Shark Linh Thái: Tuổi trẻ chỉ ước mơ được làm cho ngân hàng đầu tư Mỹ, văn phòng từ tầng 50 trở lên, lớn mới biết về Việt Nam khởi nghiệp chính là đúng đắn!
Shark Linh Thái sau khi dành 8 năm đầu sự nghiệp trên đất Mỹ bà quyết định quay lại Việt Nam khởi nghiệp.
Rất nhiều người nghĩ rằng nếu muốn làm việc tại Việt Nam, bạn cần phải làm khi còn trẻ. Nhưng đó liệu có phải là suy nghĩ đúng đắn và là cách duy nhất hay không? Shark Linh Thái lại không nghĩ như vậy!
8 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực startup và tập đoàn lớn tại Mỹ đã giúp shark Linh Thái xây dựng được tinh thần làm việc và động lực cần thiết để tạo dựng sự nghiệp ở thị trường Việt Nam đầy cạnh tranh.
Kể từ khi rời Mỹ, bà đã giữ vị trí Giám đốc vận hành tại VinaCapital trong 5 năm và 3 năm nữa trong hành trình tạo lập startup riêng của mình.
Dưới đây là phần lược dịch bài phỏng vấn của Tờ Vietcetera với shark Linh Thái:
PV: Tình yêu với Việt Nam của chị phát triển như thế nào?
Shark Linh Thái: Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam là vào năm 1993. Ở thời điểm đó, xe đạp vẫn còn là phương tiện chủ yếu trên đường phố. Tôi quay trở lại đây vào thời sinh viên để du lịch. Cả 2 lần tôi đều còn quá trẻ và rất ngây thơ nên không nhìn ra được những cơ hội tốt. Thời ấy tôi vẫn theo đuổi "giấc mơ Mỹ" – hành trình phát triển từ nhân viên quèn trở thành sếp, mặc suit đến văn phòng làm việc - ít nhất là từ tầng thứ 50 trở lên.
Sau khi đạt tới mức đó, tôi nhận ra rằng đây thực chất không hẳn là những gì mình muốn. Làm việc tại một ngân hàng đầu tư, tiền trong tài khoản thì cứ tăng nhưng thực sự là bạn chẳng biết cuộc sống bên ngoài diễn ra thế nào nữa.
Trong những thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, tôi đọc rất nhiều bài báo về hạnh phúc. Một trong số đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi: Bài báo nói rằng nếu làm điều gì đó bạn thực sự yêu thích, bạn sẽ chẳng cảm thấy như mình đang làm việc. Vấn đề là, giống như hầu hết những người trong độ tuổi 20, khi ấy tôi không biết mình thực sự yêu thích điều gì!
Lớn hơn một chút, tôi không có mối liên hệ nào về cả vấn đề cá nhân lẫn sự nghiệp với Việt Nam. Tôi thậm chí cười cợt nếu một ai đó nói rằng 8 năm tới tôi sẽ sống và làm việc tại Việt Nam. Nhưng, tôi bất chợt nhận ra, đó là thực tế đang diễn ra với nhiều người gốc Việt ở nước ngoài. Với nhiều người, ban đầu chỉ là chọn ngẫu nhiên trải nghiệm làm việc ở Việt Nam nhưng rồi sau đó họ lại quyết định gắn bó với nơi này trong dài hạn.
PV: Vậy điều gì đã đưa chị tới đây?
Shark Linh Thái: Sau 8 năm làm việc cho các startup và ngân hàng đầu tư cùng 2 năm kinh nghiệm học tại trường kinh doanh, tôi muốn thay đổi công việc, làm tại một quỹ đầu tư mạo hiểm ở một thành phố khác. Tôi cũng rất muốn ra nước ngoài sau khi biết một người bạn cùng lớp cũ đang làm việc cho một quỹ đầu tư tại Việt Nam. Và thật trùng hợp, đang có một vị trí trống ở tập đoàn đó phù hợp với tôi.
Tôi thậm chí không tin vào điều đó. Đây là cơ hội đúng với giấc mơ của tôi, đồng thời nó cũng giúp tôi có cơ hội khám phá Việt Nam. Dường như định mệnh nói với tôi rằng đã đến lúc cần phải quyết tâm hành động! Sau 3 cuộc phỏng vấn qua điện thoại, bắt đầu sắp xếp hành lý và lên đường. Khi ấy tôi còn chẳng biết đồng nghiệp của mình tại công ty mới sẽ như nào và mình thì sẽ ở đâu tại TP Hồ Chí Minh nữa.
PV: Là một phụ nữ, chị có gặp rắc rối gì khi đối diện với bất kỳ thách thức nào khi làm việc tại Việt Nam không?
Shark Linh Thái: Tôi đã dành 10 năm đầu sự nghiệp tại Mỹ. Tôi đã học được rất nhiều điều bao gồm cách trò chuyện, diễn đạt và thậm chí là tụ tập cùng các đồng nghiệp nam. Thực tế thì hầu hết các đồng nghiệp nữ cũng đều giống tôi. Họ ầm ĩ, cứng đầu và chẳng bận tâm tới vị trí của mình. Tôi thì không "nữ tính" lắm vì vậy nên tôi cảm thấy khá ổn với môi trường này.
Khi đến Việt Nam, ngoài việc phải tìm hiểu những nét văn hoá khác biệt tôi còn phải học cách cư xử như một phụ nữ theo truyền thống của người Việt Nam.
Trong 1 tuần đầu làm việc, tôi bị nhắc nhở là quá ầm ĩ, đi lại giống như một người đàn ông và rằng tôi quá cứng đầu.
Ban đầu tôi vẫn khăng khăng muốn là chính mình, cư xử theo "kiểu Mỹ". Tuy nhiên một vài năm sau tôi nhận ra rằng, người thành công là những biết thích ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào.
Vì thế khi giao tiếp bằng Tiếng Anh, tôi là người khá cứng đầu với cách bắt tay rất cứng cỏi. Còn khi nói tiếng Việt, tôi lại trở thành một người rất nhẹ nhàng, kín đáo và dễ mến. Chỉ duy có nụ cười thật tươi là điều tôi luôn dùng ở mọi lúc mọi nơi.
PV: Hiện tại chị đang hướng tập trung vào đâu?
Shark Linh Thái: Xây dựng Rita and Phill – thương hiệu váy áo được may đo tinh xảo. Chúng tôi thiết kế và sản xuất tại Việt Nam và nhắm tới khách hàng Mỹ và những quốc gia phát triển khác. Rita and Phill thiết kế hệ thống mẫu riêng phù hợp cho phụ nữ ở mọi hình dáng và kích cỡ. Chúng tôi hiểu hơn ai hết về thân hình của phụ nữ.
Mục tiêu của chúng tôi là chỉ làm một thứ thôi, nhưng phải là thứ cực kỳ chất lượng. Chúng tôi thu hút được sự trung thành từ khách hàng. Rất nhiều khách hàng đã quay trở lại mua áo và giới thiệu cho bạn bè của họ.
Cái tên Rita and Phill xuất phát từ bộ phim Groundhog Day. Trong bộ phim đó, nhân vật chính Phill đã bị mắc kẹt trong trải nghiệm nhàm chán ngày này qua ngày khác.
Đó cũng chính là thứ tôi cảm nhận về thời trang của phụ nữ thời điểm này. Phụ nữ tỉnh dậy vào mỗi sáng, mở tủ đồ của họ và nói: Chẳng có gì để mặc cả. Chúng tôi muốn họ không còn rơi vào hoàn cảnh đó nữa bằng việc cung cấp cho họ loại quần áo phù hợp nhất và khiến họ trông tuyệt nhất.
PV: Liệu có thời điểm nào được cho là thích hợp để một người gốc Việt ở nước ngoài khởi nghiệp tại Việt Nam không?
Shark Linh Thái: Nếu có điều kiện làm việc ở Mỹ ngay từ khi còn trẻ, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều thứ. Trong 1 – 2 năm đầu đại học, bạn được học về kỹ năng và thái độ làm việc - thứ sau này rất cần và nó còn theo bạn trong suốt nhiều năm.
Đến khi đi làm cho các công ty, tập đoàn của Mỹ, bạn sẽ thấy mọi người thực thi nhiệm vụ và làm việc hết sức chăm chỉ. Điều đó là hết sức bình thường. Sẽ chẳng có ai nói bạn phải đến sớm, tình nguyện giúp đỡ các dự án khác hoặc ở lại muộn khi cả đội vẫn ở lại đây cả. Đó chính là những quy tắc bất thành văn sẽ theo bạn trong tương lai.
Tôi khuyên những ai trong độ tuổi 20 nên tới Mỹ. Có như vậy họ mới xây dựng được một thái độ làm việc tốt, quan trọng hơn, họ có thể học được những kỹ năng cần thiết để thực thi các dự án một cách hoàn hảo. Có ít nhất một vài năm được đào tạo trong môi trường khắt khe tại Mỹ là một trải nghiệm tuyệt vời.
Rồi sau đó hãy xông xáo lên, đến Việt Nam với những kinh nghiệm và kỹ năng thật sự bạn học được từ nước Mỹ, mọi người sẽ công nhận bạn.