Shark Nguyễn Xuân Phú: Doanh nghiệp duy trì sự ổn định quá lâu là dấu hiệu của suy thoái, thậm chí có thể phá sản
Chủ tịch tập đoàn Sunhouse cho rằng thương trường luôn tồn tại sự cạnh tranh, và đây là lý do sẽ làm biến mất tính ổn định của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm "Cái chết của sự ổn định" thuộc sự kiện Shark Tank Forum 2020, Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse đã có những chia sẻ thực tế xoay quanh câu chuyện duy trì sự ổn định của doanh nghiệp.
"Ai cũng muốn ổn định mà chạm tới là nó biến mất, vì sao? Vì sự cạnh tranh giết đi sự ổn định", Shark Phú chia sẻ.
Đại diện đến từ Sunhouse cho biết, khi một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hay dịch vụ, luôn tồn tại sự cạnh tranh từ những doanh nghiệp khác. Các đối thủ này sẽ không ngừng tìm cách làm tốt hơn, bán rẻ hơn.
"Khi một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm và kinh doanh có lời mà cứ ung dung, không chịu đổi mới, cho rằng cứ ổn định như thế là tốt thì không bao lâu, đối thủ cũng sẽ tạo ra những sản phẩm có tính năng mới hơn, giá rẻ hơn và chiếm mất khách hàng của chúng ta. Nếu một doanh nghiệp duy trì sự ổn định quá lâu về sản phẩm, giá bán sản phẩm, dịch vụ… thì tôi tin đó chính là dấu hiệu của sự suy thoái, dẫn đến phá sản nếu họ không thay đổi", Shark Phú giải thích rõ hơn.
Shark Phú cũng nhấn mạnh: "Bản chất kinh tế thị trường là cạnh tranh, là nguyên lý của sự phát triển. Tôi làm giàu bằng cái gì, bạn muốn giàu hơn tôi, muốn thay thế tôi thì phải làm tốt hơn. Điều đó làm biến mất sự ổn định của mỗi cá nhân, của doanh nghiệp và cả nền kinh tế".
Nói thêm về câu chuyện của Sunhouse trong những giai đoạn thị trường không ổn định như vừa qua, Shark Nguyễn Xuân Phú cho biết họ phải đối diện với nhiều khủng hoảng, thậm chí là rất khó khăn. Ví dụ giai đoạn tháng 3, tất cả các cửa hàng phải đóng cửa gần 1 tháng. Sau đó đến tháng 7, Covid-19 diễn ra lần 2, dù không phải đóng cửa tất cả nhưng đa phần cửa hàng tại các thành phố lớn bị đóng cửa. Chưa hết, Sunhouse còn phải dối diện với một rủi ro khác là cháy tổng kho ở miền Nam.
Để vượt qua, chủ tịch Sunhouse tiết lộ ông đã áp dụng 2 chiến lược.
Thứ nhất, chuẩn bị nguồn lực để doanh số tụt giảm nhưng vẫn duy trì sự ổn định. Ở đây là giữ được người lao động và trả được thu nhập để họ yên tâm làm việc. Như vậy, đến khi thị trường hồi phục, doanh nghiệp đã có sẵn nền tảng để phát triển.
Thứ hai, tìm mọi cách để tiết giảm chi phí. Tức là trong những tháng khó khăn, Sunhouse cũng phải kêu gọi nhân viên cùng chia sẻ: Mọi người hoàn thành bao nhiêu doanh số sẽ nhận bấy nhiêu thu nhập. Ngược lại nếu cuối năm công ty làm ăn được, Sunhouse sẽ trả lại những khoản tiền mà nhân viên không nhận được ở những tháng khó khăn.
"Đấy là cách để mọi người trong tổ chức cùng thấu hiểu khó khăn. Như vậy mọi người đồng lợi ích và cùng công ty phát triển. Nhờ cách này, Sunhouse đã nhanh chóng khắc phục được những sự cố cũng như các rủi ro do dịch bệnh, và tiếp tục tăng trưởng so với năm trước", Shark Phú cho biết.