Siết vay vốn để chặn bong bóng nhà, đất

22/02/2018 10:09 AM | Bất động sản

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có Công văn số 563 gửi các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng , chứng khoán.

Hạn chế phát sinh nợ xấu

Trong văn bản trên, thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán.

“Việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh” - thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc đưa ra thông điệp nêu trên ngay từ đầu năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, giải thích: Trong năm 2017 vừa qua, tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro như chứng khoán, BĐS… đã được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của nhà quản lý. Song NHNN vẫn chủ động yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ, kể cả tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng để giảm thiểu nợ xấu.

Tán đồng với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng gần đây tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng tăng trưởng rất nóng. Đáng lo ngại hơn là các ngân hàng đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng nhằm lách quy định hạn chế cho vay BĐS.

Cụ thể, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng rất mạnh, cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước (dư nợ cho vay tiêu dùng đang xấp xỉ mức 1,17 triệu tỉ đồng). Đặc biệt, tín dụng BĐS đang “ẩn nấp” trong tín dụng tiêu dùng là rất lớn: Tín dụng mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và hiện chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

 Siết vay vốn để chặn bong bóng nhà, đất  - Ảnh 1.

Ngay từ đầu năm, NHNN đã lưu ý các ngân hàng về việc cho vay bất động sản. Ảnh: THÙY LINH

Lo người mua nhà bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, với tư cách là nhà đầu tư địa ốc, ông Nguyễn Hữu Khánh, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, tỏ ra lo lắng việc siết vốn vào lĩnh vực BĐS sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó khi cần vốn vay để đầu tư. Bởi đây là kênh đầu tư vốn rất nhạy cảm với các biến động về chính sách tín dụng. Khi có bất cứ động thái thay đổi nào đều ảnh hưởng trực tiếp đến cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.

“Nhiều khả năng các chủ đầu tư tăng giá bán nhà, đất trong thời gian tới, nhất là với phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang” - ông Khánh dự báo.

Tại Công văn số 563, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cũng nhận định chắc chắn việc siết tín dụng sẽ tác động tính thanh khoản của các dự án địa ốc. Thực tế cho thấy để ứng phó với những biến động về các chính sách cho vay liên quan đến BĐS của ngân hàng, hiện nay không ít chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách nhằm giúp khách hàng vốn ít có thể mua nhà ở ngay; giúp khách hàng giảm thiểu khó khăn khi gặp phải những rào cản về vốn.

“Chẳng hạn như phương án cho người mua căn hộ đóng 30% giá trị hợp đồng. Thậm chí có dự án còn áp dụng các phương án thanh toán linh hoạt, giãn thời gian thanh toán lên đến 20 tháng đối với các sản phẩm nhà liền thổ” - bà Hương dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho rằng: “Việc siết vốn vào lĩnh vực tiêu dùng, BĐS, chứng khoán sẽ giúp hệ thống tài chính ngân hàng phát triển bền vững. Riêng đối với lĩnh vực địa ốc, các ngân hàng cũng cần lựa chọn dự án khả thi để cho vay, hạn chế việc cho vay ồ ạt để nợ xấu quay trở lại”.

Bên cạnh đó, việc siết lại cho vay BĐS có thể khiến doanh nghiệp lẫn người dân gặp khó nhưng sẽ tốt cho thị trường và ngân hàng cả trung và dài hạn. Bởi thị trường địa ốc, chứng khoán tăng trưởng nóng trong thời gian qua thu hút nguồn vốn rất lớn, từ đó có thể dẫn tới bong bóng tài sản được bơm dần lên. Đây là điều không tốt, thậm chí gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Tìm cách né quy định

Trong vài năm gần đây, tín dụng tiêu dùng, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng tăng rất mạnh, nhất là cho vay mua nhà đang chiếm thị phần rất lớn trong mảng cho vay tiêu dùng. Theo số liệu thống kê, tín dụng trong kinh doanh BĐS năm 2017 tăng 8,56% so với năm 2016, chiếm tỉ trọng 6,53% dư nợ nền kinh tế. Tín dụng lĩnh vực này tương đương khoảng 400.000 tỉ đồng.

Số liệu khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng thuộc NHNN cũng cho thấy cho vay mua và sửa chữa nhà ở luôn chiếm tỉ trọng trên 50% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Để né quy định của NHNN, nhiều ngân hàng không trực tiếp cho vay doanh nghiệp BĐS mà chuyển sang cho người tiêu dùng vay mua nhà và cho vay tài trợ vật liệu xây dựng.

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM