Shark Lê Mỹ Nga: Khởi nghiệp khốc liệt, không dễ như tưởng tượng

20/12/2024 14:20 PM | Startup

Theo Shark Lê Mỹ Nga, khởi nghiệp đang là "nỗi đau" đối với nhiều người vì chưa được hiểu đúng, khởi nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Shark Lê Mỹ Nga – Chủ tịch WeAngels Capital cho rằng khởi nghiệp cực kỳ khốc liệt, nhiều nỗi đau. Nếu để mọi người lầm tưởng khởi nghiệp đơn giản, lao vào startup, thì là mối nguy thật sự cho xã hội.

- Trước khi mọi người truyền tai nhau là “bà đỡ startup”, được biết bà là chuyên gia và là quản lý cao cấp ở các tập đoàn đa quốc gia. Vậy tại sao bà lại có quyết định chuyển mình khác biệt như vậy?

Nhiều người hỏi tôi tại sao lại bỏ công việc quản lý, quản trị rủi ro trong các tập đoàn đa quốc gia ở lĩnh vực dầu khí để ra hỗ trợ startup (khởi nghiệp). Có lẽ mọi người đang hiểu sai. Khởi nghiệp không đơn giản như thế.

Startup là cụm từ mà khi mình dịch ra tiếng Việt có nghĩa là là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hàm ý của việc khởi nghiệp trong đúng từ startup có nghĩa là ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra một giải pháp thực sự đột phá. Thậm chí, có thể dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực mà họ muốn giải quyết.

Điều này cần những người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với những người có kiến thức về quản trị kinh doanh ở mức độ toàn cầu mới có thể giúp được các bạn trẻ.

Chỉ như vậy mới có thể giúp được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hoàn thiện và phát triển. Ngoài ra, tôi thấy đây là sứ mệnh của những người anh chị đi trước, như chính tôi.

Shark Lê Mỹ Nga: Khởi nghiệp khốc liệt, không dễ như tưởng tượng- Ảnh 1.

Shark Lê Mỹ Nga – Chủ tịch WeAngels Capital.

- Hành trình từ nữ điều dưỡng trở thành chuyên gia dầu khí, rồi làm Chủ tịch Quỹ đầu tư chắc sẽ có nhiều khúc quanh?

Mỗi người có hành trình và điểm xuất phát khác nhau. Vào thời điểm năm 1989 - 1990, bạn không có quyền lựa chọn. Học điều dưỡng lúc đó là con đường nhanh nhất giúp tôi tự trang trải chi phí và thực hiện ước mơ.

Ngành điều dưỡng chỉ học hai năm rưỡi, vậy là tôi có thể đi làm từ năm 20 tuổi. Lúc đó, trong khi các bạn còn đang học đại học, tôi đã có việc làm, có lương, và có thể giúp đỡ người khác.

Tôi cũng nghĩ rằng nếu không cố gắng, thiếu kỷ luật, bạn sẽ không thành công. Đây cũng là lý do tôi chuyển mình từ một vị trí cao sang lĩnh vực mới như “bà đỡ startup”.

Quyết định của tôi bắt nguồn từ “nỗi đau”. Khi làm việc trong ngành dầu khí và tuyển dụng kỹ sư, sinh viên, tôi nhận thấy một vấn đề: phải đào tạo lại, ngay cả với những người đã học ngành kỹ thuật.

Để hiểu và ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong các công trình dầu khí, tất cả nhân sự tham gia bắt buộc phải được đào tạo lại hoặc gửi đi nước ngoài để thi chứng chỉ. Chỉ khi đó họ mới đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, chủ đầu tư, hay các nhà điều hành để được chấp nhận làm việc, kể cả là thực tập sinh.

Vì vậy, tôi nhận ra đây là một nỗi đau và tôi muốn các kiến thức này được trang bị ngay từ khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Khi ngồi ghế nóng Shark Tank mùa 7, được biết bà đã chốt deal cho các startup với số vốn hơn 13 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng con số này hơi "tiết kiệm", bà nghĩ sao?

Khởi nghiệp không chỉ đơn giản là các nhà đầu tư đồng ý đầu tư cho bạn. Nếu tất cả các bạn lên gọi vốn đều được chấp nhận đầu tư, điều gì sẽ xảy ra? Các bạn trẻ sẽ nghĩ rằng gọi vốn dễ dàng, rồi nhanh chóng bỏ công việc đang làm tại một tổ chức, nơi mình có giá trị và đang tạo ra giá trị cho thị trường và xã hội để bắt đầu khởi nghiệp.

Nếu khởi nghiệp quá dễ dàng, gọi 5, 10 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD trở nên đơn giản, các bạn sẽ cảm thấy việc gọi vốn không khó. Điều đó có thể dẫn đến việc các bạn trẻ đổ xô khởi nghiệp mà không chuẩn bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức.

Shark Lê Mỹ Nga: Khởi nghiệp khốc liệt, không dễ như tưởng tượng- Ảnh 2.

DSC00043.JPGShark Lê Mỹ Nga

Nếu khởi nghiệp quá dễ dàng, gọi 5, 10 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD trở nên đơn giản, các bạn sẽ cảm thấy việc gọi vốn không khó. Điều đó có thể dẫn đến việc các bạn trẻ đổ xô khởi nghiệp mà không chuẩn bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức.

Với góc nhìn là người hỗ trợ vốn, kiến thức và kinh nghiệm cho các bạn, tôi cho rằng điều đó sẽ rất nguy hiểm cho xã hội. Nếu tất cả các bạn trẻ khởi nghiệp mà không tham gia vào thị trường lao động, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thiếu nhân sự, từ cấp cao đến cấp thấp.

Tôi lên chương trình Shark Tank không phải để “nổ”. Tôi tập trung vào sản phẩm, ví dụ như sáng chế hay tiêu chuẩn quốc tế. Mục đích là xem sản phẩm đó có đủ khả năng phát triển trên thị trường toàn cầu, có thể mở rộng ra ngoài Việt Nam không?

Quan điểm của tôi là không có khái niệm tình thương mến thương, không thể dễ dãi với các bạn khởi nghiệp. Đây là bài học các bạn phải tuân thủ để tồn tại và phát triển.

Với tính nhân văn cao, tôi luôn hỗ trợ các bạn từ tài chính, kiến thức, kinh nghiệm đến mối quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế. Đó là sự nỗ lực và cam kết, một năng lượng tích cực đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và năng lượng của tôi.

- Vậy chúng ta nên đi làm một thời gian và tìm hiểu kỹ về lĩnh vực mình chuẩn bị khởi nghiệp, thay vì khởi nghiệp khi mới chỉ có chút vốn và kinh nghiệm?

Rất khó để đưa ra lời khuyên cụ thể.

Mỗi bạn trẻ có năng lực riêng và tự chọn con đường của mình. Giả sử bạn nghĩ rằng không cần đi làm thuê, không tham gia thị trường lao động, chỉ khởi nghiệp ngay sau khi ra trường. Bạn có thể cảm thấy chán công việc hiện tại, cảm thấy áp lực từ sếp hay môi trường làm việc, và nghĩ rằng khởi nghiệp sẽ dễ dàng hơn, tự mình làm chủ.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp sẽ cho bạn thấy sự khốc liệt của nó. Tôi không nói về vất vả, mà là sự khốc liệt - thương trường là chiến trường. Khi tham gia thị trường, bạn phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh, phải biết lùi một bước để tiến ba bước. Đây là cuộc chơi dành cho những người có đủ năng lực.

Nếu bạn cảm thấy không tự tin, tôi khuyên bạn nên đi làm, tham gia thị trường lao động để học hỏi từ các công ty trong ngành mình muốn khởi nghiệp. Lựa chọn này cần thời gian suy nghĩ kỹ, đừng bước vội. Hãy cẩn trọng với năng lực và điều kiện của mình.

Khi còn trẻ, tôi cũng nhận được nhiều lời mời từ ngân hàng vì học Đại học Ngoại thương, nhưng từ chối. Trong đầu tôi luôn có suy nghĩ sẽ trở thành doanh nhân và giải quyết những bài toán khó, đặc biệt trong ngành dầu khí. Khi đã xác định, tôi không còn nhìn ngang nhìn dọc nữa.

Vì vậy, tôi không có lời khuyên chung cho vấn đề này. Bạn phải tự hiểu mình đang ở đâu, có năng lực gì và lựa chọn con đường phù hợp với khả năng, năng lượng và điều kiện của mình.

Cách đây không lâu, tôi phỏng vấn một bạn gần 40 tuổi cho một chức danh nhỏ trong công ty. Bạn ấy yêu cầu mức lương 15 triệu, dù trước đó đã khởi nghiệp gần 10 năm. Nếu bạn ấy tham gia thị trường lao động thay vì khởi nghiệp, có thể giờ đây bạn ấy đã là một chuyên gia rồi. Giờ bạn chỉ cần một công việc để nuôi sống gia đình, chăm sóc vợ con và bố mẹ. Đó là bước lùi, không phải bước tiến.

- Đối với những startup bị từ chối đầu tư, nếu họ mong muốn được hỗ trợ về chiến lược, chị có sẵn lòng chia sẻ chuyên môn và mối quan hệ của mình không?

Tất nhiên là có! Dù tôi không chốt deal với startup nào, tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng họ. Tôi sẽ hỗ trợ trong việc đăng ký sáng chế, kết nối với các quỹ đầu tư hoặc các chuyên gia phù hợp để các bạn hoàn thiện sản phẩm của mình.

Công ty WeAngels của tôi quản lý quỹ đầu tư. Nếu tôi chỉ tập trung vào những giải pháp đáng đầu tư và bỏ qua tất cả các giải pháp khác, thì tỷ lệ đầu tư sẽ rất thấp. Vì vậy, để đạt được tiêu chí đầu tư, tôi phải mở lòng và giúp đỡ các bạn.

- Theo chị, hiện hệ sinh thái startup ở Việt Nam đang đứng vị trí nào trên bản đồ hệ sinh thái startup thế giới?

Khi Google xuất hiện vào những năm 2000, tôi còn rất trẻ. Câu hỏi đầu tiên trong đầu tôi là “Chuyện gì đang xảy ra?”. Tôi nhìn thấy một mô hình kinh doanh rất khác so với những gì mình đã biết. Lúc đó, tôi mới tìm hiểu Google là gì, giống như là muốn hiểu cái cây đó mọc lên như thế nào.

Khi đó, internet đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam, tôi tìm thấy đó là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ Mỹ. Từ đó, tôi rất quan tâm và đến năm 2008, vườn ươm đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện ở TP.HCM, mô hình giống của Google năm 2000, tôi lập tức liên hệ ngay.

Mặc dù mọi người mới thấy hệ sinh thái này nổi bật gần đây, nhưng tôi đã tìm hiểu từ hơn 20 năm trước. Hệ sinh thái Việt Nam bắt đầu hình thành vào khoảng 2007-2008, những bước đi đầu tiên đã xuất hiện. Đến 2016, sau 9 năm, vườn ươm thứ hai ở Đà Nẵng được hoàn thiện, tôi tiếp tục tìm hiểu và hỏi “vườn ươm này làm gì?”. Nhưng lúc đó, mọi thứ vẫn còn sơ khai.

Vì vậy, để trả lời câu hỏi hệ sinh thái của Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới, tôi nghĩ rằng nó chỉ mới bắt đầu hình thành vào những năm 2016-2017, quá trẻ so với các quốc gia khác. Một hạt giống muốn nảy mầm cần có thổ nhưỡng, môi trường và khí hậu phù hợp, hệ sinh thái cũng vậy.

- Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!

Theo Thy Huệ - Hà Linh/VTC

Cùng chuyên mục
XEM