Shark Khoa: Nhiều người nói rằng suốt ngày thấy tôi chỉ ngồi cà phê và ‘chém gió’, thực tế đúng vậy vì việc của tôi là lắng nghe và đưa ra giải pháp

01/04/2019 09:00 AM | Kinh doanh

Shark Khoa đã có những chia sẻ về công việc của mình với vai trò một nhà đầu tư vào các startup.

Lê Đăng Khoa hay Shark Khoa là một cái tên không còn xa lạ với khán giả Việt Nam sau khi anh tham gia chương trình Shark Tank từ mùa đầu tiên. Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm xây dựng gần 20 công ty lớn nhỏ trong đó có Làng du lịch sinh thái Tre Việt, 38 Degree Flower Market & Tea House và Cooper & Co. Bespoke.

Doanh nhân 35 tuổi chia sẻ: "Một số người nói rằng tôi chỉ suốt ngày uống cà phê và nói chuyện. Điều đó không sai vì nghề của tôi là lắng nghe và đưa ra giải pháp".

Tuy lịch trình dày đặc nhưng Shark Khoa luôn làm việc năng suất và hiệu quả. Trong vòng một tiếng đồng hồ, anh hoàn thành một cuộc họp, trả lời phỏng vấn, chụp hình và vẫn có thời gian trò chuyện với nhân viên trong giờ nghỉ trưa.

Ba từ miêu tả phong cách quản lý của anh?

Trao quyền, có trách nhiệm và áp dụng KPI.

Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp của anh?

Bố mẹ là người có ảnh hưởng nhất đến tôi, từ cách giao tiếp, tầm nhìn cho đến kỹ năng lãnh đạo. Ngoài ra, sai lầm trong quá khứ cũng là một "người thầy" dạy cho tôi rất nhiều điều quan trọng. Cuộc đời của tôi trái ngược với trò chơi điện tử: Tôi "tăng hạng" mỗi khi thua một trận nào đó. Nhờ những cú ngã như vậy mà tôi tiến bộ và thay đổi linh hoạt hơn.

Cảm giác của anh khi là "cá mập" trẻ tuổi nhất trong Shark Tank?

Tôi đã khá quen với việc là người trẻ nhất trong các nhóm gồm toàn những "tiền bối". Nhiều người ngạc nhiên khi thấy tối và tất nhiên, họ cũng nghi ngờ về khả năng của tôi. Điều đó đã đặt ra cho tôi những thách thức độc đáo.

Tôi thuộc thế hệ quản lý trẻ và người ở tuổi tôi chính là cầu nối giữa hai thế hệ đang có xu hướng bị mất kết nối về văn hóa nhóm. Lợi thế của tôi là có những hiểu biết giá trị về cả hai thế hệ để từ đó phát huy lợi thế của mình.

Anh hãy miêu tả đối tác khởi nghiệp lý tưởng của mình

Người đó phải là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Tôi cần một người vừa cứng rắn nhưng cũng vừa linh hoạt và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Thương trường giờ đây đang chứng kiến sự cạnh tranh chưa từng có. Startup trẻ sẽ vượt qua những thương hiệu nổi bật trong nước hay các tên tuổi toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ như thế nào nếu người lãnh đạo thiếu đi tầm nhìn?

Shark Khoa: Nhiều người nói rằng suốt ngày thấy tôi chỉ ngồi cà phê và ‘chém gió’, thực tế đúng vậy vì việc của tôi là lắng nghe và đưa ra giải pháp - Ảnh 1.

15 năm trước khi tôi vừa tốt nghiệp đại học, một tuần hoặc một tháng mới có một mẩu tin kinh tế đáng chú ý trong khi ở thời điểm hiện tại, những tin tức như vậy xuất hiện tràn ngập mỗi ngày. Người đưa ra quyết định cần có tư duy logic để sắp xếp thông tin và nhìn ra được thực tế bởi trong kinh doanh không có giả định.

Tôi tin rằng tài sản quý giá nhất của một công ty là con người. Tôi đầu tư vào những startup kinh doanh sản phẩm chưa thực sự đặc biệt vì nhận ra tiềm năng lãnh đạo của người sáng lập trong việc biến sản phẩm của mình thành một "cú hit" lớn trên thị trường.

Anh trao quyền như thế nào cho các founder của startup mà mình đầu tư?

Nếu người đó đáp ứng KPI đã đặt ra, tôi sẽ trao cho họ rất nhiều quyền. Tôi lắng nghe, quan sát và tìm hiểu trước khi đầu tư và khi chúng tôi nhất trí về tiến trình, các founder có thể tự do thực thi miễn là đạt kết quả. Tuy nhiên nếu họ không đạt được mục tiêu tăng trưởng, quyền lực sẽ thuộc về tôi.

Anh chia sẻ gì với founder trong các cuộc họp?

Thứ Tư hàng tuần, tôi tập hợp các founder của những startup mình đầu tư trong cuộc họp kéo dài ba tiếng để chia sẻ kiến thức với họ. Đó là một dịp tốt để họ học hỏi từ tôi và học hỏi lẫn nhau. Ví dụ, tuần trước chúng tôi thảo luận về chiến lược Đại dương xanh trong đó tôi yêu cầu họ động não để áp dụng vào ngành nghề của mình. Qua những buổi như vậy, kiến thức và hiểu biết của các founder sẽ tăng lên và chúng tôi cũng thắt chặt tinh thần đồng đội hơn.

Shark Khoa: Nhiều người nói rằng suốt ngày thấy tôi chỉ ngồi cà phê và ‘chém gió’, thực tế đúng vậy vì việc của tôi là lắng nghe và đưa ra giải pháp - Ảnh 2.

Quy tắc chọn startup để đầu tư của anh là gì?

Quy tắc đầu tiên là dòng tiền của họ phải dư. Điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm của họ được thị trường chấp nhận và họ biết cách vận hành.

Quy tắc thứ hai là startup cần có tiềm năng xuất khẩu. Trong số những công ty mà tôi đã đầu tư, Teso hiện có văn phòng tại Thung lũng Silicon và Puzzle Studio đang thiết kế cho khách hàng đến từ Mỹ và Campuchia. Trong nửa đầu năm 2019, chúng tôi sẽ xuất khẩu những lô sản phẩm nội thất đầu tiên sang Mỹ.

Anh có lời khuyên nào cho những người tham gia Shark Tank Việt Nam?

Shark Tank Việt Nam đang bước vào mùa 3 và sẽ thật ngây thơ nếu các founder cho rằng tiền là tài sản duy nhất của nhà đầu tư. Họ sở hữu kinh nghiệm, mạng lưới kinh doanh và nhân sự mà các startup chưa có khả năng thu hút.

Ngay cả khi người sáng lập là một thiên tài về làm bánh và vận hành, tiệm bánh của họ vẫn cần một người quản lý marketing và bán hàng dày dạn kinh nghiệm để phát triển. Ai sẽ là người sẵn sàng tạo cơ hội đó cho các founder ngoài nhà đầu tư?

Anh thích đầu tư đa ngành?

Tôi đang xây dựng một hệ sinh thái: Có hoa, có trà (38 Flower Market Tea House & Flowers) và có cả bánh (The Cake Factory). Ngoài ra, tôi còn đầu tư vào công ty giải pháp công nghệ (Teso), công ty thiết kế nội thất (Puzzle Studio) để củng cố hệ sinh thái của mình. Không những vậy, những công ty này còn có thể kết hợp cùng nhau để phát triển. Ví dụ như Puzzle Studio bắt tay với Teso để tạo ra một nền tảng thương mại điện tử chuyên về nội thất. Gần đây, tôi mới đầu tư vào một công ty chuyên về cây xanh trong nhà và sắp tới sẽ là mảng vật liệu xây dựng.

Shark Khoa: Nhiều người nói rằng suốt ngày thấy tôi chỉ ngồi cà phê và ‘chém gió’, thực tế đúng vậy vì việc của tôi là lắng nghe và đưa ra giải pháp - Ảnh 3.

Anh tự tin ra sao về hệ sinh thái startup của mình?

Đến tận hai năm trở lại đây tôi mới cho rằng chiến lược tổng thể của mình là đúng. Chúng tôi đã thiết lập một mạng lưới các công ty nhỏ liên kết với nhau có thể cạnh tranh với những ông lớn.

Không nhiều doanh nhân làm điều mà tôi đang làm. Tôi có thể chọn những lối đi an toàn hơn nhưng tôi lại là người thích mạo hiểm. Tất nhiên, tôi không mạo hiểm một cách mù quáng. Mỗi quyết định đều phải được đánh giá kỹ càng.

Làm thế nào để tạo lập văn hóa doanh nghiệp bền vững?

Trước tiên, tôi tạo ra văn hóa minh bạch rõ ràng từ chế độ đãi ngộ, quyền lợi, trách nhiệm đến đạo đức nghề nghiệp. Tự chủ thực hiện cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Điện thoại tôi không đổ chuông thường xuyên vì nhân viên của tôi biết phải làm gì khi không có tôi.

Mục tiêu dài hạn của anh là bao xa?

Xa như ngày mai vậy. Thế giới ngày nay thay đổi nhanh chóng từng ngày, vì vậy chúng ta cần thận trọng với các mục tiêu dài hạn. Nếu nhìn quá xa về phía trước, bạn có thể bỏ lỡ điều quan trọng ngay trước mắt.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM