Shark Thủy bị bắt, chuỗi tiếng Anh từng lớn nhất Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Vào thời kỳ hoàng kim của mình, Apax Leaders được đánh giá trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam với hơn 120 trung tâm, hơn 120.000 học viên theo học.
Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy, TGĐ Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup cùng đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ông Thủy và đồng phạm bị khởi tố theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy bị nhiều nhà đầu tư tố cáo "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.
"Cá mập" Nguyễn Ngọc Thủy là ai?
Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ còn được nhiều người biết đến với biệt danh Shark Thủy bởi ông là một trong những khách mời "quyền lực" trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư chính.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982 tại Hà Nội. Ông là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Anh Ngữ Apax. Apax Holdings chính là đơn vị nắm giữ lượng lớn vốn tại CTCP Anh ngữ Apax. Apax Holdings là một trong những công ty trọng yếu thuộc hệ sinh thái Egroup do ông Thuỷ làm Chủ tịch HĐQT. Theo thông tinh cập nhật đến hết năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC.
Theo giới thiệu, Shark Thủy vẫn chưa hoàn thành chương trình học đại học của mình vì ông bỏ ngang khi còn là sinh viên để theo đuổi con đường lập nghiệp. "Tôi chỉ dự định bảo lưu khi học hết năm thứ nhất đại học để làm điều mình muốn trước là kinh doanh, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa quay lại trường đại học. Niềm tự hào cuối cùng trên con đường học tập của tôi là Trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ, Hà Tây (nay là Hà Đông, Hà Nội)...
Trước khi tôi quyết định, tôi đã tự hỏi rất nhiều lần rằng, tôi thực sự muốn gì, tôi đi làm thì ai tạo việc làm cho tôi… Và tôi quyết định chọn dừng lại việc học để kinh doanh, vì biết mình không thể làm hai việc một lúc và cũng tự xác định rất rõ đam mê của mình. Nếu các bạn có đam mê, xác định rõ việc mình muốn làm và sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận nhiều thử thách để thực hiện thì hãy chọn và hãy tự chịu trách nhiệm", ông Thủy từng chia sẻ.
Năm 2008, ông thành lập công ty Egame, tiền thân Tập đoàn Egroup. Sau đó, ông xây dựng "hệ sinh thái giáo dục" Egroup với chuỗi công ty con phát triển về giáo dục, sức khỏe, thông tin. Trong quá trình lập nghiệp của mình, ông Thủy bước đầu thành công với các lĩnh vực đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin và sức khỏe. Năm 2017, ông được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc nhất tại Việt Nam và được trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương (APEA).
Chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam kinh doanh ra sao?
Apax Holdings đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Apax Holdings có 3 công ty con là Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax Leaders), Công ty CP Phát triển Giáo dục Igarden và Công ty CP Trường liên cấp Firbank Australia, cùng 3 công ty liên kết là Công ty CP Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục, Công ty CP Giáo dục Tư duy và Sáng tạo CMS, Công ty CP Hạ tầng Trường liên cấp Steame.
Công ty CP Anh ngữ Apax được coi là công ty con hoạt động hiệu quả nhất trong số các doanh nghiệp này. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax Leaders.
Vào thời kỳ hoàng kim của mình, Apax Leaders được đánh giá trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Hệ thống dạy học tiếng anh của Shark Thuỷ từng mở rộng hơn 120 trung tâm trên toàn quốc, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên theo học.
Doanh thu của hệ thống cũng tăng mạnh qua các năm. Năm 2017, Apax Holdings báo cáo doanh thu thuần tăng đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu đã vượt mốc 1.000 tỷ và lên 1.678 tỷ đồng trong năm 2019, tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam, toàn bộ hệ thống phải đóng cửa đã khiến doanh nghiệp của ông Thuỷ mất đi nguồn thu chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi "đóng băng" hoàn toàn.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Lỗ trước thuế 77 tỷ, lỗ ròng 87 tỷ, đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC. Nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng.
Thời điểm này cũng là giai đoạn Apax Holdings liên tục dính vào các vấn đền liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Năm 2023, Shark Thủy bất ngờ bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Bên cạnh đó, hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng gặp "phốt". Các phụ huynh của trung tâm này phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
Trước sức ép từ các phụ huynh, đầu năm 2023, sau cuộc đối thoại, Shark Thủy hứa sẽ trả học phí, chia làm 2 đợt. Tuy nhiên, đến tháng 10, nhiều phụ huynh kéo đến trung tâm của Apax Leaders để đòi tiền vì chưa nhận được học phí còn thừa như cam kết.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến giữa tháng 3/2024, tổng số học sinh của các Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders tại TP.HCM là 11.295 học sinh, bao gồm số học sinh đang học trực tiếp là 839 học sinh, số học sinh bảo lưu kết quả 6.072 học sinh, số học sinh rút phí 4.384 em. Số tiền học phí phải hoàn trả là 108.100.112.947 đồng, trong đó, đã trả 14.277.542.472 đồng, còn nợ 93.822.570.475 đồng.
Ngoài ra, đơn vị còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11.574.439.307 đồng và tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng.