Shark Phú là người hướng nội hay hướng ngoại? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn

24/02/2019 08:15 AM | Sống

Lời khẳng định đầu tiên, “Hướng nội-hướng ngoại” mà mọi người thường hiểu thực chất nó là cái cách xã hội làm mềm đi cái chuyện có người thành công và có người thất bại. Tất cả những người thất bại đều bị biến thành một người hướng nội, không được ai lắng nghe, họ không có giá trị để khiến người ta muốn lắng nghe... Trong khi thực tế là có rất nhiều người thành công, giao tiếp tốt lại là người hướng nội, ở đây chúng ta sẽ thử làm rõ ưu điểm và sự khác nhau trong giao tiếp của hai loại người này.

Thực chất có 4 chỉ số để đánh giá một người, đó là chỉ số nỗ lực (PQ), chỉ số thông mình (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) và chỉ số xã hội (SQ). Trong khi đó sự thấu hiểu thuộc về tư duy (IQ), còn khả năng đồng cảm lại thuộc về cảm xúc (EQ).

Thấu hiểu ở đây khác với đồng cảm. Ví dụ chúng ta có thể biết một người nói dối hay là không nói dối, một người là tham lam hay cao thượng, nhưng chúng ta không nhất thiết phải phát sinh tình cảm với người đấy, đúng không? Và họ đau buồn hay không, chúng ta không nhất thiết phải đồng cảm với họ, đúng không? Thấu hiểu là một động lực của lí trí, nó không phải là động lực của tình cảm. 

Một người thông minh sắc bén, từng trải, nghe một người nói, biết người này nói láo, hoặc nghe một người khác nói thì biết cô này là đau khổ thật – đấy là thấu hiểu. Nhưng không có nghĩa là anh ta đồng cảm với người đấy. Hoặc anh ta có thể chắc chắn: "Cậu lừa tôi đúng không?", "Anh chơi tôi đúng không," "Rõ ràng anh có ý gì đấy", đấy là khả năng thấu hiểu rất tốt. Đấy không phải là đồng cảm.

Đồng cảm có thể hiểu nôm na là vui buồn cùng người ta, còn thấu hiểu phân biệt được thật giả, những điều cốt lõi người ta định làm gì. Thấu hiểu ở đây là khả năng tư duy logic – nói như thế là đúng nhất – khả năng thấu hiểu từ các tiền đề cho trước. Thấu hiểu rất gần với khả năng nhìn ra đại cục, nhìn được tổng quan, đó là khả năng của người hướng ngoại. Còn người hướng nội khả năng của họ là đồng cảm, nhìn thấy chi tiết và phát hiện nguy cơ.

Shark Phú là người hướng nội hay hướng ngoại? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn - Ảnh 1.

Một anh chàng rất thông minh, anh ta có thể đạt đến một nấc thang thấu hiểu nhất định. Khi đó, dù khả năng đồng cảm của anh ta rất thấp, anh ấy không muốn đồng cảm với người khác, không muốn đặt mình vào vị trí của người khác nhưng anh ta vẫn hiểu người khác. Anh ta có những nhận định riêng của mình "À, anh ấy nghĩ thế, anh ấy là thế", Chị ấy là thế"...

Họ hiểu, họ biết được là người đối diện đang nghĩ gì, người kia đang nói gì, người kia đang định làm gì. Họ biết được ý định của người đối diện rất nhanh chóng. Họ có khả năng về lí trí rất tốt (Họ nhìn ra được toàn cục mà!). Thứ hai là họ có khả năng làm chủ nội tâm, làm chủ cảm xúc. Nếu ai xúc phạm họ thì họ bực lắm, nhưng họ có thể nén lại, họ mỉm cười, họ bỏ qua, quay đi. Có thể sau này họ trả thù, chẳng biết được, để nói ở đây là người hướng ngoại làm chủ được nội tâm tốt hơn người hướng nội. Đương nhiên rồi, ai chẳng biết điều này.

Nhưng khả năng đồng cảm là một động lực chỉ người hướng nội có. Khả năng giao tiếp thì sao? Cũng thế, nó là khả năng của người hướng nội, nó gắn liền với sự đồng cảm đó. Người hướng ngoại không có khả năng giao tiếp theo cách này.

Trong triết thuyết bình thường về người hướng nội, người ta cho rằng người hướng nội không biết giao tiếp, thấy đám đông là họ sợ, còn gặp bạn bè thì huyên thuyên. Những chuyện đấy không hề đúng.

Shark Phú là người hướng nội hay hướng ngoại? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn - Ảnh 2.

Một người hướng nội rất nhạy cảm. Họ có khả năng đồng cảm rất tốt. Đồng cảm là người ta khóc mình cũng khóc theo; người ta buồn mình cũng đi mua một cây kem cho – việc đấy không cần phải kỹ năng gì hết. Ai đau, họ có thể cảm giác được nỗi đau của người khác dù họ chưa nói ra. Ai buồn, họ cảm giác được nỗi buồn của người khác. Khi họ thấy một cảnh thương tâm, họ rất nhanh chóng nảy sinh cảm xúc. Và chính điều đấy nên bản năng của họ là giao tiếp rất tốt. Họ có khả năng này, trước cả khi bạn kịp nói với họ là bạn đang vui họ đã cười và hỏi han bạn rồi. Hoặc khi một người nói chuyện gì, họ có thể đáp "Em hiểu". Chữ "hiểu" của họ không phải là chữ "hiểu" của thấu hiểu là kiểu anh sai ở đâu anh nên làm gì để tốt hơn, mà chữ "hiểu" của người hướng nội nó chính là chữ "hiểu" của sự đồng cảm, đặt mình được vào hoàn cảnh của người kia, nói được nội tâm của họ.

Những người đồng cảm tự nhiên biết giao tiếp tốt, đặc biệt là giao tiếp trong các mối quan hệ riêng tư, thân mật, lâu dài, có thể thành tri kỉ.

Nên những người hướng nội có xu hướng trở thành những người bạn rất trung thành. Chính vì thế, bạn đã từng nghe đến điều này chưa? Họ có xu hướng trở thành những người làm việc nhóm tốt nhất.

Người hướng ngoại thì có khả năng đột phá, sáng tạo. Họ luôn muốn khẳng định vị thế và trí tuệ cá nhân của mình, nên họ làm việc một mình tốt, chứ bản chất là họ không có khả năng làm việc nhóm. Bởi vì họ không cần phải giao tiếp, những sự giao tiếp của họ là lễ nghi giao tiếp thông thường, giao tiếp trên bàn đàm phán, giao tiếp trong các giao dịch, xã giao, thuyết phục, nói chung họ cũng rất giỏi giao tiếp nhưng theo một nghĩa khác với người hướng nội.

Shark Phú là người hướng nội hay hướng ngoại? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn - Ảnh 3.

Hãy tưởng tượng một người đàn ông rất giỏi giao tiếp, ví dụ như "vua chảo" Nguyễn Xuân Phú (một trong các nhà đầu tư của chương trình Shark Tank Việt Nam). Shark Phú rất trưởng thành đúng không? Khi gặp người đàn ông này, ông ấy sẽ không đồng cảm với ta theo kiểu, "Em đau em buồn anh rất quan tâm" ông ấy giao tiếp theo cách, "Em cứ bình tĩnh, mọi chuyện đều ổn, cuộc đời bao giờ cũng có nhiều lối đi". Ông ấy từ sự thấu hiểu mà phát triển thành sự giao tiếp.

Thuyết phục, đàm phán không phải để kết nối. Thuyết phục là để người ta hướng đến hành động và tương lai. Nhưng đồng cảm thì hướng đến sự liên kết nội tâm. Khả năng đồng cảm này là một phép màu đạt được của người hướng nội.

Bằng sự giao tiếp này, người hướng nội không đạt đến sự thấu hiểu nhưng họ sẽ giỏi giao tiếp theo kiểu riêng tư, thân mật, theo kiểu làm người khác vừa lòng, được nhiều người yêu quý. Theo kiểu lắng nghe để im lặng. Họ có thể đồng cảm, và bởi vì họ càng đồng cảm thì họ càng nhạy cảm (đó cũng là cái giá của nó).

"Em mới mua cái áo nhìn đẹp không?" – "Trông màu nó hơi chóe nhỉ?" giữa quan hệ với người ngoài, chúng ta lúc nào cũng "sẵn sàng" làm tổn thương nhau, họ sẵn sàng nói hẳn ra dù có làm người khác đau khổ vì họ nghĩ "Tao nói là tốt cho mày", cái tôi của họ lớn, lúc nào cũng có thể làm người còn lại thất vọng, và lúc nào cũng muốn khẳng định mình đúng. Nhưng người hướng nội thường tránh được điều này. Bởi vì họ dựa trên sự đồng cảm, dựa trên việc hài lòng với nhau, chứ không phải dựa trên việc nói ra ý kiến của mình.

Bạn có thể thắc mắc, người hướng nội hướng ngoại, họ đều có nhiều mối quan hệ, và giao tiếp tốt, họ cũng cười nói giả lả. Như vậy thì cái giao tiếp của người hướng nội đó khác gì với cái giao tiếp của người hướng ngoại, đều là giao tiếp cả mà?!

Shark Phú là người hướng nội hay hướng ngoại? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn - Ảnh 4.

Hãy biết rằng, người hướng nội trong giao tiếp họ luôn nhấn mạnh đến cảm xúc, sự tâm tình, chia sẻ, liên quan đến tình nghĩa, nên họ có được rất nhiều mối quan hệ thân tín, thậm chí là có những người có thể hi sinh vì cho họ. Còn người hướng ngoại luôn nhấn mạnh đến kế hoạch, dự định, nhấn mạnh đến lợi ích, đến việc chẳng hạn như "Làm gì cùng nhau bây giờ". Các mối quan hệ của họ đều rất coi trọng tính hiệu quả.

Nhưng khẳng định lại là, người hướng nội giỏi giao tiếp hơn người hướng ngoại, cho dù giữa những người xa lạ người hướng nội tỏ ra tự ti im lặng. Sự im lặng đó gắn liền với việc quan sát của họ, đó là lúc họ bắt đầu phân tích hoàn cảnh dưới góc độ chi li. Ngay cả khi không nhớ kỹ, thì khi hồi tưởng lại, họ có thể nói rõ từng chi tiết sự việc. Rất nhiều ưu điểm mà người hướng ngoại không có.

Shark Phú là người hướng nội hay hướng ngoại? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn - Ảnh 5.

Vậy nên đừng ai kết luận là người hướng nội giao tiếp kém, đó là một góc nhìn thiển cận. Quá nhiều ý kiến lệch lạc đang làm mờ đi các ranh giới, để tự định nghĩa và gán ghép những người giao tiếp kém và thất bại là người hướng nội, đó là một ngộ nhận sai lầm. Giao tiếp kém chỉ đơn giản vì họ giao tiếp kém mà thôi, đừng biện minh và dung dưỡng cho mình bằng cái mác tính cách người hướng nội.

Thật là ngoài khả năng giao tiếp đồng cảm, làm việc nhóm, người hướng nội còn có khả năng sao chép, đi sâu vào chuyên môn, tìm ra nguy cơ… rất nhiều đặc tính chỉ riêng họ có. Và cũng để nói rằng, thay vì đặt vấn đề hướng nội hướng ngoại, quan trọng nhất vẫn là mỗi người có biết cách tận dụng những ưu điểm và từ bỏ khuyết điểm của mình hay không? Và câu chuyện là bạn có thông minh hơn không? Bạn có đang trao dồi thêm kĩ năng xã hội hay không? Bạn có tư duy tốt hơn không? Bạn có thực sự có ý chí nỗ lực không? Đấy mới là những điểm để thay đổi cuộc đời bạn, chứ không phải tập trung vào đặc điểm của người hướng nội hướng ngoại.

*Bài viết của tác giả Oopsy được lược trích từ bộ sách tâm lý về Hướng nội-Hướng ngoại, có tên "Im lặng hay cười nói đừng trói buộc thành công" và "Hôm nay bạn nhất định phải sống ngay cuộc đời đẹp nhất".

Oopsy

Cùng chuyên mục
XEM