Shinzo Abe, mùa Thu mười bốn năm trước

30/08/2020 11:50 AM | Xã hội

Thời điểm thiên hạ đang sôi động với những lời bàn rằng sắp tới, sau khi từ chức cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ làm gì? Nhưng với những điều ấn tượng từ mùa Thu mười bốn năm trước, người viết bài này có cảm giác dẫu thời thế, hoàn cảnh thế nào, và thời điểm nào, ông cũng đều ấn tượng cả!

Trên chuyên cơ tháng 10/2006, trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam, người tôi nghĩ đến nhiều là ông bạn Minh Tuấn.

Trội nổi trong đám chuyên theo dõi khối nội chính cùng là viết phóng sự điều tra. Lanh lẹ xông xáo, phóng viên Minh Tuấn của báo Đại Đoàn kết còn có cách riêng khá hiệu quả để tiếp cận nhân vật, vấn đề cùng là hiệu suất công việc. Rồi sự kiện Minh Tuấn ứng cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trúng phiếu rất cao cũng như những ý kiến như rôm đốt các nhà chức việc thành phố bê trễ việc công trong những lần họp đã giành được không ít thiện cảm của cử tri. Nhưng cái cớ để cô phóng viên xinh xắn Keiko Wantanabe của tờ báo lớn nhất nước Nhật Yumouri Shimbun thường trú tại Hà Nội gần gụi rồi trở thành hiền thê hiền ngoan của Minh Tuấn có lẽ không chỉ có thế?

Có một câu như ngạn ngữ rằng, muốn yêu một đất nước nào thì nên yêu một con người cụ thể ở đất nước ấy? Tuấn đưa Keiko đi ăn bánh dầy Quán Gánh, cả món thịt chuột vùng Thạch Thất. Đi hát quan họ Bắc Ninh. Về coi hát chèo ở làng Khuốt… Sau khi mãn nhiệm phóng viên thường trú tại Việt Nam, Minh Tuấn và Keiko kết hôn. Rồi Tuấn sang Nhật định cư ở Nhật. Một thằng cu khôi ngô kết quả mối tình xuyên quốc gia ấy ra đời. Bản tánh vốn chịu khó, tháo vát và cũng ít nhiều thông minh, Tuấn nhanh chóng kiếm được chân dạy tiếng Việt ở Nhật...

Rất lấy làm ái ngại khi biết hai vợ chồng Tuấn và cháu nhỏ đã vượt gần hai trăm cây số bằng sekansen đến trung tâm Tokyo gặp lại đồng nghiệp cũ.

Thời điểm chuyến thăm ấy của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ sau ít ngày Lễ nhậm chức của Thủ tướng Shinzo Abe. Thủ tướng Việt Nam là khách mời đầu tiên của nội các Nhật mới.

Chuyện cũ ôn rồi, lại chuyện mới về tân Thủ tướng Nhật. Keiko kể lại hồi tờ báo của cô trong một cuộc trưng cầu dân ý đầu tháng 10 và tháng 11 năm 2005, 55% số người được hỏi tán thành Abe thay Koizumi (trong khi các Thủ tướng tiền nhiệm như Fukuda chỉ được 12%. Aso là 7% Tagogaky 3%). Người ta nói rằng chỉ cần Shinzo Abe giơ tay tuyên bố mình ra tranh cử là Shinzo Abe sẽ tức khắc đắc cử tắp lự!

Shinzo Abe tuổi Ất Mùi (sinh 1955) là Thủ tướng Nhật trẻ nhất từ thế chiến thứ 2. Shinzo Abe được coi là dòng dõi chính trị gia thuần túy.

Ông nội Shinzo Abe là Nobosuke Kihy, Thủ tướng Nhật Bản vào cuối những thập niên 1950. Ông chú của Shinzo cũng là một lãnh đạo Nhật trong 8 năm và cha ông làm Bộ tr­ưởng Ngoại giao. Cha ông, Shintaro Abe cũng có ứng cử Thủ tư­ớng những không thành và mất vì bệnh ung thư­ gan. Ông có hướng con trai vào chính trị. Nhà Shizo quê ở quận Yamaguchi thuộc thành phố Nagato trên bờ biển Nhật Bản.

Tác phong thoải mái, tiếng Anh lưu loát, Shinzo Abe đã từng học tại Học viện Nam California vào năm 1978.

Coi chương trình, Keiko biết có sự kiện cựu Thủ tướng Koizumi có cuộc tiếp Thủ tướng Việt Nam. Cô cho hay đó là người hơi bị thịnh tình với Việt Nam! Ông đã đưa nước Nhật vượng lại sau nhiều năm khủng hoảng.

Tôi chợt nhớ chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trên đường đi đã dừng lại ở Nhật mấy tiếng đồng hồ liền. Lượt về cũng vậy. Sau này chúng tôi cũng loáng thoáng biết được, Thủ tướng Koizumi vốn là chiến hữu của Tổng thống G. Bush (con). Vâng, có quá nhiều điều cần thiết cho một Thủ tướng Việt Nam lần đầu gặp chiến hữu của mình nên Koizumi đã sắp xếp các cuộc thăm ghé ấy!

Koizumi được coi là người bảo trợ cho tân Thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng khoảng râm của cái bóng Koizumi từng um tùm trên chính trường Nhật một thời đã không cớm rợp mầm cây Shinzo Abe. Cái chức Đổng lý Văn phòng Nội các Nhật là kỳ vọng mà Koizumi đưa Abe vào chính trường suốt 13 năm. Và rôi tân thủ tướng Abe, hơn một năm chèo lái đã dần vượt ra khoảng râm mát ma mỵ của cái bóng Koizumi bằng những hành xử độc đáo ngoạn mục.

Có một lý do nữa khiến Shinzo Abe đắc cử với phiếu cao - nhà báo Keiko cười, phụ nữ rất thích ông bởi ông từng đoạt giải thưởng người ăn mặc lịch sự nhất lần thứ 31 do Hiệp hội Thời trang nam Nhật Bản trao vào năm 2002. Lại là người ăn nói nhã nhặn, ôn hòa, thu hút lòng người. Không biết điều này có phải ông đã lĩnh hội từ vị thủ tướng đương nhiệm hay không bởi ông Koizumi từng nói với ông: “Nếu như cậu không có hứng thú với thời trang thì cậu sẽ không thể trở thành thủ tướng”.

Chuyến đi ấy đầy ắp ấn tượng một đầu lĩnh Shinzo Abe năng động hào phóng mến khách. Thủ tướng Shinzo Abe có nhiều cú hích kín đáo ngoạn mục cùng hiệu quả để Thủ tướng Việt Nam có cuộc gặp và có bài phát biểu trước Lưỡng viện Nhật. Và hàng chục doanh nhân danh giá Nhật có cuộc gặp với các doanh nhân Việt bàn chuyện làm ăn. Buổi chiêu đãi của Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân chiêu đãi Đoàn đại biểu Việt Nam mà lối phục sức cùng những cử chỉ ứng xử ngoại giao lịch lãm đã để lại nhiều ấn tượng.

Tôi nhớ mình đã quấy quả Keiko nhiều để có thêm chút thông tin về phu nhân Thủ tướng Nhật là bà Akie Shinzo.

Đại để bà Akie từng làm việc trong một hãng quảng cáo lớn của Nhật. Thêm nữa bà vốn mê phim Hàn Quốc nên quyết tâm học tiếng Hàn. Có lần tháp tùng chồng sang Hàn Quốc, bà đã giới thiệu ông Abe gặp một diễn viên điện ảnh nổi tiếng người thủ vai chính trong bộ phim “Tình ca mùa đông”. Trong cuộc gặp đó bà dùng tiếng Hàn để nói chuyện. Bà cũng thuộc một số ca khúc Hàn.

Shinzo Abe, mùa Thu mười bốn năm trước - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng tản bộ ở phố cổ Hội An, khai trương Không gian Văn hóa Việt -Nhật

Dân Nhật nói ông Abe khéo chọn vợ. Một điều ngạc nhiên là bà có khả năng diễn thuyết rất khá. Có lẽ bà từng khá xuất sắc thời gian làm ở hãng quảng cáo chăng? Là người thích cái mới và luôn làm mới mình. Các chuyên gia thẩm mĩ thường hài lòng về cách phục sức của đệ nhất phu nhân Abe. Trang nhã mà không phô trương. Nếu Abe là người kín đáo lạnh lùng thì bà lại là người dễ gần không khách khí. Akie cũng là người có tửu lượng tương đối, có thể thay mặt cho đức ông chồng cụng ly với các chính khách hoặc phe ủng hộ chồng. Trong khi đó đức lang quân Shinzo Abe chỉ một ly bia là vừa!

Trở lại chuyến thăm mùa thu năm 2006, Đoàn đại biểu Việt Nam là quốc khách đầu tiên của nội các Nhật Bản. Chuyến thăm đã phác thảo những khuôn hình vạm vỡ vững chãi cho một khuôn khổ quan hệ “hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam, tiền đề cho việc ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt - Nhật thành Đối tác chiến lược sâu rộng về sau này.

Và cũng mùa thu một năm sau, tháng 9 năm 2007, Shinzo Abe rời chính trường Nhật Bản để lại nhiều lắm những tiếc nuối lẫn ngạc nhiên. Lại ngạc nhiên hơn, cuối năm 2012 Shinzo Abe lại trở lại chính trường.

Rồi những sự kiện nối liền nhau minh chứng cho một mối quan hệ với một tầm cấp khác.

Tháng 1/2013, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và phu nhân đến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 16-17.

Chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của ông Abe Shinzo trên cương vị thủ tướng Nhật Bản cũng đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử.

Và hai chuyến thăm liền nhau trong năm 2017. Tháng 1/2017, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Abe Shinzo trở thành lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam trong năm 2017.

Đây là chuyến thăm lại Việt Nam sau 4 năm của Thủ tướng Abe Shinzo. Ông khẳng định, Nhật Bản ủng hộ sự phát triển vững mạnh của đất nước Việt Nam, coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, Thủ tướng Abe Shinzo Abe đã đến Việt Nam lần thứ 2 trong năm để tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11.

Có lẽ phải trích và biên lại một văn kiện của Bộ ngoại giao thì mới tạm toát yếu…

Dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 5/2016. Tháng 5/2016, lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Quan hệ giữa hai nước hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đến nay, Nhật Bản nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam.

Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.

Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe Shinzo đã đánh dấu những giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, khẳng định Việt Nam - Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài. Trong các chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn vốn ODA cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao; cam kết tiếp tục dành ODA ở mức cao lên đến hàng tỉ USD, chứng kiến lễ trao đổi nhiều văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trị giá hàng chục tỉ yên, cam kết cung cấp các tàu tuần tra đóng mới cho Việt Nam nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho việc nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của Việt Nam…

vv…

Với 2.887 ngày nắm quyền tính tới ngày 19/11/2019, ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất ở Nhật Bản.

Nhưng đột ngột, chiều Tokyo lúc 17h ngày 28/8/2020 tại cuộc họp báo thường kỳ, nhà lãnh đạo 65 tuổi đã giải thích lý do từ chức là vì mắc chứng viêm loét đại tràng kinh niên cộng với việc ông thừa nhận bản thân không đủ sức để lãnh đạo đất nước trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19, do già hóa dân số…

“Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng mặc dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức dù vẫn còn 1 năm nhiệm kỳ. Tôi không thể làm thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Tôi quyết định từ chức”.

Những cuộc cách mạng lẩu lâu từ thời Minh Trị nhằm làm mới quan niệm luân lý của người Nhật với các tiêu chí sức khỏe, trí thức và tài sản để kết hợp các tiêu chuẩn trước như nhu, đôn hậu, khiêm cung dường như đã tạo nên tính cách các thế hệ đứng đầu nước Nhật? Trong đó có Shinzo Abe…

Cái ghế Thủ tướng ở đất nước Mặt trời mọc có lẽ chả phải là êm ái? Chèo lái một nền kinh tế đứng vào loại hàng đầu thế giới quả là nan giải thay!

Shinzo Abe, mùa Thu mười bốn năm trước - Ảnh 2.

Xuân Ba

Cùng chuyên mục
XEM