Sharp: Huyền thoại công nghệ một thời chật vật tìm lại hào quang sau khi về tay Foxconn
Việc bán mình cho Foxconn là một bước đi sáng suốt của Sharp khi vào năm 2018, lần đầu tiên sau nhiều năm hãng có được lợi nhuận dương, nhờ vào sự tái cơ cấu quyết liệt những mảng sản xuất của Foxconn.
Trong một khoảng thời gian dài, các công ty công nghệ tại Nhật Bản là biểu tượng của quốc gia này với chất lượng sản phẩm được toàn thế giới đánh giá cao. Sharp là một trong những cái tên nổi bật nhất khi sở hữu nhiều phát minh thay đổi ngành công nghệ thế giới thời điểm đó. Họ càng được biết tới nhiều hơn khi là nhà tài trợ của câu lạc bộ bóng đá hàng đầu nước Anh là Manchester United vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên cho tới ngày nay, Sharp ngày càng mờ nhạt hơn trong vai trò của một trong những đầu tàu của ngành công nghệ, cũng như gặp vô vàn khó khăn trong tài chính. Vậy nguyên nhân vì đâu đã dẫn họ tới tình cảnh như ngày hôm nay?
Xuất phát điểm và những năm tháng thành công
Cái tên Sharp chưa xuất hiện từ thuở ban đầu, khi nhà sáng lập của tập đoàn này - ông Tokuji Hayakawa thành lập một xưởng kim loại ở Tokyo vào năm 1912. Ba năm sau, ông Tokuji phát minh ra bút chì cơ Ever - Sharp, sau này được lấy làm tên chính thức của Tập đoàn mà ông làm chủ tịch.
Tuy nhiên trận động đất Kanto xảy ra năm 1923 đã làm sụp đổ việc kinh doanh bút chì, dẫn đến việc công ty - lúc bấy giờ có tên Hayakawa - phải chuyển đổi việc kinh doanh sang các sản phẩm về công nghệ. Sản phẩm đầu tiên mà hãng sản xuất là những chiếc radio thế hệ đầu tiên tại Nhật Bản bắt đầu được bán rộng rãi 2 năm sau trận động đất.
Chiếc radio đầu tiên được Sharp sản xuất. (Ảnh: Sharp)
Chỉ một vài năm sau khi sản xuất và thương mại rộng rãi sản phẩm radio trên toàn Nhật Bản, Sharp đã nghiên cứu một loại thiết bị giải trí còn mới mẻ vào thời điểm đó là tivi. Nhờ công nghệ sóng cực ngắn thu được từ nghiên cứu trong và sau Thế chiến thứ hai, Sharp đã có thể chế tạo nguyên mẫu TV đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1951. Năm 1952, công ty đã giới thiệu sản phẩm mới này tới với công chúng Nhật Bản và sau đó một năm trở thành doanh nghiệp đầu tiên sản xuất hàng loạt chúng tại đất nước Mặt trời mọc. Loại TV đầu tiên của Sharp, TV3-14T, có giá 175.000 yên (khoảng 1663 USD theo tỷ giá ngày nay) tức gấp 32 lần mức lương của sinh viên mới ra trường thời đó. Dù vậy, với mục tiêu đưa TV tới từng hộ gia đình tại Nhật Bản, Sharp liên tục đưa ra những cải tiến nhằm giảm giá thành của loại sản phẩm này; tuy nhiên giá TV của hãng vẫn ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung.
Chiếc TV đầu tiên của Sharp - TV3 - 14T (Ảnh: WSJ)
Tiếp nối thành công của sản phẩm TV, công ty tiếp tục phát triển các sản phẩm khác như máy tính cầm tay, lò vi sóng… Năm 1970 hãng chính thức đổi tên thành Sharp và sử dụng tên này cho tới ngày nay.
Thành công nối tiếp thành công, Sharp tiếp tục tham gia vào mảng chế tạo màn hình, điện thoại và pin năng lượng mặt trời, đồng thời vẫn đẩy mạnh mảng sản xuất TV. Năm 1986, Sharp ra mắt bộ phận sản xuất màn hình tinh thể lỏng và đầu tư mạnh vào mảng này. Công ty đã mở hai nhà máy sản xuất màn hình LCD là Kameyama vào năm 2004 và Sakai năm 2009. Nhà máy Sakai vẫn là nhà máy sản xuất màn hình LCD thế hệ thứ 10 duy nhất và phù hợp nhất trên toàn thế giới để sản xuất tấm nền 60 inch hoặc lớn hơn. Không chỉ vậy, Sharp còn là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Nhật Bản từ năm 2005 đến 2010 và là công ty sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới cho tới năm 2006.
Trong thời điểm đỉnh cao năm 2008,, Sharp đạt doanh thu 34.5 tỷ USD với khoảng 50,000 nhân viên làm việc cho công ty; sản phẩm của doanh nghiệp có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới. Sharp còn là nhà tài trợ của câu lạc bộ Manchester United từ năm 1993 tới năm 2000, kỷ nguyên mà MU liên tiếp giành những chức vô địch quốc nội cũng như đạt được chiếc cúp C1 đầy kịch tính. Doanh thu của hãng không ngừng tăng trong thời gian này, đánh dấu một giai đoạn hợp tác đầy thành công.
MU và Sharp có sự hợp tác thành công trong vòng 17 năm (Ảnh: Manchester United)
Suy yếu
Mặc dù có được nhiều thành công như vậy, song cũng như nhiều công ty Nhật Bản khác, thay vì cải tiến mẫu mã và giảm giá thành sản phẩm, Sharp vẫn giữ nguyên kiểu dáng và duy trì chất lượng cao của các sản phẩm, trái ngược với xu hướng của đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc. Những công ty đối thủ này tạo ra các sản phẩm với kiểu dáng bắt mắt, đồng thời đưa ra mức giá dễ chịu hơn nhiều dù chất lượng không cao bằng Sharp.
Sự suy yếu của Sharp bắt đầu từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra khiến nhu cầu với các loại màn hình LCD sụt giảm. Cùng với đó là việc đồng yên Nhật mạnh lên đáng kể so với các loại tiền tệ khác, đặc biệt là won của Hàn Quốc, khiến cho việc xuất khẩu các đồ điện tử trở nên khó khăn hơn đối với hãng. Thêm vào đó, sự bùng nổ của Internet và các dịch vụ streaming, truyền hình online càng làm nhu cầu về các sản phẩm TV, vốn được Sharp đầu tư rất mạnh thông qua hai nhà máy sản xuất màn hình, suy giảm.
Tại Nhật Bản, quá trình chuyển đổi sang các loại truyền hình trên Internet đã cực kỳ phổ biến từ năm 2011. Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các doanh nghiệp như Sharp thông qua việc kích cầu bằng cách phát hành ra các phiếu giảm giá đối với TV LCD, kể từ sau năm 2011, năm mà Sharp đạt kỷ lục doanh thu 36.8 tỷ USD, khó khăn liên tiếp bủa vây doanh nghiệp này.
Sau nhiều năm thua lỗ lớn trong hoạt động kinh doanh TV ở nước ngoài, tháng 7/ 2015, Sharp đã bán nhà máy sản xuất sản phẩm này ở Mexico cho nhà sản xuất điện tử Trung Quốc Hisense với giá 23,7 triệu USD. Thương vụ này bao gồm quyền sử dụng thương hiệu Sharp và tất cả tài nguyên về kênh bán hàng của hãng ở Bắc và Nam Mỹ, ngoại trừ Brazil. Điều này đồng nghĩa với việc Sharp đã rút khỏi thị trường TV ở châu Mỹ, nơi mà họ từng là nhà sản xuất TV LCD hàng đầu chỉ 1 thập kỷ trước. Thị phần của công ty chỉ còn được duy trì ở mức trên 4% tại khu vực Bắc Mỹ, con số tương đối đáng thất vọng đối với Sharp. Mặc dù vậy, họ vẫn là nhà sản xuất mặt hàng này lớn nhất tại Nhật Bản.
Năm 2012 - 100 năm kể từ ngày Sharp được thành lập, công ty ghi nhận khoản thua lỗ tồi tệ nhất trong lịch sử là 376 tỷ yên (tương đương 4.7 tỷ USD) vào tháng 4/ 2020. Các nhà máy sản xuất của Sharp phải giảm công suất, đặc biệt là nhà máy tại Sakai. Cũng trong năm 2012, Foxconn - công ty gia công nổi tiếng tại Đài Loan đã mua lại 10% cổ phần của Sharp với giá 805 triệu USD đồng thời có quyền sở hữu 50% nhà máy tại Sakai. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của Sharp ngày càng kém đi. Năm 2016, doanh thu của hãng chỉ đạt 20 tỷ USD, tức bằng khoảng một nửa so với năm 2011. Hãng đã phải đưa ra hàng loạt các quyết định về cắt giảm nhân sự, giảm sản xuất để có thể cân bằng tài chính, nhưng vẫn không thực sự hiệu quả.
Trong bối cảnh doanh thu liên tục giảm vì sự cạnh tranh khốc liệt về giá tới từ các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc, Sharp đã buộc phải đưa ra quyết định bán mình cho Foxconn. Tháng 8/2016, FoxConn mua lại 66% cổ phần của Sharp với giá 388.8 tỷ yên (3.81 tỷ USD) nhằm đa dạng hóa danh mục kinh doanh của mình sang sản xuất tấm nền điện thoại.
Sharp vẫn đang là cung cấp tấm nền màn hình cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn bao gồm cả Apple - đối tác truyền thống với lớn nhất của Foxconn. Việc bán mình cho Foxconn là một bước đi sáng suốt của Sharp khi vào năm 2018, lần đầu tiên sau nhiều năm hãng có được lợi nhuận dương, nhờ vào sự tái cơ cấu quyết liệt những mảng sản xuất của Foxconn.
Foxconn mua lại phần lớn Sharp để mở rộng mảng kinh doanh của mình (Ảnh: Financial Times)
Khó khăn tới nay
Kể từ năm 2017 đến hết 2019, doanh thu của Sharp được duy trì ở mức 20 tỷ USD, nhưng lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện khá tốt.Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi coronavirus, tuy nhiên Sharp dự kiến lợi nhuận ròng trong năm kinh doanh hiện tại (tính đến tháng 3 năm sau) sẽ tăng 2,4 lần lên 50 tỷ yên (473 triệu USD) khi chuỗi cung ứng của họ - vốn bị gián đoạn do các lệnh cách ly - trở lại bình thường. Công ty dự báo doanh số bán hàng tăng 3,5% lên 2,35 nghìn tỷ Yên (khoảng 22 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động tăng 55,4% lên 82 tỷ Yên (779 triệu USD), với sự mở cửa dần dần của các nền kinh tế bị ảnh hưởng do sự lây lan vi-rút.
Thêm vào đó, trong nỗ lực cạnh tranh với các hãng máy tính cá nhân khác trên thế giới, Sharp đã mua lại số cổ phần còn lại của Dynabook - công ty sản xuất laptop của Toshiba vào tháng 8 năm 2020, biến Dynabook trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Sharp. Sharp hi vọng sẽ đưa thương hiệu laptop này trở lại thời kỳ hoàng kim, sau nhiều năm chịu lép vế bởi các thương hiệu Trung Quốc.
Sharp mua dynabook để phát triển mảng PC. (Ảnh: Nikkei)
Như vậy, từ một nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới, do tư duy bảo thủ của những nhà lãnh đạo cộng với sự vươn lên nhanh chóng tới từ các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc, Sharp ngày nay chỉ còn là một công ty con thuộc tập đoàn Foxconn. Mặc dù vẫn giữ được một số mảng kinh doanh cốt lõi, song ngày nay, Sharp không còn là một ông lớn và là một biểu tượng của Nhật Bản như đã từng. Mặc dù vẫn đang nỗ lực cải cách không ngừng dưới sự cải tổ mạnh mẽ của Foxconn, nhưng sẽ phải rất lâu nữa Sharp mới có thể lấy lại được vị thế trong quá khứ của mình.