Shark Liên chi 5.000 tỷ đồng xây nhà máy nước sinh hoạt, chất lượng nước không kém Châu Âu, có thể uống trực tiếp từ vòi

28/08/2019 10:25 AM | Kinh doanh

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD), đạt các chỉ tiêu chất lượng nước sạch của Châu Âu. Bên trong khuôn viên xử lý nước đều đặt các vòi nước để công nhân và khách tham quan có thể uống trực tiếp…

Bên cạnh cương vị nhà sáng lập của ứng dụng Bảo hiểm Công nghệ LIAN, vị nữ cá mập chính của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 - Shark Đỗ Liên còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty nước mặt Sông Đuống.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD).

Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y Tế ban hành. Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.

Ông Đỗ Văn Định – Trưởng ban quản lý Dự án nhà máy cho biết tiêu chuẩn này tương đương với các tiêu chuẩn của Châu Âu.

Hiện các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt Việt Nam có 2 loại: Cung cấp từ nước ngầm và cung cấp từ nước mặt, trong đó theo ông Định, xử lý từ nước ngầm chiếm đến 70%.

"Nước của chúng tôi không có các chất tiềm ẩn gây ung thư cho con người như Asen, Amoni, các gốc kim loại của Mangan, sắt bằng 0, tức những chất tiềm ẩn gây ung thư cho con người bằng 0".

"Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về vi sinh gần như bằng 0, một số tiêu chuẩn như E.coli và tất cả các dạng Coliform đều bằng 0. Đấy là lý do công nhân của chúng tôi và nước các bạn uống trực tiếp từ vòi trong nhà máy là nước sinh hoạt chúng tôi sản xuất ra", ông Định nói.

Một minh chứng dễ thấy hơn ông Định đưa ra là nước sản xuất ra từ nhà máy khi nấu lên không có tình trạng đóng cặn như nước của nhiều công ty cấp nước hiện nay tại Hà Nội.

Uống nước lấy trực tiếp từ vòi trong khu xử lý nước, Shark Liên cho biết sau khi đi vào vận hành toàn bộ giai đoạn 1 vào đầu tháng 9 tới, giá tạm tính nước sinh hoạt của nhà máy là 10.246 đồng/m3 (thời điểm hiện tại nhà máy mới vận hành giai đoạn 1a, giá cung cấp nước ở mức xấp xỉ 7.700 đồng/m3).

"Đấy là giá tạm tính của TP Hà Nội. Khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán sẽ định ra một mức giá hợp lý. Nói về lãi thì chúng tôi chưa tính đến, thực ra cũng đang phải gồng mình, vì vẫn phải đi vay. Hiện chúng tôi đang gồng mình và vẫn đang chịu đựng được", Shark Liên nói.

"Chúng tôi nghĩ một dự án dân sinh, đặc biệt là về nước sạch – là nguồn sống, là máu, sự sống của con người thì không thể làm theo kiểu kiếm được lợi nhuận ngay hoặc thấy được cái lợi trước mắt. Tôi không muốn nói những giáo điều đạo đức hay gì đó cao siêu, nhưng ít nhất khi thực hiện những dự án như vậy, mình phải có cái tâm hướng tới cộng đồng. Thậm chí, với nhiều người, việc thực hiện các dự án như vậy nhiều khi cũng là sứ mệnh".

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Dự án gồm 2 hợp phần chính gồm Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn cấp 1 (đường kính từ 800 - 1800mm) dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Về quy mô dự án, đến năm 2019 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM