Shark Hưng gặp đồng nghiệp ngành trà định giá 300 tỷ đồng: "Nắm thóp" từng đường đi nước bước, hạ giá còn 1/3
Sau hàng loạt câu hỏi "vặn vẹo", Shark Hưng cũng là người duy nhất ra deal với startup này.
Tay không tiến vào "bể cá mập" diện kiến các Shark, nhà sáng lập Lê Ngọc Huê giới thiệu An Thái Hưng là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, tự nhiên. Công ty hiện có tới 400 sản phẩm, thuộc 5 nhóm chính bao gồm: tinh dầu; cà phê, bột hòa tan; sản phẩm về hóa – mỹ phẩm; thảo dược chăm sóc sức khỏe cho gia đình; đặc biệt là nhóm trà thảo dược. An Thái Hưng hiện là đơn vị gia công trà thảo dược cho 85 thương hiệu, tỷ lệ mua lại đạt 25%. Bản thân doanh nghiệp này cũng phát triển một thương hiệu trà của riêng mình.
Theo nhà sáng lập, lợi thế của công ty nằm ở việc một quy trình có thể tạo ra 4 dòng sản phẩm, từ đó tối ưu chi phí sản xuất. Hiện An Thái Hưng đã có 2 nhà máy: một nhà máy có diện tích 6.500m2, đã đưa vào hoạt động từ năm 20178 và hiện công suất đang quá tải; một nhà máy quy mô 28.000m2 đang trong hoàn thành và đã đưa vào sản xuất tại một số bộ phận.
Về kết quả kinh doanh, An Thái Hưng ghi nhận doanh thu năm 2021 đạt 25 tỷ đồng, năm 2022 đạt 46 tỷ đồng và đến 2023 đặt mục tiêu 80 tỷ, lãi ròng 25% - tương đương 20 tỷ đồng. Công ty có tổng tài sản 128 tỷ đồng, vốn vay 6 tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Huê kêu gọi "cá mập" đầu tư 20 tỷ đổi lấy 6% cổ phần, tương ứng mức định giá hơn 333 tỷ đồng.
Shark Hưng "nắm thóp", hạ giá còn 1/3
Là người cũng đang phát triển một thương hiệu trà, Shark Hưng tỏ ra hiểu biết về ngành và hứng thú với thương vụ này. Tuy nhiên, ông không ngại hỏi khó: "Bạn đến bán cho người khác mà không mang sản phẩm đến thì làm sao chúng tôi tin?". Founder giải thích, do hầu hết các sản phẩm là gia công cho đối tác nên không tiện mang đi.
Shark Hưng hỏi thêm: "Tỷ trọng gia công cho nhãn khác là bao nhiêu?"
Founder An Thái Hưng: "Doanh thu từ gia công chiếm 95%, còn nhãn hiệu riêng trà Thái Hưng hiện chỉ chiếm 5%".
Ông Lê Ngọc Huê cũng cho biết thêm, bản thân đang nắm giữ 86% cổ phần, còn lại thuộc về 3 cổ đông khác, chưa gọi vốn ngoài lần nào.
Đến đây, Shark Minh Beta thắc mắc về mục đích sử dụng vốn đầu tư. Theo founder, một phần vốn sẽ dùng cho các hoạt động marketing/truyền thông - trong đó có hỗ trợ marketing cho đối tác nhãn hàng, một phần dùng cho công tác R&D, còn lại để đầu tư vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản biện của cả Shark Minh và Shark Hưng.
Theo Shark Hưng, doanh nghiệp B2B thì không cần quảng cáo nhiều. Trong khi đó, Shark Minh Beta cho rằng marketing là lợi thế của nhãn hàng chứ không phải của một doanh nghiệp OEM như An Thái Hưng.
Shark Hưng hỏi thêm về cơ cấu doanh thu, founder cho biết top 5 đối tác lớn nhất đang đóng góp 30% doanh thu. Vị "cá mập" nhận định lệ này chưa đạt quy tắc 80:20. Đến đây, nhà điều hành An Thái Hưng bổ sung: 20 đối tác lớn nhất đang chiến 80% doanh thu.
"Cá mập" nhà Cen Group tiếp tục hỏi: "Đầu ra sản phẩm có đầy đủ các loại không?"
Founder tự tin: "Dạ đủ!"
Shark Hưng "bắt bài": "Đấy cũng là một điều không tốt, quá lan man làm tăng chi phí đầu tư thiết bị'.
Shark Minh đồng tình: "Đối tác nhìn vào sẽ nghĩ bạn không quá chuyên sâu vào cái gì".
Dẫu liên tục hỏi khó founder nhưng Shark Hưng lại là người đề nghị đầu tư duy nhất trong thương vụ này. Ông cho rằng sẽ có nhiều cơ hội để cùng hợp tác giữa An Thái Hưng với thương hiệu trà của mình. Vị "cá mập" đề nghị: 5 tỷ cho 5% cổ phần, 15 tỷ đồng còn lại ở dạng hợp đồng đặt hàng trả trước hoặc mua máy móc thiết bị, sau đó lấy hàng trừ dần. Điều này tương đương với định giá của công ty đạt 100 tỷ đồng.
Không cần suy nghĩ hay mặc cả nhiều, nhà sáng lập An Thái Hưng ngay lập tức đồng ý, giúp thương vụ đi đến thành công.