Sông Mực với diện tích 4.000 ha, sâu hàng chục mét, hồ là thủy vực của bốn con suối lớn trong vùng. Hồ Sông Mực còn chia ra làm hai hồ, hồ Thượng rộng hơn 3.000 ha và hồ Hạ rộng chừng 800 ha.
Trên mặt hồ có 24 hòn đảo lớn, nhỏ tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, lại có thêm nhiều hang động kỳ ảo. Trên các đảo có rừng cây và một số giống chim, thú do con người nuôi dưỡng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.